Việt Nam và Hoa Kỳ đã phải vượt qua rất nhiều cản trở, thậm chí cả sự nghi ngại trong chính nội bộ từng quốc gia để tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Ngày 11/7/1995 (theo giờ Mỹ) tức 12/7/1995 (theo giờ Việt Nam) là thời điểm quan trọng, đánh dấu quan hệ bình thường hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau 20 năm kết thúc chiến tranh. Nhưng để có được thời điểm bắt đầu đó, ít ai biết rằng, hai bên đã phải vượt qua rất nhiều cản trở và thậm chí sự nghi ngại ngay trong chính nội bộ từng quốc gia. Rất nhiều người ở hai phía đã cùng nhau đi trên hành trình khó khăn đó để cuối cùng, những cố gắng của họ đã được đền đáp xứng đáng.
Trong một cuộc trò chuyện với báo chí Việt Nam cách đây 5 năm, nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Thượng Nghị sỹ John Kerry, lúc đó ở vị Ngoại trưởng Mỹ đã phải thốt lên rằng “Tôi đã mất nhiều năm trông đợi thời điểm người Mỹ khi nghe 2 chữ Việt Nam thì nghĩ đến một đất nước chứ không phải một cuộc chiến”.
Cựu ngoại trưởng Mỹ – John Kerry trong một chuyến thăm Việt Nam.
“Nhiều năm” được nhắc tới đó, đã có nhiều lúc ông phải “lội ngược dòng” để thuyết phục các nhà chính trị Hoa Kỳ ủng hộ nối lại quan hệ với Việt Nam. Theo ông, quá trình khôi phục giữa hai bên lúc đó rất khó khăn, đòi hỏi nhiều can đảm để nhân nhượng từ cả hai phía. Năm 1991, khi bắt đầu nhiệm kỳ hai ở Thượng viện Mỹ, ông Kerry đã làm một việc được coi là đánh bạc với sinh mạng chính trị của mình: Đứng đầu Ủy ban về Vấn đề Tù nhân chiến tranh và người Mỹ mất tích (POW/MIA). Khi đó, vấn đề Việt Nam, nơi duy nhất siêu cường Mỹ từng thất bại trong lịch sử, vẫn là nỗi đau khôn nguôi và xã hội Mỹ vẫn vật lộn trong “hội chứng Việt Nam”. Các cố vấn của Kerry khi đó đều khuyên ông nên tránh nhiệm vụ này. Nhưng ông đã may mắn khi có thêm một người bạn đồng hành khác là Thượng nghị sỹ John McCain, cũng là một cựu binh trong chiến tranh ở Việt Nam.
Việt Nam đã nối hai con người từ hai chiến tuyến chính trị, một bên là Đảng cộng hòa, một bên là Đảng dân chủ, đi trên con đường nhiều rào cản đó bằng một niềm tin sắt đá.
Sau cuộc gặp cấp cao chính thức đầu tiên của hai Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ tháng 9-1990 giữa Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và người đồng cấp James Baker tại New York, Văn phòng tìm kiếm quân nhân mất tích của Mỹ (MIA) là cơ quan chính thức đầu tiên của Hoa Kỳ thiết lập tại Hà Nội vào tháng 7/1991. Tuy nhiên, hoạt động của hai bên còn rất nhiều khó khăn bởi phía Mỹ vẫn tin rằng Việt Nam còn giam giữ các tù binh chiến tranh.
Để làm sáng tỏ những khúc mắc này, trong suốt thời gian từ 1991 đến sự kiện bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995, Thượng nghị sỹ John Kerry đã có 14 lần sang Việt Nam, nghiên cứu và xem hàng nghìn tài liệu, bức ảnh, các lời khai từ thân nhân, các nhóm cựu chiến binh, cựu quan chức tình báo và nhà ngoại giao, các báo cáo để khẳng định rằng không còn nhà tù bí mật nào tại Việt Nam. Chính những báo cáo của ông là một phần khơi thông cho Lệnh cấm đi lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cùng năm, cũng như mở đường cho văn phòng đại diện doanh nghiệp Mỹ đầu tiên bước chân vào thị trường Việt Nam vào năm 1993 và cuối cùng là tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Đại sứ Lê Văn Bàng bắt tay cựu Tổng thống Mỹ – Bill Clinton. (Ảnh: CAND)
Cũng giống như Thượng Nghị sỹ John Kerry, Đại sứ Lê Văn Bàng, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời cũng là đại diện ngoại giao đầu tiên của Việt Nam tại Hoa Kỳ vào thời điểm năm 1995 đã tham gia không ít các cuộc đàm phán cho quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước. Ông cho rằng, thời điểm đó, vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích là một trở ngại rất lớn trong quan hệ hai bên và ngay trong nội bộ Việt Nam. Theo lời kể của ông Bàng, vấn đề MIA đã được mang ra chất vấn tại phiên họp của Quốc hội. Bộ Ngoại giao đã phải giải trình Quốc hội về những bước đi trong quan hệ với Mỹ là theo truyền thống hòa giải, hòa hiếu của dân tộc và đã được Quốc hội chấp thuận.
Đại sứ Lê Văn Bàng cho biết: “Có rất nhiều trở ngại và có những trở ngại làm nản lòng bất cứ ai nếu mình mong nó phát triển nhanh. Nói thật là sau 20 năm, tôi là người tham gia trực tiếp vào vấn đề đó, bao nhiêu lần thất vọng. Nhưng mình có một điểm làm động lực, đó là cả Nhà nước và nhân dân đều muốn dỡ bỏ cấm vận”.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà ngoại giao, chính khách của cả hai bên mà phía Mỹ đại diện như Thượng nghị sỹ John Mc Cain, TNS John Kerry hay phía Việt Nam như Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Đại sứ Lê Văn Bàng… cùng rất nhiều người khác đã được đền đáp. Ngày 11/7/1995 theo giờ Mỹ, tức sáng ngày 12/7/1995 theo giờ Việt Nam, hai nước đã chính thức bình thường hóa quan hệ, Mỹ xóa bỏ bao vây cấm vận đối với Việt Nam.
Trong ký ức nhiều người, sự kiện đó rất đáng nhớ. Hình ảnh lá cờ Mỹ tại số 7 Láng Hạ vào thời điểm đó khiến cho nhiều người Việt Nam tin rằng, quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng tốt hơn. Còn đối với Đại sứ Lê Văn Bàng, cho đến giờ, ông vẫn không giấu nổi cảm xúc của mình khi được phía Mỹ thông báo việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước:
Đại sứ Lê Văn Bàng kể lại: “Lúc đó tôi là Đại sứ tại LHQ và được Bộ ngoại giao Mỹ mời lên Washington để thông tin về một vấn đề, tôi không biết vấn đề gì. Tôi không mường tượng được là chiều hôm đó Tổng thống Clinton sẽ tuyên bố về vấn đề Việt Nam và đề nghị Đại sứ theo dõi và báo cáo về nước. Sau đó 5h chiều, ông Clinton tuyên bố bỏ cấm vận với Việt Nam. Tôi thực sự vui mừng và nước mắt cứ chảy ra”.
Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Nhìn lại chặng đường 25 năm đã qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Trong lịch sử bang giao giữa các dân tộc, hơn 20 năm chỉ như một khoảnh khắc. Nhưng điều đáng mừng là chỉ trong thời khoảng thời gian ngắn đó, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt được nhiều bước tiến hết sức ấn tượng”. Những thành tựu phát triển trong quan hệ hai nước giờ đây đã phát triển vượt qua mọi tưởng tượng của những người trong cuộc.
Kể từ những ngày đầu tiên đặt nền móng cho đến khi tiếp tục chứng kiến mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Thượng nghị sỹ John Kerry cũng vui mừng thừa nhận “Có những điều bất thường trong thế hệ của tôi, bây giờ đã trở thành bình thường, rất tự nhiên, trong quan hệ với Việt Nam”./.
Nguồn: VOV.vn