VOV.VN -Gần đây, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân có giảm hơn so với trước nhưng tỷ lệ giải quyết một số địa phương, bộ, ngành lại đạt thấp hơn trước.
Tình trạng khiếu kiện kéo dài vượt cấp, khiếu kiện đông người tham gia trong thời gian qua vẫn diễn biến khá phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như, cơ chế, chính sách pháp luật còn những bất cập, nhất là trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng đền bù; những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế xã hội; trình độ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận quần chúng còn hạn chế; các phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động nhằm thực hiện những động cơ mục đích cá nhân. Bên cạnh đó có một nguyên nhân quan trọng, đó là những yếu kém từ phía đội ngũ cán bộ có trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; khiếu nại, tố cáo đông người kéo dài, trách nhiệm chính từ chính quyền.
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (TTCP) Nguyễn Hồng Điệp trực tiếp thăm hỏi công dân đến khiếu kiện
Đơn khiếu nại, tố cáo giảm nhưng tỷ lệ giải quyết thấp
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, một nghịch lý trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đó là thời gian gần đây, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân có giảm hơn so với trước nhưng tỷ lệ giải quyết ở một số địa phương, bộ, ngành lại đạt thấp hơn trước. Đáng lưu ý, một số vụ khiếu kiện đông người kéo dài lại có chiều hướng gia tăng.
Theo phân tích của thanh tra Chính phủ và nhận định của các chuyên gia, thực trạng này xảy ra có những nguyên nhân chính như: do người dân chưa nắm vững các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo; chính sách pháp luật trong lĩnh vực này chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ cũng như bộ máy làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đủ mạnh. Song nguyên nhân cơ bản nhất, vẫn là tình trạng cán bộ và cơ quan có thẩm quyền tiếp tân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở nhiều địa phương, bộ, ngành còn quan liêu, né tránh giải quyết. Hoặc chỉ giải quyết qua loa cho xong chuyện các nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ đó khiến nhân dân bức xúc gửi đơn thư vượt cấp.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở còn rất nhiều yếu kém. Có nhiều trường hợp khi đã có quyết định giải quyết, nhưng qua rà soát cách giải quyết của địa phương thì thấy sai về trình tự, thủ tục, sai cả về nội dung bản chất của vụ việc. Theo ông Hạnh, khi giải quyết sai cho người dân, chúng ta phải mạnh dạn sửa chữa. Bởi, chính tính cách bảo lưu ý kiến, cố tình né tránh, cố tình bảo thủ gây bức xúc cho người dân, qua đó, họ lại tiếp tục khiếu kiện.
Tại nhiều diễn đàn khác nhau, nhiều lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến nguyên nhân từ phía chủ quan của các cơ quan và người có thẩm quyền trách nhiệm. Thủ tướng cho rằng, không thể đổ hoàn toàn cho dân mà chính những cơ quan quản lý chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chưa làm tròn trách nhiệm với dân.
Theo Thủ tướng, vẫn còn thái độ lơ là, không thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân; chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thông báo công khai lịch tiếp dân, hoặc có công khai nhưng ít tiếp dân với những lý do bận họp. Đặc biệt, chưa đối thoại công khai, đối thoại trực tiếp với người dân để có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý. Việc giải quyết chậm chạp kéo dài gây bức xúc dẫn đến khiếu kiện đông người vượt cấp kéo dài lên Trung ương.
Cán bộ không lắng nghe dân sẽ xảy ra không ít khiếu kiện
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, khiếu nại chủ yếu do lỗi của cơ quan nhà nước. Theo Thủ tướng, nếu cán bộ không làm sai, làm việc công tâm khách quan, lắng nghe ý kiến của người dân bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân thì chắc chắn ít xảy ra khiếu kiện phức tạp. Thủ tướng cho rằng, trong trường hợp này chúng ta phải đặt câu hỏi, chúng ta đã làm việc công tâm chưa? thuyết phục chưa? đối thoại chưa? Câu hỏi đặt ra nhiều, nhưng chúng ta vẫn hời hợt, cứ lo cháy nhà, chết người, chạy dự án, không lo đến việc dân chúng là rất phức tạp.
Bàn về nguyên nhân của đơn thư khiếu nại phức tạp kéo dài, ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, sẽ khó có giải pháp khắc phục khi không nhìn nhận đúng thực trạng việc thiếu sâu sát với dân, lắng nghe dân và đối thoại với nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ có thẩm quyền.
Đánh giá tình trạng này, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, việc thiếu sâu sát, xa dân không lắng nghe và đối thoại với dân là một trong các nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo bức xúc. Nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cán bộ của ta, nhất là cơ sở vẫn xa dân không chịu lắng nghe dân, không đối thoại với dân, làm dân thất vọng bức xúc. Qua đó, nhiều vụ việc nhỏ trở thành to, thành phức tạp, thành điểm nóng.
Để giảm dần tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo đến với tất cả người dân để họ hiểu và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo cho đúng luật thì phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, nhất là người đứng đầu.
Điều quan trọng hơn là cần có chế tài và mạnh tay xử lý cán bộ, công chức chưa làm tròn trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là người đứng đầu. Sớm chấm dứt tình trạng cấp ủy, chính quyền khoán trắng việc tiếp dân giải quyết khiếu nại cho Thanh tra phòng tiếp dân. Các địa phương rà soát các vụ việc phức tạp kéo dài, lập kế hoạch cụ thể để giải quyết từng vụ việc. Công khai hóa vụ việc lên Cổng thông tin điện tử để người dân và các cơ quan theo dõi, giám sát./.
Nguồn: VOV.vn