187 người làm báo tiêu biểu thuộc các cơ quan báo chí trên toàn quốc đã được vinh danh, tuyên dương nhân kỷ niệm 95 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Sáng 13/6, nhân kỷ niệm 95 Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2020), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu”.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước… cùng sự có mặt của các nhà báo lão thành và 187 người làm báo tiêu biểu ở các cơ quan báo chí trên toàn quốc.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, 95 năm qua, kể từ ngày Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng, nhân dân vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.
Từ những ngày đầu còn non trẻ, báo chí đã khẳng định tính cách mạng, là thông tin chủ lực, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin đến các tầng lớp nhân dân. Báo chí không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và đã trở thành “vũ khí sắc bén” của Đảng.
Nhiều tác phẩm báo chí đã thật sự là “lời hịch cách mạng, tiếng gọi non sông”, thúc giục đồng bào cả nước đoàn kết, đứng lên xóa bỏ xiềng xích nô lệ, đấu tranh giành chính quyền làm nên thắng lợi Cách mạng tháng 8/1945, và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới.
Trong thời kỉ đổi mới hơn 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực đi đầu trong định hướng dư luận xã hội. Chất lượng các ấn phẩm đã đạt chuyển biến tích cực, chất lượng chính trị, văn hóa, tính định hướng ngày càng được nâng cáo.
Đội ngũ người làm báo tăng nhanh, trình độ nghiệp vụ từng bước nâng lên, làm chủ công nghệ báo chí hiện đại
Phát huy truyền thống đã đạt được, báo chí phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, tích cực tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…
Phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới điển hình, tiên tiến; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái âm mưu của thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực… báo chí là cầu nối hữu hiệu của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân…
“95 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam là truyền thống, là niềm tự hào lớn lao của giới báo chí trong cả nước, của công chúng và nhân dân” – ông Hùng khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết, đất nước bước vào thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta tự hào có nhiều nhà báo bằng tâm huyết, trí tuệ và tấm lòng cao cả, đầy trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc đã dày công nghiên cứu, tìm tòi trong thực tiễn để có những tác phẩm báo chí có giá trị cao, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc kinh tế – xã hội…
Học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là phong cách làm báo Hồ Chí Minh, tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo hôm nay đã và đang phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ xông pha nơi “đầu sóng, ngọn gió”, tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo; đưa tin về các sự kiện nóng; bền bỉ tổ chức các tuyến bài điều tra về ác vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực…
Theo ông Vượng, bối cảnh hiện tại đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Để báo chí hoàn thành tốt “sứ mệnh lịch sử” của mình, đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các cơ quan báo chí đặc biệt là mỗi nhà báo hãy học và noi gương Bác Hồ – một nhà báo lớn về phong cách và đạo đức làm báo.
“Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng” – ông Vượng nhấn mạnh.
Đồng thời, với lực lượng lớn mạnh, báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch.
Các nhà báo cần không ngừng học, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp… gây ảnh hưởng tới niềm tin, hoài nghi về đội ngũ người làm báo.
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ sở đào tạo báo chí cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ người làm báo.
Đồng thời, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời và thuyết phục.
Quan tâm, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo bảo đảm điều kiện làm việc, thu nhập để yên tâm làm báo…
Nguyễn Trường/DT
Nguồn: Cánh cò