Ông Trần Đức Lương nhấn mạnh điều này khi đề cập đến những đóng góp của Tổng Bí thư Lê Khả Phiếu trong vấn đề biên giới và mở rộng quan hệ đối ngoại.
“Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là lãnh đạo cấp cao rất có uy tín của Đảng, Nhà nước, cả cuộc đời toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã góp phần lãnh đạo, chỉ đạo mở rộng quan hệ đối ngoại, khẳng định Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới” – nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
PV: Thưa ông, trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII mà ông ở cương vị Chủ tịch nước, điều mà ông nhớ nhất ở Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là gì?
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Tôi được Quốc hội bầu làm Chủ Tịch nước đúng thời gian đồng chí Lê Khả Phiêu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Tổng Bí thư. Đồng chí luôn toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Một con người mà có ý chí quyết tâm không ngừng nghỉ, luôn có nghị lực, sáng kiến để thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ được giao. Tôi cảm ở nhận đồng chí Lê Khả Phiêu tinh thần như vậy.
Suốt cả nhiệm kỳ, mối quan hệ công tác hai bên phải rất chặt chẽ và thường xuyên, nhất là những việc có tầm hệ trọng liên quan đến đất nước và nhân dân. Quan hệ làm việc giữa Chủ tịch nước và Tổng Bí thư có nhiều sự kiện để lại cho tôi nhớ rất sâu.
Tôi lấy ví dụ, ngay sau khi được giao nhiệm vụ không lâu, đề nghị đầu tiên của tôi với Tổng Bí thư và Bộ Chính trị là ra Chỉ thị tổ chức lại phong trào thi đua yêu nước và chuẩn bị tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc vào năm 2000.
Đề nghị của tôi trước khi đưa ra Bộ chính trị được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu hoan nghênh. Sau đó có Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc đấy. Từ đó trở đi, phong trào thi đua yêu nước trở lại và đến năm 2000 thì tổ chức được Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc với nhiều anh hùng, chiến sĩ thi đua có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp đổi mới.
PV: Quãng thời gian Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đảm nhận cương vị người đứng đầu Đảng cũng là giai đoạn mà Đảng và Nhà nước ta đang đàm phán tích cực với phía Trung Quốc về hoạch định lại biên giới trên bộ. Với tư cách là 2 người đứng đầu Đảng, Nhà nước, khi đó 2 nhà lãnh đạo đã có sự chuẩn bị như thế nào để Hiệp định về biên giới trên bộ giữa ta với Trung Quốc được ký kết vào cuối năm 1999, thưa ông?
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Biên giới đã được hoạch định từ thời Pháp với nhà Thanh cho nên có nhiều điểm không rõ ràng và luôn luôn xảy ra tranh chấp trên suốt chiều dài biên giới. Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng được môi trường hòa bình, ổn định, lâu dài thì phải cố gắng đàm phán tích cực để phân định biên giới với kỹ thuật hiện đại.
Với tư cách là Chủ tịch nước, tôi rất quan tâm; với tư cách là Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu cũng rất quan tâm, luôn luôn lắng nghe các đơn vị báo cáo để cho ý kiến giải quyết dần dần, từ dễ đến khó, cho đến khi đạt được Hiệp định.
Ký xong rồi thì trong dư luận vẫn còn có những điểm thắc mắc, Đảng và Nhà nước tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu. Từ ngày ký Hiệp định biên giới trên bộ giữa hai nước thì tình hình biên giới êm hẳn, sau đó ký luôn Hiệp định về quản lý biên giới giữa hai bên.
Phải nói rằng, về mặt Nhà nước là tôi chịu trách nhiệm, về mặt Đảng đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chịu trách nhiệm, luôn luôn làm việc chặt chẽ, cho ý kiến để Ban biên biên giới Chính phủ đàm phán từng nấc để cuối cùng thông qua Bộ Chính trị, thông qua Ban Chấp hành Trung ương, thông qua Quốc hội, đạt được những việc lớn là Hiệp định về biên giới trên bộ giữa ta với Trung Quốc.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
PV: Vâng, nhắc đến mặt trận ngoại giao, không thể không nhắc đến sự kiện Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam vào năm 2000 là Tổng thống Bill Clinton. Đây là dấu mốc quan trọng sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và tiến tới ký Hiệp định Thương mại song phương đầu tiên vào tháng 7/2000. Ông có thể chia sẻ gì về dấu mốc này?
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Năm 1995, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, phía Mỹ đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1995. Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố tại Washington, còn Việt Nam do Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố.
Đấy là sự kiện được cả thế giới và nhân dân trong nước quan tâm theo dõi. Có một tình tiết, đó là thời điểm chuyển từ chỗ “đối đầu sang không đối đầu” thì tâm trạng của toàn dân có những nhận định khác nhau. Thời điểm Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam (Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam) tôi được phân công đón.
Tôi có thảo một bài phát biểu chào mừng và xin ý kiến đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Sau khi nghe tôi nói, đồng chí Lê Khả Phiêu đồng ý ngay, với tinh thần đây là thời điểm không nên làm căng về những vấn đề cũ mà phải nói sao cho “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đôi bên có lợi.
Từ đó đến nay chúng ta thấy điều đó đã đưa lại lợi ích to lớn như thế nào cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương!./.
Nguồn: VOV.vn