Trang chủ Tin tức Hội thảo khoa học 'Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam'

Hội thảo khoa học 'Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam'

132
0

Chiều 8/7, tại thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo khoa học “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”. 

Hội thảo khoa học 'Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam'Quang cảnh hội thảo. 

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu đã trao đổi, thảo luận về những cải cách trang phục của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đối với Áo dài Việt Nam; những đóng góp của vua Minh Mạng trong việc ban hành các quy định về trang phục cung đình, trang phục dân gian trong phạm vi toàn quốc.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên – Huế, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (giữ ngôi Chúa ở Đàng Trong từ năm 1738 – 1765) và vua Minh Mạng (trị vì từ năm 1820 – 1841) đã có công lao rất lớn trong việc đề xuất chủ trương, thực thi cải tổ triều phục, cải cách trang phục ở vùng đất Đàng Trong và toàn bộ nước Đại Nam trong lịch sử. Nếu như Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc áo dài, thì vua Mình Mạng có công đưa chiếc áo dài trở thành trang phục sử dụng phố biển từ Bắc đến Nam. Hai sự kiện lịch sử trên cũng chứng minh rằng, Huế vừa là chiếc nôi sản sinh ra áo dài, vừa là Kinh đô Áo dài Việt Nam. Vấn đề cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng không chỉ dừng lại ở hình thức, còn phản ảnh tinh thần thống nhất, tự chủ về văn hóa. Từ đó, áo dài đã trở thành trang phục chính thức của mọi tầng lớp trong xã hội, mang đậm bản sắc văn hóa và chính thức trở thành quốc phục dân tộc Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên – Huế khẳng định: Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, Áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc đáo sáng tạo, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu.

Hội thảo khoa học 'Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam'Biểu diễn áo dài truyền thống. 

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt cho rằng, áo dài Huế từ trước tới nay đều gắn chặt với hình ảnh phụ nữ Huế, áo dài nam (áo ngũ thân) vừa bị mờ nhạt vừa chưa được mọi người quan tâm. Để Huế trở thành Kinh đô Áo dài Việt Nam, Thừa Thiên – Huế tạo điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử ra đời, giá trị thẩm mỹ, các nghi lễ, nghi thức mặc áo dài trong suốt lịch sử từ thời nhà Nguyễn tới ngày nay; có chế độ đãi ngộ thích đáng để thu hút nghệ nhân giỏi tham gia công tác truyền dạy; khuyến khích việc mặc áo dài tại các không gian lễ hội, nơi công sở. Ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên – Huế thường xuyên tổ chức cuộc thi thiết kế áo dài hiện đại nhằm tìm ra trang phục áo dài đẹp, phát triển từ áo dài truyền thống, phù hợp cuộc sống đương đại.

Các đại biểu tập trung phân tích và đánh giá các giá trị đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng… của áo dài trong dòng chảy văn hóa – lịch sử Huế, xây dựng và khẳng định Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam; đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản áo dài trong bối cảnh đương đại; xây dựng thương hiệu Áo dài Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh; phổ biến áo dài trong cuộc sống đương đại dựa trên nền tảng dấu ấn văn hóa, lịch sử và không để đánh mất đi hồn cốt của chiếc áo dài truyền thống.

Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)

Hội thảo khoa học 'Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam'

Ấn tượng đêm trình diễn 1.000 mẫu áo dài tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám

21 bộ sưu tập với hơn 1.000 mẫu áo dài của 21 Nhà thiết kế đã góp phần định danh, định vị áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây