Thời công nghệ, một cú Click chuột, một ấn phím Enter là chữ nghĩa đã có thể nằm ngoài kiểm soát của ta. Nó như mũi tên đã rời khỏi dây cung, và biết đâu, nó sẽ làm tổn thương một ai đó nếu được bắn đi bằng sự mù lòa, vô minh của chính chúng ta.
Cây bút và những trang viết tay có lẽ dần trở thành hoài niệm. Ngày kia, chúng ta sẽ thấy chúng như là những hiện vật trong góc bảo tàng lặng lẽ nào đó. Công nghệ phát triển vượt bậc đã đưa con người vào kỷ nguyên của bàn phím, click chuột, chạm, vuốt, cảm ứng trên các thiết bị thông minh.
Tốc độ của công nghệ, tốc độ của sự tương tác, đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, khẩn trương của thời đại, nhưng cũng ẩn chứa biết bao điều khiến cho mỗi lần nghĩ về cây bút và trang giấy, chúng ta không khỏi có chút ngậm ngùi. Sự thay đổi từ cây bút sang bàn phím (bàn phím được hiểu như một đại diện, một biểu tượng của công nghệ nói chung, cũng là ẩn dụ về con người – chủ thể) là một cuộc cách mạng trong phương thức biểu đạt (ngôn ngữ hình thể – nói – viết – gõ – nhập dữ liệu…).
Giờ đây, người ta nói đến bàn phím như là một biểu tượng của phương thức viết mới. Mọi sự sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu không nảy sinh kèm theo các tiện ích là những “dư sinh tiêu cực” từ thế giới công nghệ. Một trong những dư sinh ấy chính là sự “mù lòa” của “bàn phím” mà ở thời của cây bút chúng ta có điều kiện để cân nhắc, khắc phục hơn.
Internet, mạng xã hội đã đặt con người vào một thế giới phẳng, không có đường biên. Sự lan tỏa thông tin, tốc độ kết nối và tương tác ngày càng nhanh chóng khiến cho bất kỳ một sự kiện nào, ở đâu, đều có thể được chia sẻ hay tham dự một cách trực tiếp.
Với lượng thông tin khổng lồ, nguồn tài nguyên số ngày càng trương nở một cách mạnh mẽ, tốc độ cao lại chính là con dao hai lưỡi, không gian mạng là một con quỷ dữ khi nó kéo trượt con người vào các đường hầm (link) với vô vàn các kết nối khác mà chính con người không lường trước được. Máy tính, công nghệ đang sử dụng con người theo đúng nghĩa đen của nó. Trong không gian ấy, tốc độ ấy, những bàn phím đã trở nên mù lòa, bị dẫn dắt, bị dụ khị, thậm chí bị đánh lừa.
Thật mâu thuẫn, nhưng, đó là sự thật. Trong thời đại của truyền thông và tri thức, con người lại bị đánh lừa, trở nên mù lòa về tri thức. Có nhiều thông tin trên mạng thực chất là tin giả, bịa đặt, nhằm các mục đích thương mại, chính trị, tôn giáo…
Trước các thông tin ấy, nhiều người không có điều kiện để kiểm chứng (phần lớn là do thời gian, tốc độ, sự hời hợt, thói quen ngại đọc dài, ngại tra cứu, xác minh) đã tin rằng đó là sự thật, là thông tin chính xác, là tri thức.
Một vụ tranh chấp đất đai hay một vụ tai nạn, gây rối; ở trường học hay bệnh viện, ở thành thị hay thôn quê, trên biển hay đất liền, trong nước hay quốc tế… đều cần phải được xác minh trước khi bày tỏ thái độ, quan điểm. Sự mù lòa ở đây chính là việc dù chưa hề xác thực được thông tin, nhưng chúng ta đã bình luận, phê phán, thậm chí tạo nên làn sóng tẩy chay, đả kích hay ủng hộ một cách cảm tính. Đơn cử như vụ việc một cháu bé được mẹ đưa đến trường trước giờ vào học, không được vào trường, phải đứng ở ngoài cổng… đã tạo nên làn sóng đa chiều trong cộng đồng mạng.
Sự mù lòa của những bàn phím đã làm tổn thương chính đứa trẻ, gieo nỗi đau lên gia đình, nhà trường, lương tri con người… Ai đúng, ai sai, chân tướng sự việc thế nào… cũng dần được hé lộ. Ở đó có sự ấu trĩ (một dạng mù lòa do bức xúc) của người mẹ khi đưa hình ảnh của con mình đứng ở cổng trường lên mạng. Ở đó cũng có sự cứng nhắc, máy móc của nhà trường đối với học sinh không ăn bán trú đến trường sớm trước giờ vào học. Nhưng, sự mù lòa lớn hơn, khủng khiếp hơn lại đến từ những người ngoài cuộc, không có thông tin chính xác về vụ việc. Họ bình luận, chửi mắng bên này, đồng cảm chia sẻ với bên kia, nhưng dù bên nào, họ đều thiếu đi cái nhìn bình tĩnh, thái độ quan sát sự việc một cách đầy đủ và tinh thần hướng đến môi trường nhân văn, hòa ái. Họ muốn xử lý ngay, trừng phạt ngay những kẻ phi nhân, vô đạo, nhưng, như nhiều câu chuyện đã diễn ra trên mạng, chưa biết ai mới là kẻ vô đạo, phi nhân.
Chắc hẳn, với những ai tham gia mạng xã hội đều biết rằng, áp lực từ dư luận, cộng đồng mạng đang ngày càng lớn, chi phối mạnh mẽ đến con người. Nếu những phản biện từ cộng đồng mạng là đúng đắn, chúng ta có được một cơ hội để xây dựng xã hội văn minh và tiến bộ. Tuy nhiên, những mù lòa từ cộng đồng bàn phím cũng đã phủ bóng tối lên nhiều cuộc đời, nhiều con người, nhiều số phận.
Sự mù lòa về tri thức, thông tin được kích hoạt thành cơn cuồng nộ, thành quỷ dữ trong các trạng thái tinh thần xã hội thiếu vắng đức tin, luân lý và đạo đức. Nói cách khác, mù lòa thông tin, tri thức đã kết hợp với mù lòa đạo đức, luân lý, đức tin, hình thành nên một thế lực “đen” trên mạng xã hội. Một ai đó nêu trở thành nạn nhân của thế lực này, sẽ nếm đủ gạch đá, đòn hội chợ, cơn giận dữ của đám đông… Hậu quả thực khôn lường. Người ta đặt ra những lo ngại về việc các bạn trẻ đối mặt với khủng hoảng truyền thông như thế nào?
Biết đâu, những tổn thương, cùng quẫn sẽ dẫn dắt bước chân những đứa trẻ non nớt đến suy nghĩ dại dột và đáp trả cuộc đời bằng hành vi khốc liệt nhất. “Địa ngục đang rỗng không, vì quỷ dữ ở cả đây rồi” – tôi nhớ một bạn trẻ đã thốt lên như thế trong một truyện ngắn như là tự thuật của thế hệ trẻ hôm nay.
Thời đại công nghệ, chúng ta chạm vào màn hình cảm ứng nhiều hơn là chạm vào nhau, một người trẻ tuổi đã có lần nói với tôi như vậy. Tốc độ khiến người ta không có thời gian để ngẫm nghĩ, suy tư, để thấm thía hay kiểm định một điều gì thật đến nơi đến chốn.
Trong khoảnh khắc ấy, chúng ta le lói nhớ về cái thuở ngập ngừng trên từng con chữ, dừng bút đắn đo, nghĩ ngợi, gạch xóa, nâng lên đặt xuống từng ý nghĩ. Thật kỳ lạ, kể cả những tẩy xóa, gạch bỏ, thay đổi, mọi thứ vẫn ở đấy, khác xa với cú gõ phím Delete là mất trắng những gì vừa chợt đến. Thế rồi, có khi, vì nghĩ ngợi trong lúc viết mà ta không viết nữa, không gửi đi, hoặc cất giữ cho riêng mình.
Thời công nghệ, một cú Click chuột, một ấn phím Enter là chữ nghĩa đã có thể nằm ngoài kiểm soát của ta. Nó như mũi tên đã rời khỏi dây cung, và biết đâu, nó sẽ làm tổn thương một ai đó nếu được bắn đi bằng sự mù lòa, vô minh của chính chúng ta.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm
Nguồn: Cánh cò