Ngày 26/6, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”.
Đây là hội thảo khoa học quốc gia đầu tiên về trang phục áo dài được tổ chức với quy mô lớn tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại biểu, là các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… của các cơ quan Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà thiết kế thời trang, cộng đồng làng nghề tham dự và trình bày ý kiến, tham luận.
Hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” được tổ chức nhằm nhận diện, đánh giá đầy đủ về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam. Đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia nhận diện về cộng đồng cũng như các trung tâm hình thành và lan tỏa tập quán mặc áo dài; đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị của trang phục áo dài nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể nói chung trong đời sống đương đại.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, cách tân, sử dụng ngày càng đa dạng chất liệu, thiết kế kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, chiếc áo dài Việt Nam đang cho thấy sức sống mạnh mẽ. Áo dài đã vượt qua nhiều thử thách để vừa bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, hướng tới trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Đáng tiếc là bên cạnh sự phổ biến của áo dài, hiện nay vẫn còn một số người chưa hiểu đúng về lịch sử văn hóa, giá trị của áo dài cũng như tập quán sử dụng chúng. Do đó, hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, nhà thiết kế thời trang và các nghệ nhân làm áo trình bày và thảo luận những vấn đề lịch sử, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật của trang phục áo dài Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định: Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Mặt khác, việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề có liên quan đến áo dài này cũng giúp chúng ta có được những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để đảm bảo sức sống của áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của nhà nước Việt Nam.
Việc tổ chức hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Sự quan tâm của đông đảo các học giả, nhà quản lý văn hóa, nghệ nhân, nhà thiết kế sản xuất áo dài và các đại biểu tham dự hội thảo lần này đã cho thấy trách nhiệm của xã hội với trang phục áo dài của dân tộc Việt Nam nói riêng, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung.
Các ý kiến tại hội thảo tập trung bàn về các vấn đề như: Lịch sử phát triển của áo dài Việt Nam; Giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của áo dài Việt Nam; Bản sắc văn hóa và biểu tượng của áo dài Việt Nam cùng với những tập quán liên quan đến trang phụ áo dài Việt Nam; Nghiên cứu về sự đa dạng, thay đổi kiểu cách, thế kế và cắt may áo dài; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài Việt Nam…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, trên cơ sở kết quả thảo luận, hội thảo sẽ đưa ra những đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về giá trị của trang phục áo dài, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân, cũng như góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Nguồn: Báo Tin tức