Trang chủ Chính trị Thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân:...

Thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân: Khó khả thi!

154
0

Sau hơn 4 năm triển khai Luật căn cước công dân, đến nay Việt Nam mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) chiều nay (16/6), vấn đề thay đổi sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Định danh cá nhân thay sổ hộ khẩu: Khó khả thi!

Theo đại biểu Ngàn Phương Loan, đoàn Lạng Sơn, nếu Luật Cư trú (sửa đổi) được thông qua thì sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021. Lộ trình dự kiến đến tháng 12/2020, toàn bộ công dân Việt Nam sẽ được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai Luật căn cước công dân đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.

Thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân: Khó khả thi!
Đại biểu Ngàn Phương Loan, đoàn Lạng Sơn (Ảnh: Quốc hội)

“Như vậy, từ nay đến thời gian luật có hiệu lực không còn dài, cùng với những yêu cầu và khó khăn của công tác này đã được chỉ ra trong các báo cáo của Bộ Công an và Báo cáo thẩm tra. Tôi đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính khả thi của việc cấp sổ số định danh cá nhân theo lộ trình, để khi luật có hiệu lực thi hành thì bảo đảm luật được tổ chức triển khai trong cuộc sống”, đại biểu Ngàn Phương Loan nêu ý kiến.

Đại biểu Ngàn Phương Loan cũng cho rằng cần điều khoản chuyển tiếp đối với một số vùng đặc thù có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các quy định mới như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn đặc biệt khó khăn…

Đối với những vùng này, việc chuyển đổi từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân có thể cần nhiều thời gian hơn bởi các lý do đặc thù như người dân sinh sống phân tán, khả năng tiếp cận thông tin hạn chế… có thể ảnh hưởng tới quá trình cập nhật thông tin về cư trú và cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong khi đó phần lớn các giao dịch dân sự hiện nay đang được thực hiện đều lấy thông tin từ sổ hộ khẩu.

“Tôi đề nghị nghiên cứu thêm về điều khoản chuyển tiếp có lộ trình thời gian phù hợp đối với các vùng này để tránh gây xáo trộn khó khăn cho các tổ chức, cá nhân”, đại biểu đoàn Lạng Sơn kiến nghị.

Đảm bảo bí mật thông tin cá nhân khi chuyển đổi phương thức quản lý

Đồng quan điểm, đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn Bắc Giang cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của quy định thay đổi sổ hộ khẩu bằng số định danh cá nhân.

Thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân: Khó khả thi!
Đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn Bắc Giang (Ảnh: Quốc hội)

Mặt khác, trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc phải xử lý một khối lượng thông tin rất lớn cũng khó đảm bảo sự chính xác tuyệt đối thông tin của từng cá nhân, dẫn đến phát sinh khó khăn cho người dân khi thực hiện các giao dịch với cơ quan, tổ chức việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cơ quan, tổ chức cũng như có thể gặp khó khăn nếu xảy ra sự cố về hệ thống máy tính, đường truyền.

Đại biểu Triệu Thị Huyền, đoàn Yên Bái lại quan tâm đến việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý dân cư.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu bổ sung thêm một khoản trong điều cấm, đó là cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để khai thác thông tin tiết lộ bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú trái quy định của pháp luật”, đại biểu Triệu Thị Huyền nói./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây