Trang chủ Luận bàn - Phản biện Góc nhìn khác về bài báo “Sai phạm rồi… Mất tích”

Góc nhìn khác về bài báo “Sai phạm rồi… Mất tích”

216
0

Góc nhìn khác về bài báo

Sáng nay vào chuyên mục GÓC NHÌN ĐẠI ĐOÀN KẾT của báo Đại Đoàn Kết để đọc bài “Sai phạm rồi… mất tích” của tác giả Lê Anh Đức, tôi đồng tình với tác giả ở vài khía cạnh, nhưng không đồng tình với nhận định của tác giả khi nói phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn “tiền tố tụng” đối với ông Giám đốc sở KH&CN Đồng Nai. 

Trong bài, tác giả đề cập đến một số vụ như Nhật Cường, vụ Trịnh Xuân Thanh và mới đây là vụ Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai Phạm Văn Sáng “mất tích” để nói rằng “có không ít cán bộ ở cơ quan cả Trung ương và địa phương có thái độ làm việc nửa vời, vô cảm như vậy nên khó thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát” và “thậm chí còn biết trước việc sẽ bị cơ quan công an sẽ “sờ gáy” để rồi cao chạy xa bay?!”.

Mời xem link dưới:

http://daidoanket.vn/sai-pham-roi-mat-tich-490636.html

Góc nhìn khác về bài báo

Tác giả viết: “Nói như vậy, sẽ có ý kiến cho rằng, sau khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kết luận thanh tra, ông Sáng đã có đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền nên cơ quan công an chưa thể đụng tới. Song, đây là cách lý giải khiên cưỡng. Bởi lẽ, trong Luật Phòng chống tham nhũng, hình sự… cũng đã có quy định về các biện pháp ngăn chặn khi có dấu hiệu phạm tội, tránh việc bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản, phi tang chứng cứ”.

Sau khi liên hệ với vụ Bùi Quang Huy, Giám đốc Công ty Nhật Cường và vụ Trịnh Xuân Thanh, tác giả đã đặt câu hỏi: 

“Việc ông Sáng cố tình vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng khi “rót” ngân sách nhà nước vào công ty của vợ là rõ ràng và đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận. Vậy thì vì lẽ gì cơ quan công an tỉnh Đồng Nai không triển khai các biện pháp ngăn chặn tiền tố tụng, để đảm bảo ông Sáng không thể bỏ trốn, không thể tẩu tán tài sản”?

Xin thưa tác giả, anh đề cập đến “Triển khai các biện pháp ngăn chặn tiền tố tụng” khiến tôi phát hoảng. Nói không quá, đây là tư duy vô pháp vô thiên. Biện pháp ngăn chặn muốn triển khai phải dựa trên cơ sở pháp lý của nó là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế được áp dụng khi có đủ căn cứ đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Mục đích của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn là để kịp thời ngăn chặn được tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội và để bảo đảm việc thi hành án. 

Theo quy định của luật, các biện pháp ngăn chặn là: (1) Bắt, bao gồm: bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người trong trường hợp khẩn cấp; (2) Tạm giữ: áp dụng trong trường hợp người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã; (3) Tạm giam: áp dụng khi bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự đã quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội; (4) Cấm đi khỏi nơi cư trú: Chỉ áp dụng với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng (chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú có trách nhiệm quản lý, theo dõi họ); (5) Bảo lĩnh. Đây là biện pháp thay thế cho biện pháp tạm giam; và (6) Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Như vậy, với 6 biện pháp ngăn chặn nói trên ta sẽ thấy, ông Giám đốc sở KH&CN Đồng Nai Phạm Văn Sáng không thuộc trường hợp nào.

Thực tế, ngoài quy định của luật tố tụng thì quy định của pháp luật hành chính cũng để cập đến một biện pháp mà nếu hiểu nôm na nó cũng tương tự như biện pháp ngăn chặn. Đó là trường hợp cấm xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại Nghị định 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Điều 21 Nghị định 94/2015 quy định công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc trường hợp sau: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan công tác điều tra tội phạm; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế…

Theo điểm a khoản 1 Điều 22 của Nghị định này, cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh trong trường hợp “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan công tác điều tra tội phạm”.

Như vậy, ông Phạm Văn Sáng không thuộc diện điều chỉnh của điều 21 và điều 22 Nghị định 94/2015.

Tôi đồng cảm với tác giả ở chỗ rất bức xúc khi một số người có biểu hiện tham nhũng hay tiêu cực, nhưng khi có quyết định khởi tố thì họ lại trốn mất. Tôi không dám chắc ông Phạm Văn Sáng trốn nhưng nó cũng cho thấy dấu hiệu đáng lo. 

Những trường hợp này hiện công an không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn do luật quy định rất chặt chẽ. Nếu công an áp dụng sẽ bị coi là vi phạm nhân quyền. Thực tế, ngay cả một số vụ có tin báo tố giác, sau đó cơ quan công an không cho xuất cảnh thì ngay lập tức báo chí đã vào cuộc phản đối vì không có cơ sở pháp lý.

Cũng giống như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, ông Phạm Văn Sáng chưa bị khởi tố, chưa bị điều tra nên có thể xem không thuộc trường hợp “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Vì thế, ông ta không bị áp dụng biện pháp chưa được xuất cảnh. 

Tôi không đồng tình với tác giả khi cho rằng, “việc xác minh, kiểm tra, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng có thể xem là “hoạt động điều tra”, “công tác điều tra” hoặc “liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Như thế, người bị tình nghi có liên quan cũng có thể bị áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh theo các quy định nêu trên”. Lập luận của tác giả mới chỉ là lời bàn dưới góc độ khoa học mà không phải luật vì thế nó không có giá trị pháp lý. Theo luật Tố tụng hình sự, “điều tra là một giai đoạn của tố tụng hình sự và giai đoạn này được tiến hành sau khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nghĩa là nếu chưa bị khởi tố bị can, chưa bị điều tra, ông Sáng không thuộc trường hợp không được xuất cảnh.
Tôi mong nhận được phản hồi từ tác giả bài báo nói trên.

Khoai@

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây