2 chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội đề nghị xem xét chế độ công nhận thương binh, liệt sĩ đối với ngư dân đánh bắt xa bờ vì đây cũng là đối tượng đang làm cả nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
Sáng 11.8, tiếp tục phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Là người đầu tiên nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, cho biết, các địa phương từng đề nghị cần có chế độ, chính sách đối với ngư dân đánh bắt xa bờ.
“Nếu không công nhận (thương binh, liệt sĩ – phóng viên) thì cũng phải có chính sách tử tuất phù hợp để động viên, ghi nhận sự dũng cảm đi tuyến đầu. Đây không phải là đi làm ăn kinh tế đơn thuần mà là bảo vệ Tổ quốc”, ông Giàu phân tích và cho rằng khi sửa đổi quy định về công nhận liệt sĩ, bệnh binh trong thời bình cần xem xét đối tượng này.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ – Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, khi ông còn là chủ tịch tỉnh tới thăm một làng đánh cá có rất nhiều ngư dân ra đảo Trường Sa, Hoàng Sa đánh cá nhưng đồng thời cũng đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền bị phía Trung Quốc đánh đập, dẫn đến thương tật.
“Những trường hợp ấy thì không chỉ thăm hỏi bình thường. Liệu có nên công nhận là thương binh không?”, ông Dũng nêu vấn đề và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm để có chế độ, chính sách với những trường hợp đặc biệt như vậy.
Người có công không chỉ là người Việt Nam
Một vấn đề khác cũng được Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt ra là việc dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công giải thích người có công với cách mạng là “công dân Việt Nam”. “Vậy thì người nước ngoài, người không có quốc tịch mà có cống hiến với cách mạng thì có đưa vào diện người có công với cách mạng để khen thưởng hay không?”, ông Lưu đặt vấn đề.
Theo ông Lưu, pháp lệnh hiện hành không phân biệt người có công là người Việt Nam hay người nước ngoài, ai có công thì đều được tôn vinh, ghi nhận, hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước. Do vậy, việc dự thảo quy định người có công với cách mạng chỉ là công dân Việt Nam là chưa phù hợp.
“Tôi đề nghị nếu đặc thù riêng với người nước ngoài trong việc tôn vinh, ghi nhận, thì trong pháp lệnh ít nhất có điều khoản quy định vấn đề này đối với người nước ngoài và giao cho Chính phủ quy định cụ thể thì sau này mới có cơ sở thực hiện. Còn đây là chính sách nhất quán của Đảng, nhà nước là không phân biệt”, ông Lưu phân tích.
Ông Phan Xuân Dũng cũng đề nghị phải có cách nào đó để ghi nhận sự đóng góp của những người có công với cách mạng là người nước ngoài. “Có thể không phải tất cả nhưng phải có một câu vào đây nếu không sau này xử lý rất khó”, ông Dũng nêu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì đề nghị nếu pháp lệnh hiện tại quy định người có công là cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài, không phân biệt thì nên giữ nguyên chứ không nên quy định như dự thảo.
“Người có công với cách mạng là công dân Việt Nam đã chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu hoặc làm nhiệm vụ mà bị hy sinh hoặc bị thương hoặc có thành tích cống hiến trong các thời kỳ cách mạng, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước; được Đảng, Nhà nước, nhân dân tôn vinh và được xác nhận theo quy định của pháp lệnh này”
PV/VTC
Nguồn: Cánh cò