Từng địa phương đã xác định được thế mạnh riêng và bước đầu tạo dấu ấn đối với du khách, song du lịch toàn vùng Đông Nam Bộ thời gian qua vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Do vậy, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng và các vùng khác trong cả nước chính là giải pháp phù hợp để du lịch Đông Nam bộ có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Hình thành thương hiệu du lịch vùng
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua tốc độ phát triển của du lịch vùng Đông Nam Bộ còn khiêm tốn so với vị trí chiến lược và tiềm năng của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa – lịch sử, đa dạng về tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực dồi dào. Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vùng Đông Nam bộ với định hướng khai thác sản phẩm đặc trưng như: Du lịch MICE (hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm); du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm; du lịch biên giới gắn với cửa khẩu. Do đó, cần hình thành nên một thương hiệu du lịch vùng chung và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài độ dài lưu trú của du khách; đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế và ổn định xã hội của toàn vùng.
Để giải bài toán liên kết vùng của các địa phương khu vực Đông Nam Bộ trong phát triển du lịch, hình thành thương hiệu du lịch vùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đề xuất, một trong những giải pháp hiệu quả là trong thời gian tới Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng Đông Nam bộ triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và trong quá trình xây dựng Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, xác định và nêu rõ tầm quan trọng của liên kết vùng để phát huy lợi thế so sánh của mỗi địa phương, tạo ra sản phẩm du lịch riêng có, chất lượng cao… từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và lợi thế phát triển du lịch toàn vùng.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng được bản đồ du lịch vùng, xác định rõ trung tâm du lịch của vùng. Việc xác định rõ địa phương nào là động lực tăng trưởng, địa phương nào giữ vai trò phụ trợ sẽ giúp định hình được bài toán đầu tư và phát triển về hạ tầng, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, tránh hiện trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí nguồn lực.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, các địa phương và cơ quan chức năng cần nghiên cứu mô hình hợp tác công tư trong quảng bá, xúc tiến du lịch cho cả vùng, theo hướng khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vận hành từ định vị thương hiệu du lịch chung của vùng, định vị sản phẩm, chiến lược tiếp thị cho toàn vùng.
Quan tâm đến việc cần có những giải pháp chung, tổng thể để cùng xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch, từ thực tế ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc chia sẻ: Năm 2019, ngành Du lịch Bình Dương đón trên 5,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.440 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách là 6% và doanh thu là 5%. Dù vậy, thời gian qua Bình Dương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch. Hiện tỉnh còn nghèo về sản phẩm, chưa thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế.
Bên cạnh việc tự phát triển du lịch của từng địa phương, sự thiếu liên kết giữa các địa phương cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ thời gian vừa qua. Do đó, để hình thành và phát triển chuỗi giá trị dịch vụ du lịch của toàn vùng, sau khi hoàn thiện sản phẩm du lịch cần lựa chọn, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, chất lượng của từng địa phương để đưa vào hệ thống cung cấp sản phẩm du lịch.
Hơn nữa, nên thành lập Trung tâm điều hành và cung cấp thông tin, quảng bá về các sản phẩm du lịch của mỗi địa phương (huy động từ nguồn xã hội hóa) hoặc bổ trợ thêm chức năng cho Trung tâm Xúc tiến du lịch ở mỗi địa phương nhằm thu hút khách du lịch.
Liên kết để phục hồi và phát triển bền vững
Theo lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, đối với phát triển du lịch việc liên kết có ý nghĩa trong cả giai đoạn này – thời điểm du lịch Việt Nam đang nỗ lực phục hồi, trước mắt kích cầu du lịch nội địa và cả về lâu dài. Việc đẩy mạnh liên kết sẽ giúp các địa phương phát huy toàn diện các tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch, vị trí chiến lược, tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ (Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh) giai đoạn 2020 – 2025 vừa được ký kết, thể hiện sự chung tay, đồng lòng tạo sự bứt phá cho du lịch Đông Nam Bộ thời gian tới của mỗi địa phương. Thỏa thuận này đề ra các mục tiêu hợp tác, liên kết khá cụ thể, thiết thực, như phấn đấu tăng tỷ lệ khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đến 5 tỉnh cùng khu vực Đông Nam Bộ trong liên kết và khách du lịch từ 5 tỉnh Đông Nam Bộ trong liên kết đến Thành phố Hồ Chí Minh qua từng năm; đặc biệt góp phần hồi phục nhanh ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID -19.
Bên cạnh đó, các địa phương hợp tác, liên kết để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sản phẩm du lịch, chương trình du lịch, tuyến du lịch liên vùng hoàn chỉnh và quảng bá chung trong và ngoài nước; xây dựng chuỗi du lịch thân thiện an toàn với sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.
Một trong những nội dung được ưu tiên thực hiện ngay tại thời điểm này nhằm nhanh chóng phục hồi du lịch đã được Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ xác định là: Các tỉnh Đông Nam Bộ tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương xây dựng, chào bán sản phẩm du lịch của các địa phương trong liên kết cho du khách. Thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối mở rộng liên kết trong nước để doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong liên kết phối hợp xây dựng chào bán sản phẩm du lịch của vùng Đông Nam Bộ.
Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác cùng các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của thành phố xây dựng một số chương trình du lịch dành cho khách du lịch nội địa từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, phía Bắc đến 5 tỉnh Đông Nam Bộ. Các khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ tham gia chương trình có cam kết giảm giá, kích cầu và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất; đề nghị các hãng hàng không giảm giá vé, ưu đãi giá vé và ưu tiên đặt chỗ; tạo thành sản phẩm du lịch chung; cùng quảng bá, tiếp thị và chào bán cho du khách.
Nhằm khai thác tiềm năng du lịch của các địa phương tạo nên chuỗi sản phẩm liên kết vùng, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) chia sẻ, thời gian qua, đại diện Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist thuộc Saigontourist Group cùng đoàn doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với một số nhà tư vấn đã tham gia khảo sát các điểm đến, các dịch vụ của các tỉnh Đông Nam Bộ.
Trên cơ sở khảo sát, các doanh nghiệp kịp thời xây dựng 3 tuyến du lịch mẫu liên kết với các địa phương cùng trong vùng Đông Nam Bộ. Cụ thể là tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Tây Ninh với các điểm tham quan: Đồn điền cao su thời Pháp thuộc và chùa Thái Sơn – núi Cậu (Bình Dương), các điểm đến ở Tây Ninh như: Cáp treo núi Bà Đen, thánh thất Cao Đài, doanh nghiệp trà Hoàn Ngọc. Tuyến Thành phố Hồ Chí Minh- Bình Dương – Bình Phước với các điểm tham quan như: Căn cứ lịch sử cách mạng Tà Thiết, khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ ở tỉnh Bình Phước, chùa Thái Sơn – núi Cậu và lòng hồ Dầu Tiếng ở tỉnh Bình Dương. Hoặc tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu với các điểm đến ở tỉnh Đồng Nai như đảo Ó – Đồng Trường, trấn biên Biên Hòa, làng bưởi Tân Triều và các điểm đến ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như: Khu du lịch cáp treo Hồ Mây, bến du thuyền Marine, đảo Gò Găng, nhà lớn Long Sơn.
Nguồn: Báo Tin tức