Trang chủ Luận bàn - Phản biện Chúng ta đã làm gì để ngăn Trung Quốc lập ADIZ trên...

Chúng ta đã làm gì để ngăn Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông?

183
0

Trong bối cảnh quốc tế vừa trải qua dịch Covid-19, nước Mỹ đang biểu tình, bạo loạn, tình hình Đài Loan, Hồng Kông phức tạp thì Trung Quốc cũng không quên thực hiện những hành vi leo thang căng thẳng trên biển Đông. Đặc biệt, những ngày gần đây xuất hiện thông tin Trung Quốc đã lên kế hoạch lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam từ 2010 và “chỉ chờ cơ hội tuyên bố”. Nhưng liệu Trung Quốc có thực hiện được mưu đồ của mình?

Chúng ta đã làm gì để ngăn Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông?
Thượng cờ trên biển đảo Hoàng Sa.

Xưa nay, mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc đã được thể hiện rõ nét qua yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” và “Tứ Sa”. Có vẻ như những yêu sách đuối lý này không thể giúp Trung Quốc đạt được dã tâm của mình nên đất nước này đang suy tính một nước đi khác ngông cuồng và ngang ngược hơn trước. Từ đầu năm 2020 đến nay, truyền thông Trung Quốc liên tục úp mở thông tin, đồng thời xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng Bắc Kinh sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại khu vực Biển Đông. Tuy chưa có hành động chính thức nhưng những thông tin trên có thể nằm trong chiến thuật “ném đá dò đường”, tạo ra sự mơ hồ như một sự đe dọa lơ lửng với các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Chúng ta đã làm gì để ngăn Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông?
Vùng nhận dạng trên không (ADIZ) của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã tuyên bố.

Điều Việt Nam quan tâm nhất đó là ADIZ có thể lập trên vùng trời bao phủ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển xung quanh thuộc chủ quyền của Việt Nam, chưa kể nó có thể lập trên vùng trời “đường lưỡi bò” theo như Trung Quốc đã đơn phương áp đặt bấy lâu nay. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích mà còn xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam một cách trắng trợn.

Tuy nhiên, thay vì lo sợ hoặc kêu ca trên truyền thông, Việt Nam chọn cách bình thản tiếp nhận thông tin và âm thầm củng cố sức mạnh kinh tế, an ninh quốc phòng và thu hút đầu tư, chuẩn bị những “vũ khí” chiến lược để đủ sức ứng phó với Trung Quốc trong mọi tình huống. Về kinh tế, Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cùng với sự sửa đổi bổ sung Luật đầu tư đã góp phần giúp Việt Nam trở thành “nam châm” hút vốn đầu tư nước ngoài cực lớn trong những năm qua. Đặc biệt sau thành công chiến thắng dịch Covid-19 một cách ấn tượng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang rút ra khỏi Trung Quốc, di dời một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam và tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam.

Chúng ta đã làm gì để ngăn Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông?
Trung Quốc triển khai tên lửa đối không và cơ sở để máy bay chiến đấu hoạt động ở các đảo, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Châu Á. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Rõ thấy Việt Nam như một “con rồng” của Châu Á đang nỗ lực bay lên bằng chính sức mạnh của mình. Đây là một trong những nhân tố cốt lõi để giữ vững chủ quyền quốc gia. Bởi lẽ, giữ vững chủ quyền quốc gia không phải chỉ là giữ gìn độc lập, an ninh, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển mà còn là chủ quyền chính trị, chủ quyền kinh tế. Khi ta độc lập tự chủ kinh tế, xây dựng được sức mạnh kinh tế như Mỹ thì thật khó để Trung Quốc dám xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta nữa.

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Biển Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp lý đồng bộ, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước.

Chúng ta đã làm gì để ngăn Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông?
Nhà giàn DK1-21 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Ông bà ta có câu “trong ấm, ngoài êm”, đây không chỉ là bài học sâu sắc về đối nhân xử thế trong mỗi gia đình mà còn cả quốc gia. Trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, “biển yên” thì “bờ ấm”, bảo vệ được bình yên biển, đảo thì trong nước mới ổn định, phát triển. Ngược lại, “trong bờ có ấm, ngoài biển mới yên”, đất nước có ổn định, phát triển mới tạo ra thế và lực để bảo vệ biển, đảo. Vậy nên, Việt Nam luôn có sự sự đồng thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thật tuyệt vời khi trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, nhân dân cả nước vẫn luôn chung sức đồng lòng, ủng hộ chính quyền tạo nên “thế trận lòng dân” đập tan rất nhiều mưu đồ của Trung Quốc. Còn ở ngoài biển hiện nay, mỗi người dân với con thuyền mang Quốc kỳ Việt Nam chính là những cột mốc sống về chủ quyền biển đảo.

Về sức mạnh an ninh quốc phòng, bên cạnh những chiến thuật quân sự, những đợt diễn tập thực chiến thì Việt Nam cũng không ngừng cải tiến thiết bị, tân trang vũ khí chiến đấu. Đó là những đơn hàng mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga, 4 chiếc tàu hộ vệ tên lửa Gepard tối tân, tàu tuần tra cỡ lớn của Mỹ. Không chỉ mua mà chúng ta còn tự sản xuất vũ khí cho chính mình. Cách đây vài tháng, Việt Nam cũng đã công khai tên lửa đạn đạo Scud mạnh nhất Đông Nam Á.

Chúng ta đã làm gì để ngăn Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông?
Đối thoại chính sách quốc phòng Việt – Mỹ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nhưng cũng hết sức khôn ngoan biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, tăng cường hợp tác quốc tế an ninh quốc phòng biển đảo thông qua các của Đối thoại chính sách quốc phòng giữa Việt Nam với Mỹ, Anh, Nga, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore,… Điểm chung của hầu hết các cuộc đối thoại song phương trong bối cảnh Trung Quốc có khả năng lập ADIZ là đều chú trọng đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, nâng cao năng lực hoạt động trên biển, tập trận hải quân, thỏa thuận hợp tác bảo vệ bờ biển và thảo luận về việc chuyển giao nhiều hơn các thiết bị quốc phòng. Năm 2019, Việt Nam đã tham gia cuộc diễn tập hàng hải với ASEAN và Mỹ tại vịnh Thái Lan và phát biểu chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vấn đề an ninh biển đảo hòa bình tại Đối thoại Shangri-La (Singapore).  Đây được xem là những nỗ lực tích cực nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu hợp tác, bảo vệ hòa bình, ổn định biển Đông của Việt Nam và cũng là để tạo vị thế cho mình trong “cuộc chiến” bảo vệ chủ quyền biển đảo trước Trung Quốc.

Chúng ta đã làm gì để ngăn Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông?
Lễ khai mạc cuộc diễn tập AUMX diễn ra tại Thái Lan ngày 2/9/2019.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quốc phòng với EU thông qua Hiệp định FPA và được EU lựa chọn quốc gia thử nghiệm trong Chiến lược Tăng cường hợp tác an ninh phòng thủ của EU tại châu Á. Từ đây, EU cũng kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982. EU ủng hộ việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) một cách minh bạch, đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực và các nước đối tác.

Việt Nam xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, không thể nóng vội, vì thế chúng ta vẫn luôn kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên với thông tin Trung Quốc có thể thiết lập ADIZ trên biển Đông thì Việt Nam và các nước liên quan hoàn toàn có thể khởi động các tiến trình phân xử theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với Điều 58 về các quyền và các nghĩa vụ của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền về kinh tế và Điều 87 về Tự do biển cả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn rằng: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Những lời dạy đó luôn nhắc nhở chúng ta ghi nhớ, trong khi đẩy mạnh phát triển kinh tế, không được một giây phút lơ là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Còn nếu Trung Quốc áp đặt ADIZ thì sẽ có nguy cơ đối mặt với hàng loạt thách thức, lợi bất cập hại bởi lẽ sự ổn định của biển Đông là một phần không thể tách rời đối với lợi ích quốc gia của nhiều nước trong và ngoài khu vực.

Đặng Trường 
.


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây