Dù con đường còn dài, song chúng ta đã có những bước đi rất quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, báo chí cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người làm báo là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa – tư tưởng”… Các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh những dòng chảy chính của đất nước, báo chí phải phò chính diệt tà” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nội dung này được nhấn mạnh tại cuộc Tọa đàm “35 năm vì Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức chiều 23/6, tại Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày Báo Pháp luật Việt Nam ra số báo đầu tiên.
Phát biểu tại cuộc toạ đàm, nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta nhấn mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
“Chúng ta có Nhà nước pháp quyền XHCN chưa? Tôi cho là con đường còn dài” – ông Hà Hùng Cường nói, đồng thời cho rằng chính điều này đặt sự nghiệp báo chí góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền còn rộng và dài.
Đồng quan điểm, Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng dù con đường còn dài, song chúng ta đã có những bước đi rất quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Ý thức xây dựng pháp quyền, người dân sống và theo pháp luật ngày càng rõ hơn.
Song để đạt mục tiêu đặt ra, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật thì vấn đề là pháp luật phải đi vào cuộc sống. Điều đó đặt ra trách nhiệm và vai trò của báo chí rất quan trọng.
Cũng theo ông Hồ Quang Lợi, báo chí cùng với đề cao tính chiến đấu cũng cần đảm bảo tính nhân văn ở cả trên phương diện phản ánh trên mặt báo cũng như hoạt động của mỗi toà soạn. Chiến đấu để bảo vệ cái đúng, chống cái ác, cái xấu, cái cản trở nhưng vẫn phải bảo vệ được tính nhân văn, có như thế báo chí mới hoàn thành được nhiệm vụ và củng cố được vị trí trong lòng độc giả.
Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, báo chí phải đi đầu xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, nêu gương những điển hình tốt, phê phán những thói hư tật xấu, những hiện tượng hủ bại trong xã hội. Quán triệt tinh thần “bút sắc, lòng trong”, mỗi cán bộ, phóng viên, phải dấn thân phản ánh những vấn đề nóng mà xã hội, đất nước, nhân dân đang cần chung tay giải quyết.
Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới và thực tiễn đổi mới, phát triển đất nước đang là nguồn chất liệu phong phú, giàu có… mà mỗi phóng viên cần tập trung khai thác để chuyển tải những chủ trương, những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước tới nhân dân… Đặc biệt, góp phần tạo hành lang pháp lý, môi trường đầu tư thông thoáng, thúc đẩy các điều kiện thuận lợi về cơ chế, mặt bằng, thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, đón nhận những dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, phát huy vai trò xung kích trên mặt trận bảo vệ pháp luật, đấu tranh cho công bằng xã hội và hạnh phúc của nhân dân.
Đặc biệt, Báo chí cần tăng cường nhiều hơn nữa các tuyến bài đấu tranh phòng chống tham ô, tham nhũng, các hiện tượng vi phạm pháp luật, đấu tranh với các thế lực phản động, thù địch thường xuyên lợi dụng, nói xấu kích động sự xa rời giữa dân với Đảng, cung cấp cho đội ngũ cán bộ làm tư pháp và nhân dân những kiến thức, kỹ năng triển khai thực thi pháp luật tại các tuyến cơ sở.
Ngọc Thành/VOV
Nguồn: Cánh cò