Trước thực tế chi phí giá điện của một số hộ dân tăng cao, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm rõ để thông tin cho người dân hiểu.
Chiều 22/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ về việc phát triển các dự án điện, trong đó có các dự án điện khí, để đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Công thương tại phiên họp, từ nay đến năm 2025 nước ta vẫn có nguy cơ khó khăn về điện do các dự án điện thuộc Tổng sơ đồ điện 7 bị chậm, nhất là các dự án nhiệt điện, bởi đang có tình trạng nhiều địa phương không muốn phát triển các dự án điện than mà muốn thay bằng điện khí. Lượng điện thiếu hụt vừa qua được bù đắp một phần từ các dự án điện tái tạo, tổng công suất hiện khoảng 6.000 đến 7.000 MW.
Thủ tướng chủ trì phiên họp
Còn về điện khí, hiện nay, Bộ có nhận được đề xuất bổ sung phát triển các nhà máy điện khí của hầu hết các tỉnh ven biển, có tỉnh đề suất công suất 3.000 MW, có tỉnh đề xuất lên tới 16.000-17.000 MW. Trong khi đó, đến năm 2030, nhu cầu điện trong nước chỉ cần 130.000 MW. Do đó nếu thời gian tới không có cách tiếp cận mới, chặt chẽ, khoa học thì sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển điện nước ta.
Tại phiên họp, các bộ, ngành đều cho rằng, cần điều chỉnh cơ cấu các nguồn điện theo hướng hợp lý, kiểm soát việc phát triển các dự án điện khí một cách tràn lan, phá vỡ quy hoạch; tăng cường phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện tái tạo đang có sự cạnh tranh cao, chi phí giá điện giảm dần. Bộ Công thương cần bổ sung quy hoạch phát triển điện khí để các địa phương phát triển điện khí theo quy hoạch, tránh phát triển tràn lan. Bộ Công thương cũng cần khẩn trương thực hiện Tổng sơ đồ điện 8; đẩy nhanh tiến độ các dự án điện thuộc Tổng sơ đồ điện 7, kể cả điện than với công nghệ bảo vệ môi trường; hoàn thiện các cơ chế về đấu giá, đấu thầu đối với điện mặt trời…
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển nguồn điện cần có sự đổi mới, không nên cứng nhắc và bám sát nhu cầu của kinh tế – xã hội; quy hoạch phải quan tâm đến thu hút nguồn đầu tư từ xã hội.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành điện đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, trong bối cảnh hạn hán, mùa hè nắng nóng gay gắt.
Nhấn mạnh Bộ Công thương là cơ quan nhà nước chủ trì về vấn đề phát triển ngành điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ nhân dân. Bộ trưởng Bộ Công thương có trách nhiệm đảm bảo phát triển nguồn và lưới điện cho phát triển đất nước. Bộ phải chủ trì, lên phương án cụ thể, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đến cùng trong tổ chức thực hiện, không chỉ trong nghiệm kỳ này mà các nhiệm kỳ tiếp theo, trong đó có vai trò cá nhân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương, các cơ quan liên quan, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những pháp luật có liên quan được Quốc hội thông qua. Trong đó, mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia phát triển các dự án nguồn điện và lưới truyền tải. Phát triển điện gắn với bảo vệ môi trường sống; ưu tiên phát triển điện tái tạo, ít ô nhiễm. Áp dụng quy luật thị trường trong sản xuất và cạnh tranh, trong đó có giá điện cạnh tranh.
Thủ tướng giao Bộ Công thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, các tập đoàn, cơ quan liên quan phối hợp, có phân công cụ thể về triển khai các dự án, đảm bảo tiến độ và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tập đoàn. Trong việc triển khai các dự án, các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần phối hợp, nỗ lực hỗ trợ Bộ Công thương. Đối với một số dự án điện gió, khí, mặt trời vừa qua có tiến độ chậm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương và các cơ quan quản lý liên quan xử lý ngay và làm rõ trách nhiệm.
Sau cuộc họp này, Bộ Công thương hoàn thiện dự thảo cơ chế, Bộ Tư pháp thẩm định, để trình Chính phủ vào đầu tháng 7 tới. Cơ chế này phải được xây dựng trên cơ sở đúng pháp luật.
Đối với thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, Thủ tướng nêu rõ, đây là quy hoạch mềm, không quá cứng nhắc. Thủ tướng đồng ý việc điều chỉnh sơ đồ điện 7 theo đề nghị của Bộ Công Thương để tạo không gian phát triển phù hợp với tình hình, nhất là tình hình phát triển điện tái tạo; yêu cầu sớm trình sơ đồ điện 8. Bộ Tư pháp thẩm định sớm để trình Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ yêu cầu chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đề xuất quy hoạch sơ đồ điện 7, sơ đồ điện 8.
Trước thực tế chi phí giá điện của một số hộ dân tăng cao, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ để thông tin cho người dân hiểu. Tinh thần là phải đảm bảo không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện. Nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xác minh các trường hợp chi phí điện tăng để trả lời, giải thích cho người dân một cách công khai./.
Nguồn: VOV.vn