Trang chủ Luận bàn - Phản biện Khi những kẻ “ăn mày chính trị” bày trò ly gián Chính...

Khi những kẻ “ăn mày chính trị” bày trò ly gián Chính phủ và Quốc hội

246
0

Phải đến 6 tháng nữa mới diễn ra Đại hội 13, thế nhưng câu chuyện về công tác nhân sự cán bộ, lãnh đạo đã nóng ran gần cả năm trời. Nóng cũng chính bởi bàn tay nhào nặn ra nhiều kịch bản của các “chuyên gia phân tích” khiến cho những cuộc chiến thâm cung trở nên huyền bí, hấp dẫn khiến dư luận tò mò, bàn tán theo.

Khi những kẻ “ăn mày chính trị” bày trò ly gián Chính phủ và Quốc hội
Hình ảnh bài viết của Sông Quê trên trang Chân trời mới media xuyên tạc hòng chống phá công tác nhân sự Đại hội 13, gây chia rẽ, ly gián nội bộ lãnh đạo.

Tiếp tục series dài tập về câu chuyện thâm cung nội chiến, trên trang “Chân trời mới media” đăng tải bài viết của tác giả Sông Quê với tựa đề “Quốc hội và Chính phủ tiếp tục nắn gân nhau”. Qua kịch bản của Sông Quê tung ra rằng “dường như có một âm mưu nào đó nhằm hất bà Nguyễn Thị Kim Ngân ra khỏi chính trường. Bằng chứng trên mạng vài tháng nay xuất hiện danh sách của ứng cử viên Bộ Chính trị khóa tới cùng với các nhân vật được chọn vào tứ trụ mà không có tên bà Ngân”. Đọc đến đây dư luận không biết Sông Quê đang nói đến bản danh sách nào nữa, khi mà hiện nay trên mạng xã hội đang có nhiều dị bản về cái gọi là “danh sách chốt ứng cử viên Bộ Chính trị”. Đầu năm có ông tiến sĩ nào đó nói rằng “bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ là Thủ tướng bởi bà có kinh nghiệm điều hành Quốc hội. Cũng từng là thành viên Chính phủ phụ trách lĩnh vực Lao động – Thương binh và xã hội hay Thứ trưởng Bộ Tài Chính”. Hay như mới đây trong bản “danh sách mật” được Bùi Thanh Hiếu nói là thông tin nội bộ tuồn ra cho biết “bà Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội”. Ấy thế mà, tác giả Sông Quê lại đi ngược lại với những kẻ “cùng hội cùng thuyền” của mình lại cho rằng “bà Ngân bị hất ra khỏi chính trường”. Xem ra việc Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ở lại hay rời chính trường, nhận chức Thủ tướng hay vẫn ngồi lại ghế Chủ tịch Quốc hội cũng từ miệng xào xáo của các “chuyên gia” mà ra chứ nào phải là thông tin nội bộ hay mật gì. Cứ thế, kẻ nói gà, người nói vịt, chế tác thành hàng loạt bản tam sao thất thiệt khiến người dân rơi vào cuộc chiến thâm cung không có cơ sở, cũng chẳng có hồi kết do các “thánh phán” dựng ra hòng tung hỏa mù.

Đã là câu chuyện thâm cung nội chiến thì tất nhiên không thể nào thiếu những màn đấu đá, thanh trừng phe phái để giành ghế rồi. Cho nên tác giả Sông Quê phải tìm một sự việc để móc nối vào cho có tí liên kết, logic để không bị bạn đọc chê cười rằng kịch bản nghe sao nhàm chán, lui tới cũng chỉ có một mô típ cũ. Trùng hợp thay, thời gian này Bộ Công an đề nghị Quốc hội đưa vào xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp lần thứ 10 về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở và Luật Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vậy là qua “ngòi bút sáng tạo” của Sông Quê sự việc này được biến hóa thành “Chính phủ phản đòn Quốc hội khi để Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Quốc hội đưa vào 2 chương trình thảo luận có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Cho nên Quốc hội đương nhiên không thể phớt lờ mà sẽ phải tuân theo ngoan ngoãn”. Thế nhưng, thưa “nhà văn” Sông Quê, kịch bản mà ông viết ra nó khiến dư luận phải lắc đầu ngán ngẩm bởi có quá nhiều “sạn”. Trước giờ các Bộ vẫn trình lên Quốc hội các dự luật để lấy ý kiến đóng góp biểu quyết, cân lên đong xuống của mấy trăm vị Đại biểu Quốc hội làm gì có chuyện “Chính phủ phản đòn Quốc hội phải tuân theo ngoan ngoãn”. Các bộ trình dự luật nếu được thông qua ban hành cũng là phục vụ người dân, cho đất nước ở đâu ra cái lập luận Chính phủ và Quốc hội đấu đá nhau. Nói như Sông Quê thì trước giờ “Chính phủ đều phản đòn Quốc hội” hết hay sao khi mà các bộ luật mới được ban hành, rồi bộ luật cũ sửa đổi, bổ sung được diễn ra thường xuyên để đáp ứng với nhu cầu thực tiễn?

Càng đọc những kịch bản gần đây của các “tiến sĩ phân tích” vẽ ra mới thấy rõ bản chất chống phá của những kẻ “ăn mày chính trị”. Không từ bất cứ vấn đề gì, miễn sao vịn vào thành cái cớ để xuyên tạc hòng chống phá công tác nhân sự Đại hội 13, gây chia rẽ, ly gián nội bộ lãnh đạo, khiến người dân nhìn vào thấy đâu đâu cũng toàn là tiêu cực, mất niềm tin. Tuy nhiên, suy cho cùng kịch bản này của Sông Quê cũng chỉ là trò cũ rích đã xuất hiện trong các kỳ đại hội trước đây, đê hèn và lạc lõng bị dư luận vạch mặt.

Thế Khoa 

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả) 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây