Trang chủ Tin tức Từng bước lấy lại hình ảnh du lịch Hà Nội

Từng bước lấy lại hình ảnh du lịch Hà Nội

143
0

Vốn là trung tâm du lịch lớn của cả nước và là điểm trung chuyển khách cho các tỉnh, thành phía Bắc, trước diễn biến mới của dịch COVID-19, thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch như đã đề ra, giữ vững thành quả quan trọng về phòng, chống dịch đã đạt được trong thời gian qua; tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cùng với các ngành kinh tế nỗ lực kiểm soát dịch, ngành du lịch Hà Nội đang nỗ lực khôi phục, từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Dù còn nhiều khó khăn do sự tác động của đại dịch và do các yếu tố khách quan khác, song không thể phủ nhận sự vào cuộc một cách đồng bộ, sáng tạo của cả cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp nhằm xây dựng lại hình ảnh du lịch Hà Nội.

Từng bước lấy lại hình ảnh du lịch Hà NộiĐền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm) là điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh: Hiền Anh/Báo Tin tức

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Nếu như năm 2019, du lịch Hà Nội đón gần 29 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế đạt hơn 7 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 103.800 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 4,93 triệu lượt khách, giảm 65,4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó khách quốc tế ước đạt 987 nghìn lượt khách, giảm 68,8%; tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 18.900 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm trước.
 
Đáng lưu ý, toàn thành phố có 1.190 cơ sở lưu trú, 1.364 doanh nghiệp lữ hành, 35 doanh nghiệp vận chuyển, 130 điểm đến du lịch trên địa bàn tạm dừng hoạt động. Tổng cộng có khoảng 40.928 lao động tạm thời nghỉ việc, gồm lao động tại các cơ sở lưu trú, lữ hành, vận chuyển, điểm đến du lịch, hướng dẫn viên du lịch. Có những thời điểm, hoạt động du lịch bị ngưng trệ hoàn toàn. 

Nhưng từ đầu tháng 5, khi Hà Nội hết thời kỳ giãn cách xã hội và dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động du lịch nội địa bắt đầu có tín hiệu khởi sắc. Ngành du lịch Thủ đô cũng xác định lấy du lịch nội địa làm trọng tâm thúc đẩy phát triển trước mắt, sau đó đến du lịch quốc tế. Bởi dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào du lịch quốc tế mới phục hồi. Cả cơ quan quản lý du lịch lẫn doanh nghiệp nhanh chóng bắt tay, tìm kiếm giải pháp phát triển du lịch.

Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, sự phục hồi trở lại của doanh nghiệp du lịch là nhân tố nền tảng đảm bảo cho sự tăng trưởng du lịch. Chính vì vậy, Sở Du lịch cũng khuyến khích tinh thần của các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm nguồn khách, xây dựng sản phẩm du lịch mới.

Sở Du lịch Hà Nội kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành cùng cam kết giảm giá, dành ưu đãi cho du khách; đồng thời liên kết với các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa để phục hồi ngành du lịch. Nhiều cuộc họp giữa cơ quan quản lý du lịch với các công ty lữ hành, lưu trú, điểm đến liên tục diễn ra, cùng tìm hướng đi hiệu quả để thúc đẩy du lịch, thu hút khách đến với Thủ đô.

Nhiều chương trình kích cầu, giảm giá tour được các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm đến đồng loạt áp dụng tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Di tích lịch sử Hỏa Lò, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, Khu du lịch Ao Vua…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, việc giảm giá kích cầu du lịch chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần tìm ra các biện pháp mang tính bền vững để thu hút khách; trong đó, việc xây dựng sản phẩm mới mang tính đặc trưng của Hà Nội là một trong những vấn đề được quan tâm. Dù trước đó, thành phố cũng chú tâm đầu tư một số không gian văn hóa như: Phố bích họa Phùng Hưng, đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn quận, cải tạo mặt đứng phố Lãn Ông, Tạ Hiện, Nhà Thờ, hay xây dựng chương trình nghệ thuật nhưng chưa thu hút đông khách. Vấn đề cần có sự đầu tư bài bản, mang tính chuyên nghiệp, có điểm nhấn.
 
Nắm bắt được tinh thần đó, mới đây, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp cùng Công ty lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm trải nghiệm đêm Hỏa Lò mang tên “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt” hay Trung tâm Bảo tồn Thăng Long làm mới sản phẩm tham quan với tên gọi “Chạm vào quá khứ”, Vườn thú Thủ Lệ cũng đang nghiên cứu xây dựng tour tham quan đêm tương tự như Safari ở Singapore…

Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Goldentour cho biết, bên cạnh chương trình kích cầu thu hút khách từ miền Nam và các tỉnh thành khác về Hà Nội, công ty cũng mới xây dựng các tour tham quan 36 phố phường Hà Nội mang tên “Hà Nội lung linh sắc màu”, giúp du khách khám phá những đặc trưng văn hóa, lịch sử, con người Hà Nội. Khi đưa vào khai thác, nhiều du khách đã đánh giá cao. 

Sắp tới, khi qua đợt cao điểm hè, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đang có ý tưởng xây dựng chương trình du lịch mùa thu Hà Nội. Thành phố cũng chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội hay nhiều sự kiện văn hóa lớn khác, là yếu tố thuận lợi thu hút khách đến với Thủ đô.

Cần hơn sự chung tay chia sẻ

Dù cùng chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng mỗi doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng khác nhau. Với những doanh nghiệp lữ hành lớn thường có nguồn dự phòng, có tầm chiến lược trong phát triển kinh doanh nên khi ngành du lịch rơi vào tình trạng khủng hoảng như vừa qua, các doanh nghiệp này thường trụ được. Dù không đứng vững như trước đó nhưng vẫn duy trì được hoạt động, không phải cắt giảm người lao động. Sau khi hết dịch bệnh, họ xây dựng những chiến lược phát triển mới để bù đắp lại phần thiếu hụt trước đó. Nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ thường bị tổn thương và rất cần sự chung tay chia sẻ khó khăn từ các cơ quan chức năng.

Trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do tác động của dịch COVID-19, trong đó có ngành du lịch, các cấp, ngành Trung ương, địa phương đã có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gian hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.  Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự vui mừng trước sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ cũng như các cơ quan, ban ngành khác.

Nhiều doanh nghiệp du lịch rất mong được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ, bên cạnh chính sách giảm lãi suất. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận vốn ngân hàng không hề đơn giản, nhất là sau thời gian chịu tác động của dịch bệnh kéo dài, hoạt động kinh doanh càng bị ảnh hưởng.
 
Ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Công ty Du lịch Hàng không Việt Nam (Avitour) bày tỏ, để vay được nguồn vốn từ ngân hàng cần rất nhiều thủ tục. Với doanh nghiệp lữ hành, ngoài diện tích đất đang sử dụng để có thể đảm bảo vay vốn thì không có tài sản gì khác. Bởi vậy, công ty không thể tiếp cận được nguồn vốn vay mà buộc phải sử dụng các nguồn vốn khác. 

Hiểu được những quy định chặt chẽ nguồn vốn từ phía ngân hàng, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, để tiếp cận được với những gói hỗ trợ, ngay từ đầu có một số doanh nghiệp đăng ký nguồn vốn vay, sau đó các doanh nghiệp khác lấy kinh nghiệm từ đơn vị đầu tiên để triển khai. Doanh nghiệp đã vay vốn thành công sẽ hướng dẫn cho các đơn vị khác trong cùng Hiệp hội thực hiện đúng quy trình.

Còn đại diện Công ty TNHH một thành viên Du lịch Công Đoàn Việt Nam cho rằng, nếu năm 2019, công ty nộp thuế 75 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm 2020 mới nộp 6 tỷ đồng; trong đó 4,6 tỷ đồng tiền thuê đất. Theo lãnh đạo công ty này, ngày 2/3/2020, UBND thành phố ban hành quyết định về điều chỉnh đơn giá thuê đất. Theo quyết định đó, tiền thuê đất của công ty tăng lên gần 10%. Hiện doanh nghiệp đang thực hiện làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù hàng năm nộp đầy đủ tiền thuê đất nhưng không thuộc diện được gia hạn tiền thuê đất, nộp chậm một ngày cũng bị phạt. Công ty cũng kiến nghị được giảm tiền thuê đất, giãn nộp thuế cho những đơn vị đã có quyết định được giao đất nhưng chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa ký được hợp đồng thuê đất nhưng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đầy đủ.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ nay đến cuối năm, để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, cơ quan này tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm, quảng bá du lịch Hà Nội, phát triển nguồn nhân lực… và đưa ra các giải pháp để chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia phát triển du lịch.
 
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, Sở tiếp tục đề xuất UBND thành phố hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn bị thiệt hại do dịch bệnh như: giảm thuế đất, giảm tiền điện, chậm nộp bảo hiểm xã hội, chi trả bảo hiểm thất nghiệp… nhằm chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, từng bước lấy lại hình ảnh du lịch Hà Nội như trước đó.

Đinh Thuận (TTXVN)

Từng bước lấy lại hình ảnh du lịch Hà Nội

Du lịch Hà Nội vượt khó để thích ứng với xu hướng mới

Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, du lịch đang từng bước vượt qua khó khăn để hồi phục. Sau một thời gian đình trệ, giờ đây thị trường du lịch đang mở ra những xu hướng mới buộc các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải chuyển động để thích ứng.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây