Những ngày vừa qua, trên các trang RFA, VOA, BBC, Báo Tiếng dân… đăng tải thông tin cái gọi là “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” (VIU) ra đời với “sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân”. Bên cạnh đó, tổ chức này còn kêu gọi “công nhân trong các doanh nghiệp, người lao động tự do thuộc các ngành nghề lao động khác cũng như lao động tri thức hãy gia nhập đội ngũ Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam”.
Cuối năm 2019, Quốc hội bấm nút thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi và cho phép người lao động thành lập các tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp, vậy nên việc một tổ chức đại diện cho công nhân ra đời là chuyện không có gì bất ngờ. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là những cái tên nằm trong ban điều hành “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” gồm: Chủ tịch Bùi Thiện Tri; Phó Chủ tịch Trần Nghĩa Quân; Tổng thư ký Ben Đặng; và người phụ trách tài chính Phùng Tuệ Tâm đều là những bí danh không phải là tên tuổi thật. Điều này khiến dư luận thắc mắc tại sao ban điều hành của “Nghiệp đoàn độc Việt Nam” lại không công khai danh tính, nghề nghiệp cho người dân được biết? Nói là bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân mà ngay cả cái tên, khuôn mặt những người đứng đầu đều ẩn như thế này, thử hỏi ai dám tin tưởng mà gia nhập vào được chứ?
Đó là chưa kể, việc Chủ tịch VIU – Bùi Thiện Tri mạnh miệng trả lời trên trang RFA nói rằng: “chúng tôi hiện nay vẫn chưa đăng ký với chính quyền” cũng khiến cho người dân lưu tâm. Theo quy định, “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký (Điều 172). Hoạt động đảm bảo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch”. Cho nên, việc Chủ tịch của “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” lên báo lớn tiếng nói rằng tổ chức này chưa đăng ký, chưa được pháp luật công nhận, rồi tuyên truyền, quảng cáo rùm beng, kêu gọi người lao động tham gia khiến dư luận nghi ngờ về động cơ và mục đích của tổ chức này? Cứ nhìn những trang như VOA, RFA, BBC, Báo Tiếng dân… hăng hái quảng cáo mạnh cho “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam”, rồi viết bài phỏng vấn Chủ tịch VIU, đưa tin độc quyền, khiến người dân đặt nhiều câu hỏi về tổ chức này? Thành lập cái gọi là “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” là vì bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân hay lại là núp bóng danh nghĩa của họ để đạt được mục đích chính trị nào đó?
Bài học từ “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” trong việc làm sụp đổ chế độ của nước này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Lúc đầu cũng mang danh nghĩa chỉ là một tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi của công nhân, nhưng sau đó “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” đã dần biến tướng, phát triển thành tổ chức chuyên tập hợp những thành phần cực đoan, kêu gọi biểu tình, đập phá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội Ba Lan. Và cũng đừng quên thời gian qua, nhiều tổ chức chống phá đã được thành lập dưới danh nghĩa công đoàn như “Công đoàn độc lập Việt Nam”; “Liên đoàn lao động Việt Nam”… đã đại diện cho một nhóm người tiêu cực, bất mãn cá nhân, muốn tập hợp lực lượng để thành lập nên một tổ chức chuyên gây rối xã hội, kêu gọi công nhân đình công, chống phá xí nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đất nước, khiến nhiều người mất công ăn việc làm.
Có vẻ như việc Quốc hội bấm nút thông qua cho phép thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động, đã có một số hội nhóm rục rịch thành lập nên các tổ chức mang danh nghĩa là lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích cho công dân. Thế nhưng, muốn lập đoàn thể, hội nhóm gì đi chăng nữa thì cũng đều phải đăng ký, tuân thủ nguyên tắc của pháp luật nhà nước Việt Nam. Vậy nên, việc cái gọi là “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” ra đời mới đây, mọi người dân cần tỉnh táo để không để bị lợi dụng phục vụ cho mưu đồ cá nhân. Mọi cảnh giác không bao giờ thừa, mỗi người dân cần thận trọng với những quyết định của riêng mình, đừng biến Việt Nam thành Ba Lan của Đông Nam Á!
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò