TP Hà Nội đã cơ bản hoàn tất việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, được Trung ương, dư luận đánh giá cao.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn tất việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, được Trung ương, dư luận đánh giá cao.
Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội về thành công này của thành phố.
PV: Thưa bà, xin bà cho biết kết quả rõ nét trong công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trên địa bàn thành phố thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Liễu: Có thể nói đây là một thành công của Hà Nội. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức bộ máy 23 sở và tương đương, giảm 49 phòng (23%), giảm 29 trưởng phòng, 120 phó phòng. Thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm 3 phòng dân tộc tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, chức quản lý nhà nước về dân tộc giao về Văn phòng HDND và UBND huyện. Hà Nội cũng kiện toàn, sắp xếp 102 Ban chỉ đạo thuộc UBND thành phố còn 28 Ban chỉ đạo (giảm 72,5%).
Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội.
Cùng với việc sắp xếp các cơ quan hành chính, UBND thành phố đã sắp xếp các đơn vị sự nghiệp tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị, giảm 110 đơn vị (chiếm 53,4%).
PV: Thực tế tại một số địa phương cho thấy, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung ở đối tượng nghỉ hưu trước tuổi, hoặc chuyển công tác, nghỉ thôi việc. Bà có thể chia sẻ cách làm của Hà Nội để việc tinh giản không chỉ tập trung ở các đối tượng này?
Bà Nguyễn Thị Liễu: Thực hiện Nghị quyết 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, Hà Nội đã sớm ban hành kế hoạch triển khai. Quá trình thực hiện cho thấy 6 trường hợp nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định 108 trên thực tế khó thực hiện và chưa mở rộng đối với đối tượng tinh giản do sắp xếp tổ chức bộ máy, chưa khuyến khích nghỉ tinh giản biên chế. Để đẩy mạnh tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, UBND thành phố đã chủ động xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích đối tượng nghỉ tự nguyện tinh giản biên chế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét. Ngày 31/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 113, sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 về tinh giản biên chế, trong đó đã bổ sung 4/5 nhóm đối tượng tự nguyện tinh giản biên chế do thành phố Hà Nội đề xuất.
Đến nay, việc thực hiện tinh giản biên chế đã có sự chuyển biến rõ nét. Thành phố đã thực hiện tinh giản biên chế được 1172 trường hợp, trong đó 259 trường hợp nghỉ do sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại vị trí việc làm, 484 trường hợp nghỉ do năng lực làm việc hạn chế.
PV: Việc đổi mới sắp xếp, tinh giản biên chế luôn đòi hỏi phải gắn với triển khai hiệu quả các đề án việc làm. Hà Nội đã tiếp cận vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Liễu: Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá đi đầu cả nước về việc triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm. Trên cơ sở đề án vị trí việc làm được phê duyệt, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện theo vị trí việc làm trong việc bố trí, sắp xếp, tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo… tăng cường kiểm tra giám sát.
Qua đánh giá, sau gần 3 năm triển khai đề án vị trí việc làm, toàn thành phố Hà Nội đã có 646 trường hợp phải thay đổi theo vị trí việc làm. Trong đó có 96 trường hợp điều chuyển để phù hợp với bằng cấp, chuyên môn, nghiệp vụ; 317 trường hợp phải đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho phù hợp với vị trí việc làm; 154 trường hợp phải nghỉ tinh giản biên chế; 79 trường hợp thôi việc và bố trí công tác khác. Tới đây, sau khi rà soát đánh giá để đáp ứng tình hình mới, thành phố sẽ tiếp tục việc điều chỉnh vị trí việc làm để phù hợp hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà!./.
Nguồn: VOV.vn