Trang chủ Chính trị Hà Nội lấy ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội vào Dự...

Hà Nội lấy ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội vào Dự thảo báo cáo chính trị

136
0

VOV.VN -Sáng nay (1/8), Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Đảng đoàn Quốc hội vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và các ủy viên của Đảng đoàn Quốc hội.

Hà Nội lấy ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội vào Dự thảo báo cáo chính trị
Toàn cảnh hội nghị

Dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ TP Hà Nội xác định phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp của thành phố trong nhiệm kỳ mới 2020 – 2025. Trong đó, xác định 3 khâu đột phá đáng chú ý: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của thủ đô; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế.      

Các ủy viên của Đảng đoàn Quốc hội cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội rất chất lượng, đã nêu được những ưu điểm, khuyết điểm nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Đây là một nhiệm kỳ hoạt động sôi động đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ và đặc biệt đã xây dựng Thủ đô xanh, sạch, văn minh; chủ đề và nội dung của báo cáo như lời hiệu triệu, thể hiện trách nhiệm của Hà Nội trước trung ương và cả nước, xây dựng thủ đô giàu đẹp, văn minh nhưng không tách rời truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội.

Để hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị, đồng tình với những phương hướng trong nhiệm kỳ tới, ngoài việc đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, các ý kiến cho rằng, TP Hà Nội cần chia nhỏ những mục tiêu cụ thể để thực hiện, quan tâm đến các khâu đột phá như hạ tầng, con người, môi trường và quản trị thủ đô; thực hiện tốt công tác quy hoạch; phát huy hơn nữa những thế mạnh của Hà Nội nghìn năm văn hiến; Đảng bộ thành phố cũng cần đánh giá lại Luật Thủ đô, và khẩu hiệu Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội, đây là cái riêng có của Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao cách làm của Hà Nội trong quá trình xây dựng và hoàn thiện văn kiện đại hội đảng. Dự thảo của Hà Nội được xây dựng chặt chẽ, công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, tập hợp trí tuệ của các đảng viên, các ngành, các cấp.

Hà Nội lấy ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội vào Dự thảo báo cáo chính trị
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.

Về kết quả về kinh tế xã hội mà Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng chung đến nền kinh tế của cả nước, nhưng TP Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phất đấu với sự quyết tâm cao, đã đạt các chỉ tiêu đề ra như, GRDP đạt mục tiêu đề ra, quy mô kinh tế đạt 1,06 triệu tỷ đồng, bình quan đầu người tăng 1,5 so với nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất bình quân cũng tăng hơn so với trước. Hà Nội đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Để làm rõ hơn thành tựu đạt được, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hà Nội cần làm rõ nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đã có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển của thủ đô, xứng đáng là trung tâm hành chính, văn hóa của cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, dự thảo cần đánh giá sâu hơn những cơ chế mà Đảng, nhà nước đã dành cho thủ đô, nhất là thực hiện Luật thủ đô, nêu rõ hơn các kết hoạch, quy hoạch dự án đã được giao để có căn cứ so sánh, trên cơ sở đó, định hướng cho giai đoạn tới. Ngoài nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng thì cũng cần đánh giá bổ sung về cơ cấu đầu tư công, ngân sách nhà nước, tiến độ quy mô giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công, đánh giá sự tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, và các giải pháp phòng chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, về chỉ số cạnh trang cấp tỉnh PCI, Hà Nội duy trì tăng hạng, tăng điểm, xếp 9/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh lại yếu kém nhất ở nhiều nội dung, đặc biệt chỉ số công  khai minh bạch tiếp cận thông tin về sử dụng đất, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công… đây là vấn đề cần được quan tâm. Do đó, cần phải đánh giá lại hoạt động công vụ trong thời gian qua và chỉ rõ lĩnh vực quan tâm để cải thiện trong nhiệm kỳ tới. 

Theo dự thảo, có 15/55 dự án công  trình trọng điểm trong kế hoạc cần phải hoàn thành, nhưng số lượng dự án công trình chưa hoàn thành còn rất lớn. Tôi đề nghị, cần đánh giá sâu hơn, rõ hơn nguyên nhân, để đưa ra giải pháp. Ngoài ra đánh giá bổ sung năng lực vận tải công cộng và hạ tầng xã hội trong thời gian vừa qua, nhất là những tuyến đường sắt đô thị chậm, hiệu quả tuyến xe buýt BRT chưa cao.  
Hà Nội lấy ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội vào Dự thảo báo cáo chính trị
Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh các đại biểu dự hội nghị.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự thảo cần phân tích sâu về kết quả hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương cho thành phố Hà Nội. Bổ sung đánh giá nhận xét mối quan hệ hỗ trợ tương tác giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng, việc thực hiện liên kết vùng để từ đó khai thác tối đa hiệu quả của xã hội; đồng thời giải quyết những vấn đề cấp bách của thủ đô mà từng địa phương không thực hiện được. Đánh giá sâu hơn công tác phòng chống hành lậu, gian lận thương mại và hàng giả, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác phòng chống cháy nổ, ngập úng, ùn tắc giao thông, công tác bồi thường tái định cư; quản lý đất đai, quản lý xây dựng, bảo vệ môi trường tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng cần có những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục vi phạm trên địa bàn, hạn chế ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí trong nội đô. Tiến độ xử lí, di dời  các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành, các công trình chậm tiến độ, dự án công trình trọng điểm như xử lí nước thải, tuyến đường đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh.

Thời gian qua, công tác xây dựng Đảng, chính quyền được TP Hà Nội chú trọng. Tuy nhiên, năng lực chiến đấu của một số tổ chức cơ sở cấp ủy Đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất vai trò lãnh đạo. Do đó, Thành phố cần rút kinh nghiệm sâu sắc không để xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai.

Cơ bản tán thành mục tiêu của thành phố trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Thành phố cần gắn việc thực hiện Luật Thủ đô, Nghị quyết 97 của Quốc hội về thí điểm chính quyền đô thị và Nghị quyết 115 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù và kết luật 22, 46 của Bộ chính trị để thực hiện đầy đủ hơn những quan điểm, mục tiêu định hướng của Đảng và nhà nước, những chính sách pháp luật đã có của thủ đô Hà Nội để đưa ra giải pháp xây dựng phát  triển thủ đô sát với thực tiến, đáp ứng yêu cầu của Đảng nhà nước, kỳ vọng của nhân dân. Đối với từng chỉ tiêu kinh tế xã hội, môi trường đến 2025, nên vừa có định lượng và chất lượng để có cơ sở đánh giá, giám sát việc thực hiện.  

Xây dựng hoàn thiện hệ thống các quy hoạch nhằm phụ vụ cho sự phát triển của thành phố, bảo tồn giá trị di sản đặc trưng riêng của Hà Nội, chỉnh tranh cải tạo quỹ đất hai bên sông Hồng, định hướng tập trung phát triển các đô thị vệ tinh, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển đô thị phải gắn liền với kinh tế độ thị, xử lí điểm nghẽn về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh dịch  Covid-19 đang diễn biến phức tạp, do đó, nền kinh tế Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng, đòi hỏi Hà Nội phải nỗ lực hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hà Nội coi công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm hàng đầu; có giải pháp phát triển mạnh mẽ, khắc phục tiêu cực do đại dịch gây ra, xây dựng chương trình, kịch bản kích thích tiêu dùng, chú ý liên kết vùng, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, có những chính sách hoàn thiện các tuyến đường giao thông để kết nối những vùng tạo động lực cho sự phát triển của địa phương cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây