Trang chủ Luận bàn - Phản biện Đừng bôi đen nền kinh tế đất nước, khiến người dân mất...

Đừng bôi đen nền kinh tế đất nước, khiến người dân mất việc làm!

152
0

Nhân việc mới đây, trên trang Việt Tân đăng tải bài viết “Làm thế nào để đốt tiền thổi GDP” của tác giả Tân Phong, với những lập luận phân tích nghe có vẻ là chuyên sâu về kinh tế, lời lẽ nghĩ cho dân và cho đất nước, Thế Khoa xin mạo muội có đôi lời được chia sẻ cùng bạn đọc…

Đừng bôi đen nền kinh tế đất nước, khiến người dân mất việc làm!

Đồng ý với Tân Phong là trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chúng ta vẫn còn nhiều bất cập và lỗ hổng thật! Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, Thủ tướng đã sốt ruột lên tiếng “Anh đi tìm nguồn lực nơi này nơi khác nhưng mà để lại đống tiền ngay địa bàn của anh. Tại sao nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng rất nhiều địa phương lại giải ngân rất chậm?”.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ chỉ tập trung vào một số vấn đề nổi cộm đã tồn tại lâu nay. Trước tiên phải kể đến nghịch lý nhà nước có tiền mà không tiêu được, khi thủ tục giải ngân vốn rườm ra, thời gian quyết định ở từng khâu, từng cấp có thẩm quyền lại không rõ ràng. Lẽ thường, với những dự án lớn khi trình sau một thời gian bao nhiêu ngày phải được quyết, tuy nhiên trên thực tế có những dự án kéo dài nhiều tháng mới quyết được. Thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư chưa được quy định theo một quy chuẩn về tiến độ và thời hạn quyết định của từng cấp, dẫn đến lòng vòng và kéo dài. Chính vì không rõ nên không thể quy được trách nhiệm cho ai, cũng không biết chậm ở khâu nào. Một dự án lớn phải trình rất nhiều khâu. Cuối cùng, không biết chậm do đâu. Ông cấp thấp trình chậm, ông thủ trưởng chậm, cấp nào chậm, hay tất cả đều chậm? Trách nhiệm ở từng khâu không rõ nên không thể quy trách nhiệm để kéo dài thuộc về ai, không thể phê bình kỷ luật được ai cả.

Có thể thấy, sự sốt ruột của Thủ tướng là rất đúng và trúng. Nguồn lực của dân đang dần cạn kiệt, Nhà nước có tiền mà không tiêu được, không tiêu đúng và không tiêu hiệu quả cứ để người đứng đầu Chính phủ nói hoài. Vậy nên, những gì mà Tân Phong đưa ra bao gồm con số, thực trạng đang tồn tại trong công tác giải ngân vốn tôi không có ý kiến gì.

Đừng bôi đen nền kinh tế đất nước, khiến người dân mất việc làm!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát các khu tái định cư cho người dân ở dự án sân bay Long Thành

Thế nhưng, tôi có đôi lời nói với Tân Phong rằng, chúng ta lên tiếng, chỉ ra việc Chính phủ chưa làm tốt, góp ý, hiến kế, xây dựng những giải pháp, để Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương lắng nghe, tiếp thu, thay đổi. Chứ không phải ông viết ra để rồi bôi đen toàn bộ bức tranh kinh tế của đất nước và lộng ngôn cho rằng “Dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ trưởng “phát canh thu tô”, hô khẩu hiệu rất to nhưng thực tế sau hơn 6 tháng, nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào cơn hôn mê sâu”. Xin hỏi Tân Phong, trước khi phát ngôn vậy ông đã tìm hiểu kĩ về những số liệu, rồi chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế đất nước, hay các thông tin và những ý kiến của chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá về nền kinh tế của Việt Nam hay chưa?

Ngay sau hội nghị chuyên đề về đầu tư công giữa Chính phủ với các địa phương đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã về tận nơi, làm việc trực tiếp với lãnh đạo địa phương để thúc giải ngân đầu tư công với “công cụ” đặc biệt quan trọng đã được Quốc hội trao cho, đó là, Chính phủ được chủ động điều chuyển vốn đầu tư công từ bộ, ngành, địa phương này sang bộ, ngành, địa phương khác. Đã có những tín hiệu tích cực khi nhiều địa phương cam kết sẽ thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư trong kế hoạch được giao, thậm chí sẽ giải ngân hiệu quả nếu được điều chuyển, giao thêm vốn. Ngay với Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai cũng đã cam kết và đang dồn lực để hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao phần diện tích hơn 1,8 nghìn hecta khu vực ưu tiên vào tháng 10 tới, tiếp tục kiểm đếm, bồi thường khu vực còn lại để bàn giao mặt bằng trong quý 2 của năm 2021. Thêm nữa, ngay như việc giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh những tỉnh thành, bộ ngành có tỷ lệ giải ngân thấp thì vẫn còn đó hàng loạt các tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân rất cao, như Bắc Ninh đạt 42,64%; Hưng Yên đạt 51,9%; Thanh Hóa đạt 54,6%; Nghệ An đạt 54,9%… đây là nỗ lực của bộ máy chính quyền tại các địa phương này, sao ông Tân Phong lại phủ nhận, lờ đi chứ?

Đừng bôi đen nền kinh tế đất nước, khiến người dân mất việc làm!

Mặc dù năm nay, do ảnh hưởng của dịch covid – 19, Việt Nam không đạt được mức tăng trưởng kinh tế đã đề ra, con số 1,81% tuy nhỏ nhưng rất giá trị và phải khó khăn lắm mới giữ được nền kinh tế tăng trưởng dương giữa bao nhiêu quốc gia tăng trưởng âm như Mỹ (-5,9%); Nhật Bản (-5,2%); Trung Quốc (-6,8%); khu vực đồng tiền chung châu Âu (-7,5%)… kết quả này cho thấy sự cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Như lời ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) Hà Nội đánh giá: “sự tâm huyết của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản là điểm mấu chốt”. Và thực tế cho thấy hàng loạt dự án FDI theo xu hướng chuyển dịch dây chuyền sản xuất chuẩn bị về Việt Nam như: Công ty Inventec chuyên lắp ráp tai nghe AirPod; Foxconn; rồi các “ông lớn” như Google, Microsoft; Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu; Hãng trò chơi điện tử Nintendo… đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Đừng bôi đen nền kinh tế đất nước, khiến người dân mất việc làm!
Bài viết xuyên tạc nền kinh tế đất nước của Tân Phong trên trang Việt Tân

Nhìn những thông tin, con số ở trên thì xin hỏi Tân Phong là bức tranh nền kinh tế đất nước có thực sự u ám, “rơi vào cơn hôn mê sâu” như lời ông nói hay không? Thẳng thắn mà nói là khá khen cho Tân Phong khi biết lấy thực trạng trong việc giải ngân vốn đầu tư công để rồi tô đen bức tranh kinh tế của đất nước. Qua ngòi bút của ông, nền kinh tế Việt Nam chỉ là một màu ảm đạm, không có chút nào gọi là tươi sáng cả. Chỉ chăm chăm vào một vài cái xấu để rồi phủ nhận tất cả nỗ lực của cả bộ máy, những gì mà chúng ta đã cố gắng đạt được trong thời gian qua. Chính ông lại là người “vạch lá tìm sâu”, đào bới rồi đem ra chế giễu với bàn dân thiên hạ. Ngay cả chính những chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp nước ngoài còn nhìn thấy được những nỗ lực của Việt Nam trong việc kêu gọi nhà đầu tư, đưa ra những chính sách, tạo môi trường thông thoáng để họ làm ăn, vực dậy nền kinh tế đất nước trong cơn bão đại dịch. Ấy vậy mà, nhìn lại một số kẻ như Tân Phong múa bút, tô xám kinh tế đất nước đang “bị bệnh” khiến cho dư luận hoang mang.

Đọc cả biết viết của Tân Phong xong, tôi thắc mắc không biết mục đích của việc ông cho ra đời bài viết này là nghĩ cho dân, cho nước, muốn đất nước này phát triển, đi lên hay là hòng khiến các nhà đầu tư nhìn vào nền kinh tế đất nước chỉ toàn là một màu xám xịt, rồi chùn bước rót tiền kinh doanh, hàng triệu người dân mất đi cơ hội có việc làm, đất nước mất đi một phần thu ngân sách nữa đây? Câu hỏi này tôi xin nhường lại cho bạn đọc trả lời…

Thế Khoa 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây