Trang chủ Tin tức Hội thảo khoa học 'Nhận diện toàn cảnh Kinh đô Huế ở...

Hội thảo khoa học 'Nhận diện toàn cảnh Kinh đô Huế ở thế kỷ XIX'

0
0

Ngày 10/6, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh đô Huế thế kỷ XIX”.

Hội thảo khoa học 'Nhận diện toàn cảnh Kinh đô Huế ở thế kỷ XIX'Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế phát biểu tại hội thảo. 

Hội thảo đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu mới về giá trị di sản Cố đô Huế thời cực thịnh trên nhiều mặt về kiến trúc, cảnh quan; chính trị, quân sự; văn hóa, xã hội qua đó góp phần nhận diện toàn cảnh Kinh đô Huế vào thế kỷ XIX.

Tại Hội thảo, có 21 tham luận của các nhà nghiên cứu được trình bày, đề cập tới nhiều lĩnh vực. Các tham luận tiêu biểu như: Diện mạo đô thị Huế nửa đầu thế XIX, Bộ Công triều Nguyễn với công cuộc xây dựng Kinh đô Huế; Phòng thủ Kinh đô Huế dưới triều Nguyễn; Quyền lực của Hoàng đế triều Nguyễn; Tinh hoa Đông y Huế thế kỷ XIX, kế thừa truyền thống và phát triển; Một số phương pháp trong tuyển chọn, quản lý và sử dụng quan lại của vua Minh Mạng…

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhận định, Kinh đô Huế thế kỷ XIX là nơi quy tụ tinh hoa của đất nước sau khi bờ cõi và chính quyền được thống nhất. Nơi đây đã thể hiện mạnh mẽ quyền lực quốc gia trên các phương diện quản lý bộ máy nhà nước, lãnh thổ, biển đảo, dân cư… Kinh đô Huế thế kỷ XIX cũng là nơi được xây dựng nhiều công trình kiến trúc mang tầm quốc gia và tiếp thu nhiều thành tựu về kiến trúc thành lũy, cung điện của thế giới.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế, Kinh đô Huế thế kỷ XIX là nơi quy tụ đỉnh cao quyền lực của nền quân chủ Việt Nam. Triều Nguyễn đã kế thừa Đô thành Phú Xuân vào thời điểm các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và mở rộng toàn cõi Đàng Trong vào năm 1757. Vua Gia Long xây dựng Kinh đô Huế cũng dựa trên thành quả của vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn xóa bỏ Đàng Trong – Đàng Ngoài vào mùa hè năm 1786 và đánh bại quân xâm lược nhà Thanh vào đầu năm 1789. Luật pháp của triều Nguyễn trong thế kỷ XIX rất nghiêm khắc, chặt chẽ, đã hỗ trợ đắc lực cho Hoàng đế thực hiện một nền quân chủ độc tôn. Ngoài pháp trị làm chuẩn mực để quản lý xã hội theo phép nước, các vị vua nhà Nguyễn rất đề cao đức trị, lấy giáo hóa để cảm hóa dân chúng, lấy nhân tâm để thu phục mọi người, lấy chính đạo để chinh phục bá đạo.

Tiến sĩ Ngô Đức Lập – Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) chia sẻ, các triều đại quân chủ Việt Nam trước đó, đội ngũ quan lại cao cấp chủ yếu được lựa chọn từ những người thuộc dòng dõi hoàng tộc. Đối với triều Nguyễn nói chung, đặc biệt dưới thời vua Gia Long và vua Minh Mạng, chính sách tuyển dụng quan lại vẫn thiên về cách chọn người tài hơn, đó là điểm tích cực của vương triều này. Vua Minh Mạng (1791-1841) là vị vua đầu tiên đã xây dựng chế độ khoa cử chặt chẽ để tuyển lựa được người tài ra giúp nước. Trong 20 năm trị vì, vua Minh Mạng đã tổ chức được 7 kỳ thi Hương, 6 kỳ thi Hội và 6 kỳ thi Đình. Ngoài ra, với mong muốn không còn người tài “sót lại trong dân gian”, vua Minh Mạng từng hạ lệnh cho các quan văn, võ trong Kinh thành, ngoài tỉnh tiến cử người có thực tài để dùng, không kể người nghèo hèn hay gia thế…

Hội thảo khoa học 'Nhận diện toàn cảnh Kinh đô Huế ở thế kỷ XIX'Quang cảnh hội thảo. 

Nghiên cứu về diện mạo đô thị Huế nửa đầu thế kỷ XIX, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng – Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) cho rằng, kinh tế hàng hóa đô thị Huế trong giai đoạn này không phát triển như đô thị Thăng Long, Sài Gòn. Tuy nhiên, về mặt quy hoạch đô thị, Kinh thành Huế bề thế như một “bài thơ đô thị tuyệt tác”, tiêu biểu bậc nhất cho một thành thị Việt Nam vào cuối thời trung đại.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Thiên Định cho biết, di sản Kinh đô Huế đã trở thành di sản văn hóa thế giới bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể, ký ức. Nghiên cứu để làm sáng tỏ diện mạo, đặc điểm, vị thế của Kinh đô Huế trong thế kỷ XIX, giai đoạn cực thịnh của triều Nguyễn có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh tỉnh Thừa Thiên – Huế đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây