Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trung Quốc và Hoa Kỳ là các đối tác quan trọng hàng đầu của các quốc gia trên thế giới trong đó có ASEAN và Việt Nam.
Sau khi kết thúc tất cả các phiên của HNCC ASEAN lần thứ 36, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời báo chí trong nước và quốc tế về kết quả của hội nghị. Thủ tướng khẳng định, HNCC ASEAN lần thứ 36 đã thành công tốt đẹp, thể hiện một ASEAN an toàn, đoàn kết, gắn kết, chủ động thích ứng.
Thủ tướng đã trao đổi với báo chí về các vấn đề hợp tác nội khối ASEAN, hợp tác ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Hoa Kỳ, vấn đề biển Đông…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với báo chí về các vấn đề hợp tác nội khối ASEAN, hợp tác ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Hoa Kỳ, vấn đề biển Đông… (Ảnh: Trần Khánh).
ASEAN 36 thảo luận 5 nhóm vấn đề quan trọng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo các nước ASEAN đã tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề, đó là tập trung kiểm soát đại dịch, chủ động đẩy mạnh phục hồi kinh tế, hợp tác nội khối. Đại dịch đang kiểm soát tốt nhưng không chủ quan để đại dịch không quay lại.
Thứ hai là tiếp tục xây dựng cộng đồng vững mạnh theo các mục tiêu đặt ra của năm 2020. Đến nay có 96% số dòng hành động xây dựng Cộng đồng đã được tích cực hợp tác triển khai, định hướng tầm nhìn ASEAN đến năm 2025.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Trung Quốc và Hoa Kỳ là các đối tác quan trọng hàng đầu của các quốc gia trên thế giới trong đó có ASEAN và Việt Nam. (Ảnh: Trần Khánh).
Thứ ba là mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN.
Thứ tư, lãnh đạo ASEAN đều khẳng định gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác phát triển bền vững, thịnh vượng cho mọi người dân.
Thứ 5, khối ASEAN đề cao tinh thần thiện chí và tôn trọng luật pháp, nhất là luật pháp quốc tế trong giải quyết các khác biệt tại khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lãnh đạo các nước ASEAN cũng thảo luận sâu những diễn biến gần đây về tình hình quốc tế và khu vực, với những vấn để nổi cộm trong khu vực, chúng tôi nhất trí tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn thông qua đối thoại, hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp Quốc.
Sau khi kết thúc tất cả các phiên của HNCC ASEAN lần thứ 36, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời báo chí trong nước và quốc tế về kết quả của hội nghị. (Ảnh: Trần Khánh).
Các nhà lãnh đạo kêu gọi các bên kiềm chế trước những va chạm, không làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ quy định quốc tế, đặc biệt là thực hiện tốt DOC, khôi phục đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả. Thủ tướng cũng thông tin về quan điểm của các nước ASEAN trong giải quyết trên tinh thần nhân đạo, hòa bình đối với vùng Ra-khai của Myanmar, vấn đề Triều Tiên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, kết thúc Hội nghị, các Nhà Lãnh đạo đã công bố Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay và ghi nhận nhiều văn kiện khác.
Tại buổi họp báo, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nêu câu hỏi: Là Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng cho biết những đánh giá của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong điều phối, hợp tác và kiểm soát dịch bệnh?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: Dịch Covid-19 lan ra toàn cầu, đến nay có trên 130.000 người nhiễm bệnh và gần 4.000 người tử vong trong khu vực ASEAN. Do đó chúng tôi xác định Cộng đồng ASEAN phải hành động.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu giới thiệu họp báo. (Ảnh: Trần Khánh).
Chủ tịch ASEAN đã sớm ra tuyên bố chung, triệu tập các hội nghị nội khối trong ASEAN và ASEAN +3 với các đối tác thảo luận biện pháp chống dịch. Các sáng kiến của ASEAN như thành lập Quỹ Covid-19, lập kho y tế dự phòng, Quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng Kế hoạch phục hồi toàn diện sau dịch bệnh… nhanh chóng được Cộng đồng hưởng ứng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, có thể nói, nội khối ASEAN đã chủ động, khẩn trương, quyết liệt trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng để phòng chống Covid-19. Không chỉ Việt Nam mà phần lớn các nước ASEAN đã kiểm soát được dịch bệnh. Hội nghị hôm nay minh chứng cho tinh thần đoàn kết, hợp tác, chủ động thích ứng của ASEAN, có sự chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về trang thiết bị y tế. Chưa có dịp nào có sự kết nối tốt như thế trong phòng, chống dịch. Cho nên ASEAN thể hiện được sức mạnh cộng đồng, đó là lực lượng trung tâm, trưởng thành, tự tin chèo lái khu vực vượt qua khó khăn lớn chưa từng có.
Xây dựng biển Đông hòa bình, hữu nghị, cùng có lợi
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời câu hỏi của phóng viên Hãng tin CNA của Singapore.
Phóng viên đặt câu hỏi: Thưa ngài Thủ tướng, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến kinh tế ASEAN và ASEAN phải làm thế nào để đối phó với các tác động này?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Trung Quốc và Hoa Kỳ là các đối tác quan trọng hàng đầu của các quốc gia trên thế giới trong đó có ASEAN và Việt Nam. Cho nên sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có ASEAN.
Tuy nhiên giữa ASEAN với Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế cả song phương và đa phương. Đây là nền tảng quan trọng để duy trì và củng cố thúc đẩy hợp tác giữa kinh tế ASEAN với 2 nền kinh tế lớn này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng tôi hợp tác phát triển cùng có lợi vì một nền hoà bình ở khu vực và sự phát triển tương lai của các đối tác trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn và với Hoa Kỳ là những đối tác quan trọng bổ sung cho nhau. Đẩy lùi Covid-19 và phục hồi kinh tế là hai nhiệm vụ quan trọng vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và của chính Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Việt Nam muốn Trung Quốc và Hoa Kỳ vượt qua bất đồng để xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của thế giới và khu vực. Như chủ đề của ASEAN là gắn kết và chủ động thích ứng, trong bối cảnh dịch Covid-19 và vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam và ASEAN đang nỗ lực cùng các thành viên thực hiện kế hoạch tổng thể phục hồi sau đại dịch, chúng tôi tập trung đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN thúc đẩy hội nghị với Hoa Kỳ và Trung Quốc để hợp tác chống dịch, duy trì giao thương mạnh mẽ với Trung Quốc, đảm bảo cung ứng hàng hóa dịch vụ, tạo thuận lợi cho chuỗi đầu tư, thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và trên thế giới.
“Việc này các nước ASEAN, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lợi nên cùng hợp tác phát triển tốt. Tôi thấy xu hướng tốt và đang có kết quả trong thời gian qua và thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời câu hỏi của phóng viên Hãng tin AP.
Phóng viên AP đặt câu hỏi: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động như thế nào đến chương trình nghị sự của Việt Nam về đàm phán các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Việt Nam đã và sẽ làm gì để đạt được mong muốn trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN?
Thủ tướng kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị cấp cao ASEAN 36
VOV.VN -Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện các công việc chuẩn bị một cách tốt nhất, đảm bảo cho Hội nghị cấp cao ASEAN 36 diễn ra thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng là lợi ích và nguyện vọng chung của cộng đồng, nhất là với ASEAN. Bởi vậy, ASEAN có nhiều nỗ lực đóng góp, từ duy trì đối thoại, thúc đẩy hợp tác đến xây dựng cơ chế, qui tắc ứng xử trên Biển Đông.
Hội nghị lần này đã tái khẳng định quyết tâm của ASEAN đóng góp xây dựng Biển Đông thành vùng biển hợp tác và phát triển, an ninh và an toàn, xứng đáng với vị trí là một bộ phận quan trọng trong trao đổi của khu vực.
Dịch bệnh Covid-19, trước mắt làm gián đoạn các cuộc họp thảo luận về xây dựng Bộ Quy tắc COC trên Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Việt Nam nỗ lực cùng ASEAN hợp tác với các bên liên quan để kiềm chế không có các hành động làm phức tạp tình hình trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong đó, cùng nhau thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử DOC và đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982./.
Nguồn: VOV.vn