Hôm nay, chúng ta vui mừng kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2020).
Không chỉ có hơn 41.000 người làm báo đang cần mẫn làm việc ngày đêm tại hơn 850 cơ quan báo chí – truyền thông khắp mọi miền của Tổ quốc, mà còn có hàng triệu người dân cũng hòa chung niềm vui ấy.
Sáng nay (21-6), tại Nhà hát TP HCM diễn ra lễ kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38 với 66 tác phẩm báo chí đoạt giải. Tối cùng ngày, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 103 tác phẩm báo chí đoạt giải cũng được Hội đồng Giải Báo chí quốc gia vinh danh. Các hoạt động này đều được truyền hình trực tiếp, với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP HCM.
Trước đó, ngày 12 và 13-6, 7 nhà báo lão thành và 187 người làm báo khắp cả nước đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sĩ; gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và được vinh danh tại Hội nghị “Tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” toàn quốc. Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hội nghị cũng thể hiện vị thế và khẳng định sự đóng góp to lớn của nền báo chí nước nhà trong suốt chiều dài lịch sử 95 năm qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân”.
Trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hàng trăm nhà báo đã anh dũng hy sinh. Máu đào của các nhà báo – chiến sĩ đã góp phần tô thắm lá quốc kỳ thiêng liêng, làm rạng rỡ lịch sử báo chí nước nhà.
Trong thời bình, hàng chục ngàn người làm báo đã ngày đêm lao động. Rất nhiều trong số họ là những nhà báo – chiến sĩ trên các mặt trận chống tiêu cực, đấu tranh bảo vệ công lý, che chở những người yếu thế, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Chính từ những dòng thông tin trên mặt báo đã giúp các cơ quan chức năng tìm ra những sai phạm nghiêm trọng. Từ những bài phóng sự – điều tra của các nhà báo, hàng loạt vụ gian lận, tiêu cực đã được phanh phui. Trong không ít trường hợp, báo chí là “cánh cửa” cuối cùng mà những người dân bị hàm oan tìm đến, để rồi công lý được tìm thấy, nhiều người được minh oan. Phần thưởng cho các nhà báo nhiều khi chỉ là cái nắm tay hay ánh mắt bày tỏ sự biết ơn. Nhưng đó chính là nguồn động viên to lớn, là năng lượng tích cực để các nhà báo chân chính tiếp tục dấn thân trên con đường đấu tranh bảo vệ lẽ phải, tìm kiếm sự công bằng. Không ít nhà báo đã phải chịu đựng thiệt thòi, thậm chí hiểm nguy tính mạng trong cuộc đấu tranh khốc liệt này!
Đã làm báo thì không thể không theo đuổi các tiêu chí như: Hay – nhanh – chính xác. Nhưng trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay, không thể thiếu tiêu chí “trách nhiệm” và “nhân văn”. Nói thường dễ hơn làm. Thay vì chỉ đả phá, chỉ trích, báo chí cần đưa ra các giải pháp; thay vì chỉ “bới lông tìm vết”, “đánh cho chết, nếu không chết cũng lê lết”, báo chí có thể cùng các tập thể, đơn vị tìm tiếng nói chung, cùng nhau khắc phục hạn chế, hướng tới tương lai. Báo chí cách mạng phụng sự nhân dân.
Cũng như nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, đây đó vẫn còn những yếu kém, tiêu cực. Tuy nhiên, sự đóng góp to lớn của báo giới đối với đất nước là điều không thể phủ nhận.
Trong những năm gần đây, báo chí chính thống đối diện với không ít thách thức. Cạnh tranh thông tin ngày càng khốc liệt, nguồn thu giảm mạnh… khiến nhiều cơ quan báo chí đối diện với khó khăn. Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, “khó ló khôn”. Tái cấu trúc, thực hiện chuyển đổi số, phát triển thương hiệu tập thể và cá nhân, đổi mới phương thức quản trị; tăng cường sự phối hợp… là những giải pháp có thể giúp các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, phát triển bền vững. Xây dựng một nền báo chí hiện đại, năng động, hiệu quả, trách nhiệm và nhân văn là mục tiêu cần hướng tới.
Trong bối cảnh mới, báo chí không chỉ làm tốt sứ mệnh truyền thông tin mà còn tham gia các hoạt động chính trị – xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển; nhân dân ngày càng no ấm hơn. Trong những năm qua, hàng loạt chương trình của các cơ quan báo chí đã tạo được tiếng vang lớn, nổi bật như: “Trái tim cho em” (VTV phối hợp cùng Viettel); Quỹ Tấm lòng vàng (Báo Lao Động), Giải Quả bóng vàng (Báo Sài Gòn Giải Phóng); Học bổng Vì ngày mai phát triển (Báo Tuổi Trẻ); Giải Mai Vàng, chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế”, chương trình “ATM thực phẩm miễn phí” (Báo Người Lao Động);chương trình “Mai Vàng nhân ái” (Báo Người Lao Động phối hợp cùng Ngân hàng Nam Á)… Thông qua những chương trình giàu ý nghĩa, đậm tính nhân văn này, hàng triệu người đã được thụ hưởng. Báo chí góp phần xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc!
Hành trình phía trước còn dài và lắm chông gai, nhiều thử thách. Nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS Tô Đình Tuân
Nguồn: Cánh cò