Có tiền là có thể thuê viết bài báo khoa học đạt chuẩn Scopus – ISI theo xếp hạng từ Q4 – Q1, công bố trên các tạp chí quốc tế. Nhiều người có học hàm, học vị tại Việt Nam từng giao dịch tại ‘thị trường ngầm’ này?
30 – 200 triệu đồng/bài báo
Từ chỉ dẫn của một số nhà khoa học về việc có một nhóm chuyên viết thuê bài báo khoa học đang hoạt động công khai, chúng tôi truy cập vào trang web thongke… của nhóm này.
Những người điều hành trang web giới thiệu đây là nơi hội tụ các thành viên có am hiểu chuyên sâu về nghiên cứu định lượng và phương pháp nghiên cứu khoa học. Lực lượng đội ngũ nhân sự và cộng tác viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Lĩnh vực hoạt động chính của nhóm này về kinh tế, tài chính, marketing, quản lý, quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh, quản lý đất đai, y tế công cộng, giáo dục…
Nhóm nhận làm rất nhiều dịch vụ: viết thuê tiểu luận chuyên ngành, đề cương, thu thập dữ liệu trực tuyến, viết thuê luận văn thạc sĩ, chỉnh sửa dữ liệu… Thậm chí, nhóm còn giới thiệu những dịch vụ khá mới lạ như hỗ trợ nghiên cứu sinh tiến sĩ khi gặp khó khăn về ý tưởng nghiên cứu, mô hình nghiên cứu mới, phương pháp định lượng mới, hay công bố khoa học lên các tạp chí uy tín, cung cấp số liệu sơ cấp và thứ cấp… Tuy nhiên, dịch vụ “độc đáo” nhất nhóm này nhận làm là hỗ trợ công bố quốc tế Scopus.
Hiện nay, có 2 nhóm phân loại uy tín được cộng đồng khoa học công nhận trên thế giới là Viện Thông tin khoa học Mỹ (ISI) và Scopus (Hà Lan). Do vậy, ở VN, khi nói tới xét phong giáo sư, phó giáo sư thường đưa ra tiêu chuẩn về số bài báo đăng trên ISI hay Scopus.
Theo giới thiệu, nhóm này nhận hỗ trợ đăng bài báo khoa học cả 2 loại trên nhưng hệ thống đánh giá và tìm phân loại của Scopus với chỉ số xếp hạng tạp chí SCImago. Các tạp chí được xếp hạng từ cao xuống thấp lần lượt là Q1, Q2, Q3, Q4, ISSN (những tạp chí Q4 bị rớt hạng nhưng vẫn thuộc Scopus).
Theo bảng báo giá của nhóm này, mỗi bài báo khách thuê viết và công bố theo xếp hạng tạp chí có giá chi tiết. Cụ thể, nếu bài đăng tạp chí trong nước (0,25 – 0,5 điểm) giá 8 triệu đồng. Bài đăng tạp chí nước ngoài đạt chất lượng Q4 có giá 30 – 50 triệu đồng. Tiếp đến là bài Q3 (50 – 60 triệu đồng), bài Q2 (100 – 120 triệu đồng), bài Q1 (150 – 200 triệu đồng).
Tác giả đứng trước, đứng sau có mức giá riêng
Trong vai một người thuê viết bài báo khoa học và nhờ hỗ trợ công bố quốc tế, chúng tôi liên lạc điện thoại và email với nhóm.
Chúng tôi nhờ đăng bài chuyên ngành quản trị kinh doanh và mong muốn công bố Scopus đạt chuẩn Q4. Người phụ trách liên hệ cho biết giá đã công bố khoảng 30 – 50 triệu đồng. Mức giá 50 triệu đồng là tác giả “đứng thứ nhất” (tác giả chính) trong bài báo. Mỗi bài báo không có tối đa 5 người đứng tên nên nếu chọn tác giả đứng sau sẽ có mức giá 30 triệu đồng/bài…
Người phụ trách này giải thích chi phí trên bao gồm nhiều khâu. Chẳng hạn, với bài đạt chuẩn Q4, đầu tiên là xây dựng ý tưởng và phải xin ý tưởng từ các chuyên gia đầu ngành khoảng 3 – 8 triệu đồng/lần, tùy thuộc vào độ khó của đề tài. Sau đó là dữ liệu để chạy mô hình. Công bố khoa học không thể dùng dữ liệu công khai được nên phải bỏ tiền ra mua dữ liệu. Tiếp theo là chi phí áp dụng nghiên cứu định lượng vào bài nghiên cứu bằng cách thuê chuyên gia định lượng, khoảng 5 triệu đồng. Chi phí viết bài báo tiếng Việt khoảng 8 triệu đồng. Chi phí dịch tiếng Anh sau khi có bài tiếng Việt từ 5 – 10 triệu đồng. Cuối cùng là chi phí đăng ở những tạp chí mở với phí gửi đi (submit) từ 100 – 1.000 USD, trung bình là 350 USD (khoảng 8 triệu đồng).
Khi chúng tôi hỏi có danh sách các tạp chí để lựa chọn đăng bài hay không, người đại diện nhóm này cho biết nếu muốn chỉ định tạp chí thì cộng thêm phí 15%.
Người này cũng cho biết với mức giá trên, nhóm sẽ lo tất cả các khâu từ mua dữ liệu, viết bài, dịch, trả chi phí đăng bài cho tạp chí. Thời gian từ khi nhận đến khi đăng bài Q4 là 6 tháng hoàn tất (Q3 – 6 tháng, Q2 – 12 tháng, Q1 – 24 tháng). Mọi liên hệ và giao dịch thông qua email. Người thuê sẽ trả 50% chi phí trước và thanh toán 50% còn lại khi bài đăng. Sẽ hoàn tiền 100% khi không đạt được thỏa thuận vì trên thực tế có những nghiên cứu phải sửa 2 – 3 lần nhưng ban biên tập tạp chí không đồng ý thì bài báo sẽ không được đăng.
Ngoài ra, hiện tại cũng có một nhóm viết thuê khác có trang web với tên khá thời thượng là isi-journ… Đại diện nhóm này cho biết ở Hà Nội, là công ty duy nhất cung cấp dịch vụ hỗ trợ đăng báo quốc tế tại Việt Nam. Nhóm chỉ nhận hỗ trợ đăng bài báo nên thời gian kể từ khi nhận bài có sẵn để hoàn thiện theo quy chuẩn đến khi đăng là 2 tháng (có chỉ số ISSN thì 1 – 2 tuần). Nơi này hỗ trợ đăng bài trên các tạp chí quốc tế (có chỉ số) thuộc một trong các hệ thống trích dẫn Web of Science, Scopus, Web of Knowledge, Astrophysics, PubMed, Mathematics, Springer, Agris…
Đặc biệt, nhóm này còn có dịch vụ hoàn thiện hồ sơ xét công nhận phó giáo sư, giáo sư.
Thật giả lẫn lộn
Theo tiến sĩ T., trưởng phòng quản lý khoa học của một trường ĐH công lập lớn ở TP.HCM, bài báo đăng theo xếp hạng Q1 – Q4 khác nhau rất xa, thể hiện đẳng cấp của người làm khoa học. Tuy nhiên, ngay cả đối với nghiên cứu sinh hiện nay tại Việt Nam, theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (năm 2018), Bộ GD-ĐT không yêu cầu bài báo khoa học phải theo xếp hạng tạp chí Scopus Q4 – Q1. Nghiên cứu sinh phải có 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI – Scopus, nghĩa là chỉ cần có chỉ số xuất bản là được. Thuê các nhóm chuyên nghiệp để viết bài báo có chỉ số ISSN không quá khó nên hiện nhiều nghiên cứu sinh thường thuê người thực hiện các bài báo khoa học.
Cũng theo tiến sĩ T., khi xét phó giáo sư, giáo sư, quy định về tiêu chuẩn xét công nhận có tính điểm công trình khoa học quy đổi. Bài báo càng có chỉ số cao đồng nghĩa với điểm cao. Vì vậy, không loại trừ có nhiều người bỏ tiền ra thuê công bố bài báo khoa học.
Còn theo một nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu sau tiến sĩ tại châu Âu, từng nhận được lời đề nghị viết bài báo khoa học của một nhóm chuyên tổ chức viết bài báo thuê ở TP.HCM. Mức giá viết thuê nhóm đưa ra là 30 – 90 triệu đồng/bài, tùy theo tạp chí. Công việc của nhà khoa học này là viết và trả lời phần bình của tạp chí khoa học khi nơi này phản hồi.
Cũng theo nhà khoa học này, nếu đứng tên là tác giả bài báo, sẽ nhận được nhiều tiền hơn nhưng điều kiện bắt buộc là phải đứng tên của cơ sở giáo dục đại học nào đó do nhóm chỉ định. Ở trường hợp trên, nhà khoa học này sẽ đứng ở vị trí tác giả 1, những người bỏ tiền ra “mua” sẽ đứng thứ 2, 3 (đồng tác giả) dù họ không tham gia gì vào bài báo này.
“Chuyện mua bài báo quốc tế là có”
Một PGS-TS của ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ thẳng thắn, hiện nay có không ít giảng viên ở nhiều trường ĐH mua bài của người khác hoặc “ghép tên – trả tiền” để có tên trên các công bố quốc tế. “Thử đặt câu hỏi nhiều giảng viên, nhà khoa học không biết tiếng Anh, làm sao có bài báo quốc tế? Rõ ràng chuyện mua bài báo quốc tế là có. Có trường ĐH còn lấy danh sách các giáo sư nước ngoài gắn tên vào thành người của trường mình, trả mỗi bài từ 80 – 100 triệu đồng. Giảng viên làm để được làm GS, PGS, được thưởng; còn trường ĐH làm để được thăng hạng… Thật buồn vì không ít người đang “kinh doanh khoa học”, vị PGS này chia sẻ.
PV/TN
Nguồn: Cánh cò