VOV.VN -Thủ tướng cho biết sẽ có chế tài mạnh với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu, nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.
Sáng 16/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gồm cả vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA.
Nguyên nhân chủ quan là chính
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng vốn đầu tư, doanh nghiệp gặp khó khăn, công nhân mất việc làm, kinh tế đất nước được nhận định tăng trưởng thấp nhất trong hơn chục năm qua.
Trong bối cảnh đó, đầu tư công là “cứu cánh” đối với nền kinh tế, bởi theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ tăng thêm 1% vốn đầu tư được giải ngân sẽ góp phần tăng 0,06% GDP. Do vậy, trách nhiệm của Chính phủ và các địa phương trong cả nước trong điều hành đất nước lúc này là tập trung giải ngân 633.000 tỷ, gần 28 tỷ USD vốn đầu tư công.
Thủ tướng nêu thực tế, mỗi khi Thủ tướng làm việc với các địa phương hay bộ, ngành, các đơn vị đều đề nghị xin thêm vốn đầu tư, nhưng khi nhận vốn thì nhiều nơi tổ chức thực hiện không đến nơi đến chốn. Thực tế này diễn ra nhiều năm. Dù năm nay giải ngân có tiến bộ hơn, nhưng vẫn còn khối lượng vốn rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.
Do đó, nhiệm vụ của hội nghị này tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, ì ạch, kém cỏi của giải ngân vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA.
Đặc biệt là phải nêu chủ quan của các Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, BQL dự án các địa phương, kể cả đầu tư cho nông thôn mới. Theo Thủ tướng, phải tìm ra được nguyên nhân chủ quan là chính thay vì đổ cho khách quan là chính, để có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư Nhà nước trong phát triển ngành, lĩnh vực của mình.
“Tại sao cùng cơ chế đó, có địa phương lại giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương lại rất ì ạch? Đó là do sự quan liêu của các cấp, ngành, không chịu sâu sát giải quyết công việc. Bí thư, Chủ tịch, Bộ trưởng đi xin vốn về cứ để mãi, cứ nói chung chung, không trực tiếp xử lý vướng mắc, khó khăn. Cho nên tôi muốn nhấn mạnh tìm nguyên nhân chủ quan để tìm giải pháp” – Thủ tướng nói.
Sẽ có chế tài với người đứng đầu
Nêu rõ hội nghị này phải tìm ra giải pháp để giải ngân cho hết 100% vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu thảo luận cả chế tài đối với người đứng đầu để nâng cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương nếu chậm giải ngân.
“Anh không làm phải có biện pháp với anh, chứ không phải không làm, biết đó mà không xử lý. Nói hoài, nói mãi không chịu làm. Không lẽ chúng ta vô hiệu lực trong chuyện này sao? Lần này phải đưa ra các chế tài cần thiết. Ngoài biện pháp Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ điều chuyển vốn đầu tư công của Nhà nước từ địa phương này sang địa phương khác, từ ngành này sang ngành khác, từ công trình này sang công trình khác, thì còn có các chế tài khác về thi đua khen thưởng và xử lý các vấn đề đặt ra như đánh giá cán bộ” – Thủ tướng cho biết.
Đề nghị các địa phương nêu kinh nghiệm tốt, quý trong hội nghị này, Thủ tướng nêu thực tế tại Ninh Bình, HĐND mỗi tháng họp một lần thay vì 6 tháng họp một lần để điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác kịp thời, nhờ đó, vốn đầu tư công giải ngân đạt 72%.
Cho rằng, chính bệnh quan liêu, xa dân làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công chậm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong công tác giải phóng mặt bằng, Bí thư, Phó Bí thư, Thường trực Tỉnh ủy và Thành ủy phải trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ các huyện thay vì khoán trắng cho cấp huyện, qua đó đối thoại, giải thích cho người dân hiểu và nhanh chóng giải phóng mặt bằng.
Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành mỗi tháng họp đánh giá một lần. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải trực tiếp kiểm tra, đôn đốc giải ngân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.
Xử lý 3 cái “đọng”
Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý được 3 cái “đọng”. Thứ nhất là không được để vốn đọng, có tiền mà không giải ngân được; thứ hai là không được để nợ đọng, tức hạng mục thi công xong, dự án đã hoàn thành mà không quyết toán; thứ ba là thủ tục đọng, vốn là vấn đề rất phổ biến hiện nay, dự án xong rồi nhưng không hoàn thành được thủ tục thanh quyết toàn vì bệnh cửa quyền, tiêu cực hay chủ đầu tư “ngâm” lâu…
Yêu cầu cuối cùng cuộc họp này phải có hành động, Thủ tướng đặt vấn đề, cần thảo luận việc có một Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy để phân công trách nhiệm rõ ràng, đôn đốc, kiểm tra giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, Thủ tướng nêu các địa phương có tiến độ giải ngân tốt là Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai, Tiền Giang, mức giải ngân từ khoảng 45% đến 70% vốn kế hoạch trong nửa đầu năm.
Những địa phương có tốc độ giải ngân rất chậm là Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai, mức giải ngân vốn dưới 20% kế hoạch.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nửa đầu năm, cả nước giải ngân được 33,9% kế hoạch vốn đầu tư công.
Trong khi đó, tại một hội nghị đầu tháng 7, số liệu cho thấy trong 63 tỉnh, thành thì đến 22 tỉnh giải ngân vốn ODA bằng 0%; 16 tỉnh, thành giải ngân trên 10%, duy nhất 1 tỉnh đạt 15%./.
Nguồn: VOV.vn