Chia sẻ với PV, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU), bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng quyết định gia nhập ASEAN năm 1995 là bước đi chiến lược của Việt Nam.
Ngày 28/7 đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, bước ngoặt mang tính chiến lược mở ra một thời kỳ hội nhập và phát triển mới đối với Việt Nam.
Nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm từng chia sẻ ông “xúc động đến rưng rưng nước mắt” vào khoảnh khắc lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, tại Lễ kết nạp diễn ra tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia Brunei chiều 28/7/1995.
“Lúc bấy giờ, nắm bắt được sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa gắn với khu vực hóa, ta đã có một quyết sách đúng đắn và kịp thời là gia nhập ASEAN. Gia nhập ASEAN, chúng ta đáp ứng lời tuyên bố của các nhà sáng lập ra Hiệp hội tăng cường hợp tác để mỗi nước phát triển và cả khu vực cùng phát triển”, nhà ngoại giao kỳ cựu nhấn mạnh.
Sau quyết định mang tính chiến lược này, cùng với thời gian hòa nhập, Việt Nam dần được xem là một trong những nhà lãnh đạo của ASEAN. Đến nay, Việt Nam đã mở rộng cánh cửa với thương mại tự do và hiện là một phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU), bà Tôn Nữ Thị Ninh, đã có trao đổi với PV về những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN sau 25 năm vượt qua nhiều thách thức.
Xóa bỏ nghi kỵ về ý thức hệ và lo ngại chênh chệch phát triển
– Quan hệ giữa hai bên đạt được những thành tựu nào nổi bật sau 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN?
– Trước hết, phải khẳng định hai bên đã vượt qua khoảng cách ý thức hệ và nghi kỵ của quá khứ, của thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh.
ASEAN ra đời từ ý thức hệ Chiến tranh Lạnh và khi Việt Nam gia nhập tổ chức này vào năm 1995, tức chỉ vài năm sau khi khép lại vấn đề xung đột Campuchia, phản ứng đầu tiên có phần nghi kỵ về ý thức hệ.
Đồng thời, về phía ASEAN có những lo lắng về khoảng cách phát triển kinh tế khi 6 thành viên ban đầu của tổ chức được cho là đã đi trước về kinh tế. Nhưng sự mở rộng với Việt Nam đi đầu lại hướng tới những nước kém phát triển hơn hẳn, nên xuất hiện lo ngại điều đó có thể kìm hãm bước phát triển của ASEAN.
Tôi vẫn nhớ lúc Việt Nam mới gia nhập ASEAN, có chính khách ở Singapore còn cho rằng trong bối cảnh sự sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN lúc bấy giờ, liệu ASEAN còn cần thiết hay không. Nhân vật này thậm chí dùng chữ “sunset organisation”, ý nói tổ chức đi vào tàn lụi.
Sau 25 năm với những thành quả đạt được, ASEAN ngày nay với 10 nước Đông Nam Á, đã không còn những nghi kỵ và lo ngại đó nữa.
Thứ hai, từ khi gia nhập ASEAN, rõ ràng Việt Nam thực hiện đầy đủ, với ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ chung của tổ chức, dung hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của tổ chức khu vực một cách khôn ngoan. Cho nên, rõ ràng không ai có thể cảm nhận Việt Nam là một bên gây xáo trộn, mất cân bằng, mà ngược lại là nhân tố góp phần vào sự ổn định và bước tiến vững chãi hơn của tổ chức.
Đồng thời, khi Việt Nam – với những bước đi một cách có hệ thống, gia nhập những cơ cấu và cơ chế đa phương tầm cỡ toàn cầu, đang củng cố và nâng cao vị thế trong khu vực, đóng góp cho sự ổn định của ASEAN.
Việt Nam nay được đánh giá là một thành viên, đối tác đáng tin cậy và có phẩm chất tối quan trọng mà trong quan hệ quốc tế gọi là “predictable” (tạm dịch là “có thể dự đoán được”).
Đức tín này rất quan trọng, bởi trong quan hệ quốc tế, không ai đặt niềm tin vào một nước “sáng nắng, chiều mưa” cả, bởi sự khó lường rất khó góp phần vào sự ổn định và xác định chiều hướng, phương hướng lâu dài. Tính chất “có thể dự đoán được” chính là lợi thế của Việt Nam giữa lúc khu vực và toàn cầu có nhiều xáo trộn và bất an.
Một điểm nữa, điều này tôi từng phát biểu ở nhều diễn đàn, hội thảo liên quan tới khu vực. ASEAN là tập hợp của 10 nước, trong đó Indonesia là nước lớn xét về dân số, nhưng về kinh tế thì chưa nước nào có thể tự xưng là cường quốc kinh tế trong khu vực.
Thế nhưng, ASEAN trong khu vực rộng lớn hơn của châu Á – Thái Bình Dương, trở thành một yếu tố không thể thiếu. ASEAN muốn làm trung gian tích cực vì sự ổn định và an ninh của khu vực.
Các nước muốn Việt Nam phát huy vai trò đầu tàu
– Điều gì giúp Việt Nam thể hiện được vai trò lãnh đạo ở khối, từ xuất phát điểm chỉ là thành viên dạng “tụt hậu” trong ASEAN?
– Năm 1995 đánh dấu thời điểm ngoạn mục khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, cũng là năm Việt Nam gia nhập ASEAN – bước đi theo tôi đánh giá là quyết định chiến lược.
Vào một tổ chức khu vực để “bơi ra biển cả”. ASEAN không chỉ là một điểm tựa, nơi để Việt Nam tôi luyện thêm khả năng, tìm kiếm sự liên kết cần thiết, tùy theo vấn đề, tùy theo lợi ích cho bản thân và tổ chức.
Tham gia một tổ chức khu vực tạo ra thế và lực cho Việt Nam tiến tới tham gia hiệu quả hơn trong những tổ chức quốc tế đa phương, từ Liên Hợp Quốc (LHQ), đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và những tổ chức chuyên môn thuộc hệ thống LHQ. Những năm gần đây, chúng ta tiếp tục ký kết, tham gia những hiệp định thương mại đa phương khác.
Tôi thấy người ta ít nhấn mạnh tới tính chất chiến lược của quyết định Việt Nam gia nhập ASEAN. Tôi vẫn nhớ vào năm 1995, có vài tiếng nói phân vân về dấu ấn ý thức hệ về sự ra đời của ASEAN, phân vân Việt Nam có hội nhập, có thể tạo chỗ đứng trong tổ chức này không.
Thế nhưng, rõ ràng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, Việt Nam phải hợp tác được với các bên và phải có những khuôn khổ cho việc đó. Chính sách đối ngoại của Việt Nam lúc đó nhấn mạnh vào đa phương hóa và đa dạng hóa.
Việc gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ hay Trung Quốc là sự hiện thực hóa chính sách đó, là lộ trình để tạo thế đứng mới sau Chiến tranh Lạnh và trong giai đoạn bắt đầu đổi mới của Việt Nam.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai từ trái, trong ảnh đầu tiên) dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN ngày 29/7/1995.
Tới nay, vị thế có phần xoay chuyển, Việt Nam có thể trở thành cầu nối hứa hẹn cho các nước đi vào khu vực.
Trong thời gian qua, khi tham gia các cuộc họp, hội thảo ở Mỹ hay Nhật Bản, tôi rất ấn tượng khi một số học giả, nhà ngoại giao kỳ cựu nhấn mạnh Việt Nam hãy mạnh dạn gây dựng vị thế lãnh đạo trong ASEAN.
Trong nhiều thời kỳ, Indonesia từng tìm kiếm vị thế ngọn cờ đầu trong ASEAN, hay Thái Lan vào thời kỳ ngoại giao năng động của ông Thaksin Shinawatra, cũng muốn gây dựng vị thế lãnh đạo của tổ chức.
Trong khi đó, Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại thận trọng, không có các bước đi đậm nét trong câu chuyện tìm kiếm vai trò lãnh đạo ASEAN. Tuy nhiên, như một dạng tất yếu khách quan của diễn biến quan hệ khu vực Đông Nam Á, và rộng hơn là châu Á – Thái Bình Dương, các nước cảm thấy Việt Nam nên phát huy vai trò mang tính chất đầu tàu hơn, nếu không nói là lãnh đạo.
Trong sự kiện đáng chú ý gần nhất, New Zealand và Việt Nam ký kết và ra tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, có thể coi là một ví dụ. Trong căng thẳng Mỹ – Trung, Australia có thể công khai đứng về phía Mỹ, còn New Zealand, tôi từng tiếp xúc với cựu thủ tướng Helen Clark, tôi cảm nhận New Zealand như một nước Bắc Âu của châu Á – Thái Bình Dương, không muốn đứng hẳn về phía một cường quốc nào, quan điểm đó rất phù hợp với Việt Nam. Theo tôi, sự tương đồng đó có thể là một trong những lý giải của bước đi vừa qua.
– Giữ vai trò lãnh đạo ở ASEAN vào thời điểm khủng hoảng đặt ra cho Việt Nam những thách thức như thế nào?
– Qua hành trình hàng thế kỷ, Việt Nam có kinh nghiệm và thể hiện bản lĩnh trong những thời kỳ khủng hoảng và khó khăn.
Sự đoàn kết, tương trợ thể hiện trong thời kỳ chiến tranh của Việt Nam đã được nói tới rất nhiều. Hòa bình lập lại, trải qua nhiều thăng trầm, như cuộc khủng hoảng 1986 từ đó ra đời chính sách đổi mới. Cũng như các nước trong khu vực, Việt Nam vượt qua khủng hoảng tài chính, tiền tệ năm 1997-98. Và đặc biệt chúng ta là nước đầu tiên thoát khỏi khủng hoảng dịch Sars, năm 2003.
Tôi cho rằng so với một số nước, Việt Nam có quá trình tôi luyện ở tầm toàn quốc, toàn dân để ứng phó với khủng hoảng. Với tư cách chủ tịch ASEAN, Việt Nam chọn khẩu hiệu gắn kết và chủ động thích ứng, phù hợp với bối cảnh thúc đẩy đoàn kết, chia sẻ, ứng phó kịp thời trong chống dịch Covid-19.
Mặt khác, Việt Nam là nước ở Đông Nam Á thành công nhất trong ngăn chặn đại dịch. Dù chưa thể gọi là giàu có nhưng Việt Nam đã chủ động chia sẻ, đoàn kết với các nước khác trong chống dịch.
Hình ảnh các đại sứ Mỹ, Anh, Pháp và các nước nội khối khác… nhận các gói quà tặng ủng hộ chống dịch của Việt Nam đã nói lên nhiều ý nghĩa.
Tìm kiếm sự cân bằng linh hoạt và đa chiều
– Cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt đang đặt ra thử thách nào cho ASEAN và cho năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN?
– Về vấn đề này, tôi muốn đề cập tới phát biểu rất đáng chú ý của ông Bilahari Kausikan, cựu thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Singapore tại Diễn đàn ASEAN về Phát triển Tiểu Vùng do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ở Hà Nội hôm 14/7.
Trong quan điểm về sự thể hiện vai trò của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc, ông Kausikan cho rằng các nước phải tìm kiếm một sự cân bằng linh hoạt và đa chiều, liên kết những nước vừa và nhỏ trong khu vực theo từng vấn đề và lợi ích.
ASEAN cần tỉnh táo và theo tinh thần cân bằng linh hoạt, hướng tới liên kết các nước khác cùng tham gia.
– Đồng thuận là nguyên tắc nền tảng trong hoạt động của ASEAN, giúp duy trì sự đoàn kết nhưng cũng làm suy yếu hiệu quả trong giải quyết một số vấn đề an ninh. ASEAN có nên điều chỉnh nguyên tắc này?
– Sau hội nghị cấp cao các thành viên EU vừa qua, một số bình luận viên châu Âu nói rằng nguyên tắc nhất trí của khối này đôi khi là một cản trở, phải chăng nên xem xét lại. Nguyên tắc nhất trí ở đây – một thuật ngữ trong ngoại giao đa phương, là khi bỏ phiếu và biểu quyết, không có ai biểu quyết chống.
Còn đồng thuận – xuất phát từ phong trào không liên kết, tập hợp những thành phần khác nhau của các nước đang phát triển, là không có bỏ phiếu, biểu quyết, mà miễn không có một sự phản đối, bất đồng công khai lớn với một đề xuất được số đông tán thành thì có thể coi là đạt đồng thuận.
Có nên xem xét lại hay không? Tôi cho rằng nguyên tắc đồng thuận có những lợi thế và bất lợi – chẳng hạn một nhóm nhỏ vài nước chưa đồng tình, làm vấn đề kéo dài, không theo ý đại đa số.
Tuy nhiên, nếu thay đồng thuận bằng một giải pháp mà phải biểu quyết công khai thì phải tính đến cái giá phải trả. Một khi biểu quyết thì nước bỏ phiếu chống sẽ bị công khai. Điều đó có thể gây ra bất lợi, tạo thế “không có chỗ để lùi”, từ đó khó có thể duy trì được tính uyển chuyển, mềm mỏng của tổ chức.
– ASEAN đã thể hiện vai trò ra sao trong việc điều hòa quan hệ giữa các nước lớn, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực?
– Châu Á – Thái Bình Dương ngày nay không có một tổ chức an ninh của đại khu vực, trong lúc đó Thái Bình Dương là vấn đề các nước lớn chú trọng. ASEAN đã thành lập diễn đàn an ninh khu vực, tại đó ngoài 10 nước ASEAN, có 10 nước đối thoại của ASEAN, rồi thêm 7 nước, đa dạng từ Triều Tiên, tới Mông Cổ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea, Timor Leste.
Diễn đàn bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, từ sáng kiến của Việt Nam, và Diễn đàn Cấp cao Đông Á đang trở thành nơi cho lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, quy tụ một cách “trung lập” ở địa điểm thứ ba.
Tôi nghĩ rằng ASEAN cần giữ vững vai trò này, thậm chí táo bạo và sáng tạo hơn trong những suy nghĩ để góp phần hạ nhiệt ở khu vực rộng lớn hơn, đảm bảo lợi ích của chính thành viên ASEAN.
Mẫu số chung là không có nước nào trong ASEAN muốn công khai đứng về phía nào giữa các cường quốc.
Đỗ Quyên/ ZFN
Nguồn: Cánh cò