Trang chủ Chính trị Sẽ có chỉ thị mới về biện pháp chống “làn sóng” Covid-19...

Sẽ có chỉ thị mới về biện pháp chống “làn sóng” Covid-19 thứ 2

259
0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch bệnh Covid-19 vừa phát sinh từ Đà Nẵng đến giờ cơ bản đã trong tầm kiểm soát. Sắp tới sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng.

Sẽ có chỉ thị mới về biện pháp chống “làn sóng” Covid-19 thứ 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thường kỳ tháng 7/2020 của Chính phủ.

Trước hết, đánh giá tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng cho rằng, tháng 7 phát triển khá tốt, đặc biệt là kích cầu nội địa, du lịch nội địa, hàng không, những ngành chịu nhiều thiệt hại do Covid-19 thì đã tiến triển đáng mừng.

Tuy nhiên, trong tuần cuối tháng 7, đã xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đó, cả nước đã tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh một cách bình tĩnh, lạc quan và quyết tâm cao với mục tiêu kép là khoanh vùng dập dịch kịp thời, liên tục với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho Đà Nẵng.

Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo trên tinh thần không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế vì nên kinh tế “nếu ốm nặng quá thì gượng dậy rất khó, còn ốm nhẹ thì cố gắng gượng dậy”.

Nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu tích cực, có những điểm sáng như về lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, thu hút FDI, giải ngân vốn đầu tư công…

Cho rằng dịch bệnh cơ bản trong tầm kiểm soát, Thủ tướng nhận định, Việt Nam đã làm tốt, quyết liệt và có kinh nghiệm nhất định trong phòng chống dịch. Các cơ quan đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan.

Thủ tướng cho biết, sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Các cơ quan đã xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm Luật Biên giới, nạn đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép vật tư y tế.

Chỉ ra 3 rủi ro, thách thức từ bên ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh, rủi ro lớn nhất vẫn là dịch Covid-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề; thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước và thứ ba là địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.

“Tôi xin lưu ý thách thức đối với chúng ta là bùng phát dịch trở lại, đe dọa phục hồi kinh tế”, Thủ tướng nói.

Nêu rõ quan điểm điều hành cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh.

Kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng.

“Có đồng chí lãnh đạo nói là GDP năm 2020 nếu tăng từ 2-3% đã là một cố gắng rất lớn, phấn đấu đạt cao hơn trong trường hợp kiểm soát tốt dịch bệnh và tình hình dịch bệnh thế giới không quá xấu” – Thủ tướng phân tích, cơ quan điều hành muốn tăng trưởng cao hơn nữa nhưng tình hình thế giới tăng trưởng âm, những đối tác lớn bị ảnh hưởng, cả cung và cầu đều yếu, nên tăng trưởng của nền kinh tế ở mức độ vừa phải. Cùng với đó, cố gắng giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội.

Yêu cầu các bộ ngành xây dựng kịch bản điều hành cụ thể quý III năm 2020 và năm 2021, Thủ tướng nhắc, lãnh đạo các bộ ngành đều phải có trách nhiệm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Số người lao động gặp khó khăn hiện nay rất lớn, phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn để giải quyết.

Việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa qua, Thủ tướng nhắc, cần rút kinh nghiệm để thuận lợi hơn.

Thái Anh/DT


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây