Trang chủ Chính trị HNCC ASEAN 36 thành công nhờ sự quyết đoán, linh hoạt của...

HNCC ASEAN 36 thành công nhờ sự quyết đoán, linh hoạt của Việt Nam

112
0

Giáo sư Carl Thayer đánh giá cao sự chủ động, quyết đoán, linh hoạt của Việt Nam để tổ chức thành công HNCC ASEAN 36 trong bối cảnh đại dịch

Trao đổi với Lao Động, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, đánh giá cao vai trò chủ động cùng sự quyết đoán, linh hoạt của Việt Nam để tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

PV: Giáo sư đánh giá thế nào về bối cảnh Việt Nam tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36?

– Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng mạnh đến nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, bao gồm Mỹ, Nga và Brazil. Ngay cả Trung Quốc cũng đã xuất hiện làn sóng dịch bệnh mới ở Bắc Kinh sau khi ngăn chặn thành công đại dịch ở Vũ Hán.

HNCC ASEAN 36 thành công nhờ sự quyết đoán, linh hoạt của Việt Nam
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia

Trong bối cảnh khó khăn đó, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 phải thông qua các chính sách để giải quyết 6 vấn đề chính: (1) Phản ứng khu vực đối với Covid-19, ưu tiên cho Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN; (2) Kế hoạch phục hồi kinh tế xã hội sau Covid-19; (3) Sửa đổi ba kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 (An ninh Chính trị, Kinh tế – Văn hóa Xã hội); (4) Nâng cao hiệu quả quan hệ với các đối tác để hỗ trợ các mục tiêu của ASEAN, (5) Thông qua thời gian họp với Trung Quốc để đi vào các vòng đàm phán lần thứ hai văn bản dự thảo về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trong năm nay và (6) Trao quyền cho phụ nữ. Ngoài ra, ASEAN phải đưa ra quyết định về việc có chấp nhận Đông Timor gia nhập ASEAN hay không.

PV: Giáo sư bình luận gì về những nỗ lực của Việt Nam để đảm bảo tổ chức các hội nghị ASEAN trong bối cảnh Covid-19?

– Khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã lên kế hoạch cho một loạt các sự kiện được tổ chức trong năm. Chủ đề ASEAN 2020 được Việt Nam lựa chọn là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN.

Sau đó, đại dịch Covid-19 xảy ra khiến tất cả các kế hoạch của ASEAN bị xáo trộn. Các cuộc họp trực tiếp không còn khả thi vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh, hành động quyết đoán và linh hoạt. Việt Nam đã tổ chức trực tuyến các Hội nghị Bộ trưởng Y tế, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó Covid-19 và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Việt Nam đã hành động dứt khoát bằng cách lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, Hội nghị Cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến. Nhiều cuộc họp ASEAN khác cũng đã được tổ chức theo cách này.

PV: Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy chủ đề ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng”?

– Việt Nam đặt ra 5 mục tiêu chính cho năm Chủ tịch ASEAN 2020: Tăng cường thống nhất và đoàn kết; Thúc đây liên kết và kết nối khu vực; Thúc đẩy bản sắc và nhận thức của ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững; và cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Việt Nam đã phải thích ứng với đại dịch Covid-19, điều đó có nghĩa là ưu tiên hàng đầu đã được dành cho cuộc khủng hoảng sức khỏe này. Như đã nói ở trên, Việt Nam đã thúc đẩy phản ứng gắn kết và chủ động của ASEAN một cách nhanh chóng, tái tập trung ưu tiên cho dịch bệnh, thay thế các hội nghị truyền thống bằng hội nghị trực tuyến, tập trung vào phản ứng của ASEAN đối với Covid-19, bao gồm cả hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và EU. Tôi cho rằng công việc này vẫn sẽ tiếp tục sau khi Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.

PV: Theo giáo sư, Việt Nam cần làm gì để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN nửa cuối năm 2020?

– Nửa đầu năm có thể được chia thành hai phần. Từ tháng 1 đến tháng 2 ASEAN đã tiến hành hoạt động như thường lệ. Điều này kết thúc khi đại dịch Covid-19 bùng phát và mỗi thành viên ASEAN đã tự hành động. Sự lãnh đạo của Việt Nam đã thay đổi trọng tâm sang phản ứng của ASEAN. Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, ưu tiên được tập trung vào việc hợp tác để đối phó với Covid-19 trên cơ sở phối hợp với các nước đối tác đối thoại.

Trong nửa cuối năm nay, Việt Nam sẽ phải ưu tiên xây dựng và thực hiện các quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Điều này bao gồm thay đổi các quy tắc hiện hành để thành lập Quỹ ứng phó dịch Covid-19 của ASEAN. Việt Nam sẽ phải lãnh đạo các cơ quan y tế khu vực vạch ra kế hoạch phục hồi sau Covid-19. Và Việt Nam sẽ phải giám sát việc soạn thảo khung pháp lý về lao động di cư ở Đông Nam Á.

Các nhiệm vụ quan trọng khác bao gồm: Hoàn thành Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Tổ chức đàm phán ASEAN-Trung Quốc về COC (chưa có cuộc đàm phán nào được tổ chức trong năm nay); và lên lịch cho các hội nghị ASEAN và các hội nghị liên quan như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Hội nghị cấp cao Đông Á.

Do Covid-19, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ đã không thể tổ chức ở Las Vegas. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được tổ chức vào ngày 3/11 tại thời điểm ASEAN tổ chức các hội nghị cuối năm. Việt Nam sẽ phải cực kỳ sáng tạo để tổ chức một hội nghị trực tuyến giữa những người đứng đầu chính phủ các nước ASEAN và Tổng thống Donald Trump, nếu không đến hết  năm 2020 cũng không có hội nghị như vậy.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây