Hoạ sĩ Đỗ Đức trưng bày các bức tranh sơn mài khổ lớn ông vẽ trang phục các dân tộc miền núi. Đây là điều một hoạ sĩ cả đời gắn bó với đời sống văn hoá vùng cao dành nhiều tâm huyết.
Theo Đỗ Đức, ý tưởng ghi chép lại trang phục các dân tộc đến với ông đã lâu, nhưng do hoàn cảnh, ông chưa thực hiện được ngay. Ông cho biết, từ năm 1978, tại Thái Nguyên có hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số toàn miền Bắc. Tham dự hội diễn, ông thấy những bộ sắc phục lạ của người Pa Dí, Xá Phó, Lô Lô, Khơ Mú… đẹp lạ thường, khác với trang phục Tày Nùng, Thái, hay Mông, Dao mà ông biết trước đó.
Bắt tay vào thực hiện ý tưởng ấy, Đỗ Đức gặp nhiều khó khăn. Khi đó, ông chưa có máy ảnh, mọi ghi chép phải dùng tay. Những chuyến đi công tác miền núi, ông thu thập tư liệu bằng ký họa. Hoạ sĩ cần cù ghi chép qua từng chuyến đi.
Cùng với việc ký hoạ, Đỗ Đức tìm hiểu về nguồn gốc từng bộ trang phục, những câu chuyện, cả những truyền thuyết liên quan, như về những họa tiết trên chiếc khăn trắng của người Dao tiền, hay nguyên nhân có hàng trăm miếng vải trên váy áo người Pu Péo, hay vì sao người Dao quần cộc Quảng Ninh lại không giống các nhánh Dao khác… Ông hiểu, mỗi bộ trang phục đều có nguồn gốc, cần hiểu cặn kẽ những nguồn gốc ấy.
Tìm hiểu thực tế, hoạ sĩ nhận thấy, nước ta có 54 dân tộc nhưng sự phong phú của các trang phục nhiều hơn thế. Chẳng hạn, dân tộc Dao với 12 nhánh, thì có 12 bộ sắc phục khác nhau. Trong cộng đồng người Mông đen, thì Mông đen Quỳ Hợp Nghệ An khác với Mông đen Sơn La và Mông đen Sa Pa.
Cũng như vậy, Nùng Xuồng, Nùng U Hà Giang có trang phục khác Nùng An Cao Bằng, khác Nùng Cháo Lạng Sơn, khác Nùng Phàn Slình ở Chi Lăng. Theo ông, nếu thể hiện đủ thì trên toàn quốc phải có trên 120 bộ sắc phục khác nhau của các nhánh trong các dân tộc. Ông lặng lẽ thực hiện các ghi chép trang phục của mình.
Lúc đầu ông vẽ bằng màu nước từng bộ một trên giấy croki. Sau ông chuyển sang vẽ từng nhóm 5 bộ trang phục một. Ông vẽ được 13 tranh với 64 bộ trang phục thì vì những lý do khác nhau, công việc dừng lại. Năm 2009, mười một tranh về các trang phục này đã được trưng bày ở trung tâm văn hóa Việt Nam tại Paris. Người xem tranh ở Pháp khi ấy đã rất ấn tượng với sự phong phú về vẻ đẹp của các bộ trang phục. Từ tranh giấy, gần đây hoạ sĩ chuyển sang chất liệu sơn mài để bảo đảm độ bền lâu hơn, giữ lại hình ảnh của những bộ trang phục này.
Hoạ sĩ tâm sự: Tôi đang cố gắng tìm lại cảm hứng để vẽ thêm các bộ trang phục còn lại… Bởi vì, tôi nhận ra, đằng sau các hoa văn trên các loại trang phục ấy là bầu trời văn hóa của một dân tộc, là những tầng văn hóa tích lũy trong nhiều thế hệ!
Nguồn: Báo Tin tức