Trang chủ Chính trị Những hành vi gây hấn đáng lên án của tàu Trung Quốc...

Những hành vi gây hấn đáng lên án của tàu Trung Quốc ở Biển Đông

144
0

Chỉ trong nửa đầu năm 2020, các tàu Trung Quốc đã liên tục có các hành vi gây hấn nhằm vào tàu cá của Việt Nam và các nước ở Biển Đông.

Hai lần chỉ trong vòng 3 tháng

Ngày 13/6, Hội Nghề cá Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối việc tàu sắt của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi, tông và làm hỏng tàu cá  QNg 96416 do ngư dân Nguyễn Lộc, 42 tuổi, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi làm chủ kiêm thuyền trưởng cùng 15 lao động hành nghề ở khu vực cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 8 hải lý về hướng Tây Nam vào sáng 10/6.

Những hành vi gây hấn đáng lên án của tàu Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc liên tục triển khai tàu thực hiện hành vi khiêu khích nguy hiểm trên Biển Đông. Ảnh: AP

Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã khống chế, đánh đập ngư dân bắt ký và điểm chỉ dấu vân tay vào biên bản do Trung Quốc viết, lấy ngư cụ là 2 máy định vị và máy dò cá, 1 thuyền thúng, 5 bành dây hơi, 1 tấn hải sản và làm hư hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu, thiệt hại về tài sản ngư dân ước tính khoảng 500 triệu đồng. Ngày 12/6/2020, tàu cá QNg 96416 cùng các lao động về đến đất liền không tiếp tục đi sản xuất được.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, những hành động như trên của Trung Quốc đã được lặp lại nhiều lần và liên tục gia tăng, gây bất an, bất bình cho ngư dân, làm giảm sút sản lượng đánh bắt hải sản, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho ngư dân, xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam và luật pháp Quốc tế.

Hội Nghề cá Việt Nam lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của Trung Quốc đã gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại đến tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Phản ứng của Hội Nghề cá Việt Nam liên quan đến hành vi sai trái của Trung Quốc diễn ra chỉ hơn 2 tháng sau khi tàu Hải cảnh nước này mang số hiệu 4301, tấn công đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam khi đang khai thác hải sản tại khu vực biển gần đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) với 8 ngư dân trên tàu ngày 2/4.

Đáng chú ý, cả hai vụ việc nói trên được Trung Quốc tiến hành trong vòng 3 tháng và đều vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ không chỉ từ phía các cơ quan chức năng của Việt Nam mà còn cả cộng đồng quốc tế.

Chỉ đúng 4 ngày sau vụ việc này, ngày 6/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã phát đi thông cáo báo chí về vụ việc, nhấn mạnh Mỹ “cực kỳ quan ngại” hành động của Trung Quốc. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt các yêu sách trái pháp luật hàng hải và gây bất lợi cho các quốc gia láng giềng Đông Nam Á trên biển Đông”.

2 ngày sau, Bộ Ngoại giao Philippines cũng ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam trong vụ việc nói trên và nhấn mạnh, các ngư dân Philippines cũng từng là nạn nhân của Trung Quốc và nước này rất cảm kích trước hành động cứu giúp các ngư dân Philippines của Việt Nam.

Những hành vi gây hấn đáng lên án của tàu Trung Quốc ở Biển Đông
Khinh hạm 514 của Trung Quốc bị tố hướng hệ thống kiểm soát pháo nhằm vào khinh hạm BRP Conrado Yap của Philippines. Ảnh: AP

Tàu cá nước khác cũng là nạn nhân

Vụ việc mà Philippines muốn nhắc đến diễn ra vào tháng 6/2019 tại Bãi Cỏ Rong khi tàu cá mang số hiệu F/B GIMVER1 của Philippines với 22 ngư dân trên tàu cũng đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Rất may, những thuyền viên này sau đó được một tàu cá Việt Nam gần đó phát hiện và giải cứu.

Tuy nhiên, vụ việc nói trên chỉ dừng lại ở đó. Đến tháng 9/2019, Trung Quốc lại triển khai một nhóm tàu áp sát khu vực bãi cạn Scarborough của Philippines nhằm thể hiện quyền kiểm soát [phi pháp – PV] đối với bãi cạn này bất chấp sự phản đối quyết liệt của phía Philippines. Hành động sai trái này của phía Trung Quốc một lần nữa khiến tình hình Biển Đông càng thêm phức tạp và làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Cũng trong khoảng thời gian đó và vài tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã cho triển khai hàng trăm tàu cá – bị nghi ngờ là các tàu dân quân biển nguỵ trang – có sự bảo vệ của các tàu Hải cảnh Trung Quốc xuất hiện quanh nhiều quần đảo và khu vực tiền đồn của Philippines ở Biển Đông và tiến hành các hoạt động đánh cá phi pháp trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Mới đây nhất, hồi tháng 2/2020, một chiếc tàu chiến Trung Quốc bị cáo buộc có hành động thù địch và vi phạm luật quốc tế khi khinh hạm 514 của Trung Quốc hướng hệ thống kiểm soát pháo nhằm vào khinh hạm BRP Conrado Yap đang tiến hành tuần tra ở Biển Đông.

Malaysia cũng từng là nạn nhân từ các hành động gây hấn của tàu Trung Quốc. Hồi tháng 4 vừa qua, tàu thăm dò Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc đã di chuyển tới khu vực phía nam Biển Đông, bám sát tàu thăm dò West Capella do công ty dầu khí Petronas của Malaysia thuê. Vào thời điểm đó, tàu Trung Quốc có lúc được tới 10 tàu hải cảnh và lực lượng dân binh hộ tống.

Trước đó, vào tháng 12/2019, Indonesia cũng đã lên tiếng cố cáo 50 tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của hai tàu hải cảnh cỡ lớn đã xâm nhập, hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna ở nam Biển Đông buộc Indonesia phải triển khai  8 chiến hạm cùng nhiều tiêm kích F-16 đến khu vực này để “tuần tra và bảo đảm an ninh”.

Những hành vi gây hấn đáng lên án của tàu Trung Quốc ở Biển Đông
Cùng với việc ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Nam Sa” và “khu Tây Sa” trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc cũng đã công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể mới ở Biển Đông. Ảnh: AFP

Có thể nói, những hành vi gây hấn nói trên của Trung Quốc đã diễn ra với cường độ và tần suất ngày một dày hơn trong thời gian qua. Cùng với việc ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Nam Sa” và “khu Tây Sa” trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đây được cho là những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc nhằm hiện thực hoá tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này.

Theo các chuyên gia trong khu vực, để ngăn chặn các hành vi sai trái của Trung Quốc tiếp diễn, Việt Nam, Philippines và Malaysia – 3 nước vốn chịu nhiều tác động nhất từ các hành vi sai trái của Trung Quốc – cần tiếp tục duy trì các biện pháp pháp lý và ngoại giao cứng rắn hơn nữa./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây