Hai vấn đề được các cựu cán bộ ở thành phố Đà Nẵng quan tâm là vấn đề Biển Đông và công tác cán bộ.
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng ở thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nhiều cá nhân soạn thảo hàng chục trang giấy, cẩn thận gửi đến các cơ quan xây dựng Đảng.
Một hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Nhận định rất đúng thực tế Biển Đông
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, sau khi đọc dự thảo 4 văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ông quan tâm nhiều đến 2 vấn đề. Một là vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; hai là vấn đề mục tiêu phát triển đến năm 2025, đến năm 2030 và đến năm 2045.
Về vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, theo ông Bùi Văn Tiếng, Dự thảo Báo cáo tổng kết Chiến lược 10 năm nêu nhiều nhận định rất đúng với thực tế Biển Đông hiện nay.
Báo cáo xác định từ bối cảnh quốc tế “tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đe doạ nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực và môi trường đầu tư phát triển” cho đến đánh giá những hạn chế, bất cập trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm, Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng cũng nhấn mạnh “Châu Á- Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động nhưng tiềm ẩn những yếu tố gây chia rẽ, căng thẳng, mất ổn định, nhất là vấn đề Biển Đông”.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, sẽ là thuyết phục hơn nếu Dự thảo Báo cáo Chính trị bổ sung một số thông tin về bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, về phòng chống những hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia trong lĩnh vực dầu khí, nghề cá, bảo hộ ngư dân.
Về vấn đề mục tiêu phát triển đến năm 2025, đến năm 2030 và đến năm 2045, trong khi Dự thảo Báo cáo Chính trị thiên về phương án 1 thì Dự thảo Báo cáo tổng kết Chiến lược 10 năm lại thiên về phương án 2. Ông Bùi Văn Tiếng cho biết, ông thiên về phương án 2 bởi đây là mục tiêu đã được đề ra từ Đại hội X là đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Cán bộ là vấn đề then chốt
Còn ông Trần Thận, 93 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ, cho biết, ông rất tâm huyết với mục tiêu tổng quát của Văn kiện Đại hội XIII xác định: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển, sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Ông Trần Thận nêu ý kiến: “Tài liệu của Văn kiện Trung ương tôi thấy quan trọng nhất là vấn đề cán bộ, bởi cán bộ là vấn đề then chốt. Vấn đề này không chỉ nói từ Đại hội XI, XII mà trong suốt trong quá trình lịch sử của Đảng. Hai nữa là làm cách mạng phải coi trọng lý luận cách mạng”.
Đồng quan điểm với ông Trần Thận về công tác cán bộ, ông Trần Thanh Vân, nguyên Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, các văn kiện cần phân tích kỹ hơn nguyên nhân chủ quan trong công tác cán bộ. Tuy các văn kiện có nêu nhưng theo ông nguyên nhân chủ quan chưa đầy đủ.
Nguyên Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng tại một Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Văn kiện
Ông Trần Thanh Vân đề nghị: “Phải nói kỹ hơn về nguyên nhân chủ quan, trong đó có vấn đề công tác cán bộ. Bởi cán bộ nào, phong trào đó. Thứ hai là phải nói thẳng, vấn đề cán bộ của chúng ta, tinh thần trách nhiệm, khát vọng và sự dấn thân trong một bộ phận có vấn đề. Vì sao trước đây có những đồng chí của chúng ta dấn thân được nhưng bây giờ rất ít”.
Đại tá Huỳnh Minh Chức, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh thành phố Đà Nẵng cho biết, Hội đã lấy ý kiến của 20 sĩ quan tướng lĩnh về hưu, các sĩ quan về hưu, đa số ý kiến cho rằng, riêng đối với nhiệm vụ giải pháp, phát huy vai trò của cựu chiến binh trong nhiệm kỳ tới, đề nghị không gộp việc lãnh đạo xây dựng Hội Cựu chiến binh với tổ chức chính trị xã hội khác. Bởi theo ông Huỳnh Minh Chức, lực lượng cựu chiến binh, cựu quân nhân rất đông đảo, có nhiều độ tuổi, còn đóng góp cho xã hội, tham gia công tác Đảng, đoàn thể ở cơ sở.
Đại tá Huỳnh Minh Chức cho rằng, cần nghiên cứu viết lại phần lãnh đạo xây dựng Hội Cựu Chiến binh nhiệm kỳ tới là: Vận động, tập hợp, đoàn kết các thế hệ cựu chiến binh, cựu quân nhân giữ vững và phát huy phẩm chất truyền thống bộ đội cụ Hồ; Luôn là lực lượng trung thành đoàn kết, gương mẫu, đổi mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ Xã hội Chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, đẩy mạnh thực hiện và thực hiện các chương trình, các cuộc vận động, tham gia giáo dục thế hệ trẻ.
Điểm mới trong công tác tổ chức góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng ở Đà Nẵng là các địa phương tổ chức tốt trong việc lấy ý kiến đối với những cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu.
Ông Lê Văn Dũng, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết, ngoài góp ý của các Chi bộ, Đảng bộ, tổ chức trong các Hội nghị, góp ý tại các Đại hội Đảng cơ sở, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê chỉ đạo cho các Đảng ủy cơ sở lắng nghe ý kiến của những cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu sinh hoạt tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thực hiện Thông báo kết luận số 159 ngày 15/01/2020 của Bộ Chính trị về thảo luận các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã kịp thời chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến góp ý các văn kiện của Đại hội Đảng.
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Công văn số 3982-CV/TU ngày 14/02/2020 chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cấp ủy đảng, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân đối các văn kiện, bao gồm rất nhiều nội dung trên toàn diện các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của đất nước trong 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng./.
Nguồn: VOV.vn