Trang chủ Chính trị Chuyện về quyết định xin nghỉ trước Đại hội IX của Tổng...

Chuyện về quyết định xin nghỉ trước Đại hội IX của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

135
0

Nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt đánh giá, việc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu “xin nghỉ” tại Đại hội IX là vì lợi ích chung, thể hiện bản lĩnh chính trị của ông…

Ông Phạm Thế Duyệt là người có thời gian làm việc trực tiếp cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong Bộ Chính trị khóa VIII (1996-2001). Ông là người thay vị trí Thường trực Bộ Chính trị của ông Phiêu khi ông Phiêu trở thành Tổng Bí thư, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII (tháng 12/1997).

Chia sẻ trên báo Đại đoàn kết, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt gửi lời chào tiễn biệt vị Tổng Bí thư khóa VIII. Nội dung không thể thiếu trong hồi tưởng về nguyên Tổng Bí thư là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Chuyện về quyết định xin nghỉ trước Đại hội IX của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Ông Phạm Thế Duyệt là người thay vị trí Thường trực Bộ Chính trị khi ông Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 12/1997.

Quyết tâm chỉnh đốn Đảng lan tỏa từ Tổng Bí thư

“Chúng tôi nói chung trong Thường vụ, trong Bộ Chính trị, trong Trung ương có ý thức quyết tâm rất cao rằng, trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII phải có một nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng và nhất quyết thực hiện việc đó.

Thời gian không có nhiều, tôi nhớ đó là năm 1999, chỉ còn hơn 2 năm là hết nhiệm kỳ. Nhưng Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) rất có ý nghĩa, rất có giá trị về nguyên tắc, về vai trò lãnh đạo của Đảng, để giữ vững Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Yêu cầu đặt ra là làm sao củng cố lại Đảng, không thể để những nguy cơ mà Đại hội VI, Đại hội VII đã chỉ ra.

Nghị quyết mang tên Trung ương 6 (lần 2) vì Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khi đó chỉ bàn được một vấn đề về kinh tế, nên phải họp tiếp một phiên, bàn riêng về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phiên họp đợt 2 này ban hành được Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nên được lấy tên là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2).

Ban hành được Nghị quyết đã là quan trọng nhưng nan giải hơn là vấn đề chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Chúng tôi đã có những bàn bạc, anh Phiêu đã chỉ đạo rất chặt chẽ, đặt ra vấn đề phải có cơ quan thường trực giúp cho Bộ Chính trị, cho Thường vụ, cho Thường trực, cho Tổng Bí thư trong công tác này. Theo đó, Bộ Chính trị quyết định đưa anh Vũ Quốc Hùng – Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương sang làm Trưởng bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2), làm việc ngay ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân.

Hàng ngày, bận gì thì bận tôi cũng trực tiếp xuống lắng nghe anh em ở bộ phận thường trực báo cáo thu thập ý kiến phản ánh các nơi xem tiến hành chỉnh đốn Đảng ra làm sao, nơi nào chậm nơi nào nhanh, nơi nào làm tốt. Các vụ việc lớn mà Trung ương phải xử lý thì việc gì phải đưa ra Bộ Chính trị, ra Thường vụ, ra Trung ương… đều phải bàn.

Với quyết tâm rất lớn từ Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đó là thời gian tuy ngắn nhưng giải quyết được rất nhiều vụ việc.

Có những vụ việc lớn như xử lý kỷ luật các lãnh đạo cấp cao, Đảng đều có thái độ rất rõ. Điều này đã tạo sự chuyển biến thì trên xuống dưới, tạo được không khí thẳng thắn, chân thực, không bị dao động hay thiếu bản lĩnh trong các quyết định. Trước những vấn đề phức tạp động chạm đến các lãnh đạo cấp cao, có những vướng mắc, có khó khăn cần phải làm rõ đều phải yêu cầu UB Kiểm tra Trung ương thẩm định rõ ràng, báo cáo trước Trung ương và Bộ Chính trị.

Cuộc kiểm điểm phê bình và tự phê bình trong Bộ Chính trị khi triển khai cũng được làm rất nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn, tới mức dư luận bên ngoài lúc ấy đặt câu hỏi “không hiểu trong nội bộ Đảng có việc gì?”. Bộ Chính trị phải kiểm điểm từ cá nhân Tổng Bí thư trở xuống. Những cuộc kiểm điểm ấy khác so với các cuộc sinh hoạt bình thường. Quyết tâm chỉnh đốn Đảng từ đó mới lan toả ra toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, lan toả ra toàn thể các cấp uỷ.

Không phải chỉ ở Trung ương mà các địa phương đều xử lý được tình trạng mất đoàn kết, mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực. Tình hình ở nhiều địa phương rất phức tạp, như Nghệ An, tôi phải trực tiếp vào xử lý.

Những kết quả đó đều nhờ Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có sự quyết đoán, có tâm trong sáng và rất coi trọng dân chủ.

Thời gian đó cho đến Đại hội IX còn rất ngắn. Tại Đại hội, Bộ Chính trị đã báo cáo rất rõ những việc còn chưa làm được, chưa giải quyết được, đề nghị khoá IX tiếp tục xử lý. Chỉ tiếc là sau đó, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đã không được tiếp tục triển khai quyết liệt.

Quyết định “xin nghỉ” thể hiện bản lĩnh chính trị

Chuyện về quyết định xin nghỉ trước Đại hội IX của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Bức ảnh ông Phạm Thế Duyệt treo trang trọng tại nhà chụp Bộ Chính trị khóa XIII cùng các cố vấn trước Đại hội IX của Đảng.

Về việc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nghỉ sau hơn 3 năm giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng (tháng 4/2001 – PV), chắc mọi người cũng suy nghĩ bàn tán nhiều về việc ông xin nghỉ. Tôi là người trong cuộc tôi biết, quyết định đó được đưa ra vì sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, vì lợi ích chung của Đảng.

Việc đó cũng thể hiện một bản lĩnh chính trị rất rõ ràng, ông không lấn cấn gì. Tất nhiên việc đó khiến ai cũng phải suy nghĩ nhưng lúc bấy giờ cần phải lựa chọn quyết định để tạo được sự thống nhất trong Trung ương, tạo sự thống nhất trong Đảng. Tôi coi cái đó là điều rất quý.
Sau khi anh Phiêu nghỉ hưu, quan hệ của chúng tôi vẫn rất gần gũi, thường xuyên thăm nhau. Có điều gì cần đóng góp cho Trung ương, anh đều gọi chúng tôi trao đổi để cùng góp ý bằng văn bản hẳn hoi để Bộ Chính trị đương nhiệm nghiên cứu, tham khảo.

Tôi có quá trình công tác không dài cùng anh Lê Khả Phiêu nhưng tôi cảm nhận, những việc anh làm mang lại hiệu quả rất rõ ràng. Anh tỏ rõ vai trò của người lãnh đạo vừa dám chịu trách nhiệm cá nhân vừa giữ nguyên tắc của Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo tập thể, giữ được đoàn kết.

Lúc bấy giờ làm việc trong Thường vụ Bộ Chính trị, bao giờ hai anh em tôi cũng ở lại cơ quan buổi trưa, nằm giường xếp tranh thủ chợp mắt. Ăn trưa thì anh em hành chính quản trị nấu cho ăn. Nhưng tuần nào chị Bích vợ anh Phiêu cũng gửi cho một ít bánh khúc, chị ấy làm rất ngon. Và bao giờ cũng vậy, anh Phiêu được ăn 4 cái thì tôi cũng được 3 cái (cười). Những kỷ niệm ấy tình cảm lắm!”.

“Không ai có thể hối lộ, mua chuộc”

Với tôi, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người “nghe kỹ”, đánh giá đúng là quyết đúng, là một người tình cảm, sâu sát, quyết đoán.

Đó là một người có tính Đảng rất cao. Đạo đức của người lãnh đạo, tính nguyên tắc của người lãnh đạo rất quan trọng, sau rồi đến bản lĩnh, tính quyết đoán.

Anh Phiêu cũng là người rất trung thực, thẳng thắn. Không ai có thể hối lộ, mua chuộc được anh Phiêu. Hai anh em chúng tôi nhất trí rất cao quan điểm ấy.

Đó thực sự là một người rất đáng quý trọng về cái tâm, cái tầm của nhà lãnh đạo.

Thái Anh /DT


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây