Trang chủ Chính trị Biểu quyết và cho thi hành phán quyết giải quyết tranh chấp...

Biểu quyết và cho thi hành phán quyết giải quyết tranh chấp theo EVIPA

156
0

VOV.VN -Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết theo Hiệp định EVIPA với 95,03% đại biểu biểu quyết tán thành.

Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) được Quốc hội thông qua sáng nay (18/6) với 95,03% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Biểu quyết và cho thi hành phán quyết giải quyết tranh chấp theo EVIPA
Đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).

Nghị quyết quyết nghị các nội dung cụ thể như sau: Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, Nghị quyết quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành (Phán quyết) theo quy định tại Mục B Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh  châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu được ký ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, Việt Nam (Hiệp định).

Về công nhận và cho thi hành Phán quyết tại Điều 2, Phán quyết được ban hành trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, làm tại New York, ngày 10 tháng 6 năm 1958 để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về tổ chức thực hiện tại Điều 3, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết này. Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời cho Tòa án nhân dân tối cao thời điểm kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này.

Biểu quyết và cho thi hành phán quyết giải quyết tranh chấp theo EVIPA
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA).

Về hiệu lực thi hành tại Điều 4, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, ngày 8/6/2020, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Ngày 15/6/2020, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, dự thảo cũng đã được gửi xin ý kiến Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ.

Tính đến ngày 16/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến thống nhất cho rằng, cùng với việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định này là hết sức cần thiết, thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định, đồng thời, tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết (Điều 1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định, Việt Nam chỉ phải thi hành các “nghĩa vụ về tài chính” theo các phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư. Nội dung nghĩa vụ tài chính phải thi hành gồm những nghĩa vụ phải quy định tại Điều 3.53 của Hiệp định, gồm: thiệt hại về tiền và lãi suất áp dụng; chuyển giao tài sản và được bồi thường thiệt hại bằng tiền, lãi suất áp dụng thay cho việc chuyển giao tài sản.

Điều 3.52 của Hiệp định cũng quy định Cơ quan giải quyết tranh chấp không được phán quyết bãi bỏ các biện pháp có liên quan. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết đã xác định rõ chỉ có các nghĩa vụ tài chính mà không bao gồm các nghĩa vụ khác. Quy định trên thể hiện chính xác lời văn của Hiệp định nhằm bảo đảm tính khái quát, phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc dẫn chiếu các điều khoản của Hiệp định. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo Nghị quyết.

Về công nhận và cho thi hành phán quyết (Điều 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian Việt Nam được hưởng ngoại lệ thì phán quyết đối với bị đơn Việt Nam được coi là phán quyết của trọng tài nước ngoài. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam được áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận phán quyết đó. Nội dung này phù hợp với Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài mà nước ta là thành viên.

Sau khi hết thời hạn nói trên, theo quy định tại khoản 2 Điều 3.57 thì phán quyết chung thẩm đối với bị đơn là Việt Nam đương nhiên được công nhận là bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và sẽ được cho thi hành khi có yêu cầu; “không bị kháng cáo, xem xét lại, hủy bỏ hoặc tuyên vô hiệu hoặc bất kỳ sửa đổi nào khác” (điểm b, khoản 1 Điều 3.57). Vì vậy, việc không cho phép kháng cáo hay kháng nghị các trường hợp trên là nhằm bảo đảm thực thi đúng quy định của Hiệp định EVIPA.

Tuy nhiên, do vấn đề này đã được quy định rõ trong Hiệp định EVIPA và để tránh gây hiểu nhầm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ khoản 4 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình.

Biểu quyết và cho thi hành phán quyết giải quyết tranh chấp theo EVIPA

EVFTA và EVIPA- Bước triển khai quan trọng chiến lược hội nhập quốc tế

Việc sớm triển khai Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ tạo dựng những khuôn khổ ổn định, lâu dài cho quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – EU.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, để thi hành Điều 3.57 của Hiệp định, cần xác định về nguyên tắc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật để cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc quy định thẩm quyền của Tòa án thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hơn nữa, thực tiễn xem xét công nhận bản án quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trong thời gian qua cho thấy, việc giao cho Tòa án cấp tỉnh nơi người phải thi hành án có tài sản là phù hợp và không có vướng mắc gì. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định như dự thảo Nghị quyết.

Ngoài những nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật lập pháp và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây