Trang chủ Đối tượng Dấu hỏi về sự khách quan trong báo cáo tự do tôn...

Dấu hỏi về sự khách quan trong báo cáo tự do tôn giáo của Bộ ngoại giao Mỹ?

277
0

Ngày 10/6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế với nhiều nội dung, trong đó chỉ trích trích chính quyền Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo trong năm 2019 bất chấp Hiến pháp quy định tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân. Trong đó bản báo cáo đưa ra một số quy kết có phần nặng nề như cho rằng: “chính quyền Việt Nam tìm cách đàn áp tự do tôn giáo, đặc biệt nhắm vào các nhóm tôn giáo không được chính quyền thừa nhận, dưới nhiều hình thức. Đó là xách nhiễu, đánh đập, bắt giữ, truy tố, theo dõi, cấm đi lại đối với những người theo các nhóm tôn giáo không được nhà nước cho đăng ký. Tài sản, đất đai của họ bị nhà nước thu hồi” (theo RFA).

Cũng như các báo cáo của nhiều năm trước, Bản báo cáo năm 2020 mặc dù nhìn nhận Việt Nam có một số tiến bộ nhất định trong việc cho phép người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, nhưng vẫn chỉ trích tích tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.

Để chứng minh cho những luận điểm được nêu ra, báo cáo đã đưa ra khá nhiều những dẫn chứng, trải rộng khắp ba miền từ Tây Nguyên cho đến các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Tuy nhiên, ngay từ đầu đã có những dấu hỏi về tính chân thực, khách quan và hợp lý của các dẫn chứng được nêu ra trong báo cáo.

Dấu hỏi về sự khách quan trong báo cáo tự do tôn giáo của Bộ ngoại giao Mỹ?

Báo cáo trên RFA (Nguồn: FB)

Theo đó, mặc dù thông thường bản báo cáo của năm 2020 chủ yếu phản ánh các vấn đề xảy ra trong năm 2019 và nếu có thì của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng qua theo dõi thì báo cáo được nói đến còn sử dụng cả những dẫn chứng xảy ra từ năm 2017 như sự việc cho rằng đã có khoảng từ 250 đến 300 người Thượng ở Tây Nguyên phải chạy lánh nạn sang Campuchia và Thái Lan khi bị truy bức; trong khi đến nay sự việc đã không còn được nhắc đến và không có bất cứ hoạt động nào trên thực tế. Đáng nói hơn, mặc dù tiếp tục khẳng định Việt Nam tiếp tục có những bước tiến trong thực thi quyền tự do tôn giáo và thực tiễn tình hình đảm bảo quyền tự do tôn giáo đã có những thành quả đáng ghi nhận. Song bản báo cáo không có bất cứ dòng nào phản ánh cụ thể về những thành quả đáng ghi nhận và không phải quốc gia nào cũng đạt được đó.

Chưa hết, xung quanh những dẫn chứng được nêu ra, bên cạnh việc chỉ nêu ra mỗi địa danh thì bản báo cáo đã đề cập tới một số cá nhân cụ thể với tư cách là “nạn nhân” của đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Trường hợp Nguyễn Năng Tĩnh (sinh năm 1976, quê quán: Quỳnh Lưu, Nghệ An), người bị bắt, kết án về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự là cái tên duy nhất được nêu lên. Từ điều này có thể thấy trường hợp này là tiêu biểu, điển hình nhất cho những điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ thu thập và đưa vào trong bản báo cáo này. Song, ngay cả điều này cũng xuất hiện những điều bất hợp lý.

Theo lẽ thường, việc có tên trong bản báo cáo về tình hình tự do tôn giáo quốc tế, được nhận diện là “nạn nhân của đàn áp tôn giáo” thì đương nhiên hành vi của cá nhân đó dẫn đến bị bắt, tù đầy… phải liên quan tới tôn giáo và việc thực hành đức tin. Đó là đương nhiên, không cần phải bàn cãi hay tranh luận gì. Thế nhưng, với việc đưa Nguyễn Năng Tĩnh vào để chứng minh cho những cáo buộc, chỉ trích của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có những sự nhầm lẫn hết sức đáng tiếc.

Ngay ở tội danh bị bắt, kết án và những điều được trích dẫn từ hồ sơ vụ án đã cho thấy: Trong thời gian từ ngày 06/02/2013 đến 17/06/2018, Nguyễn Năng Tĩnh là Giáo viên Trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An đã sử dụng trang facebook “Nguyễn Năng Tĩnh” địa chỉ đường link https://www.facebook.com/nguyennangtinh để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh, video ở chế độ công khai (tại thời điểm đó, trang facebook “Nguyễn Năng Tĩnh” hoạt động gần 1.000 người theo dõi, hàng trăm lượt người xem, chia sẻ và bình luận). Nguyễn Năng Tĩnh đã đăng tải, chia sẻ các video chứa nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, dùng các lời lẽ xuyên tạc bản chất của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc.

Theo đó, không có bất cứ chi tiết nào cho thấy Tĩnh bị bắt, kết án vì lí do tôn giáo, liên quan tôn giáo, có chăng Tĩnh là một tín đồ theo đạo Công giáo.

Từ việc này có thể thấy, việc đưa một người bị bắt, kết án bởi một tội danh hình sự thông thường vào bản báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 đã, đang chứng minh Bộ Ngoại giao Mỹ phần nào thiếu đi những dẫn chứng tiêu biểu, đủ sức thuyết phục hơn. Thay vào đó, họ buộc phải tìm chọn những cá nhân mà con người, hành vi của họ có tính liên quan rất ít đến để làm căn cứ cho những vấn đề được nêu ra.

PHƯƠNG NAM

Nguồn: Non sông Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây