Trang chủ Chính trị Lấy ý kiến cử tri thành lập Thành phố Phú Quốc

Lấy ý kiến cử tri thành lập Thành phố Phú Quốc

151
0

Sáng 9-6, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, chính quyền huyện đảo đang cùng các sở, ngành của tỉnh khẩn trương thực hiện các thủ tục để thành lập thành phố Phú Quốc, trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Lấy ý kiến cử tri thành lập Thành phố Phú Quốc
Một góc huyện đảo Phú Quốc.

Theo đó, đang triển khai lấy ý kiến của cử tri (theo quy định) đóng góp cho Đề án thành lập TP Phú Quốc và thành lập các phường thuộc TP Phú Quốc. Việc lấy ý kiến cử tri thông qua cổng thông tin điện tử Phú Quốc (phuquoc.kiengiang.gov.vn) và Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang (kiengiang.gov.vn); thời gian lấy ý kiến 30 ngày.

Theo ông Mai Văn Huỳnh, đến thời điểm hiện tại, Phú Quốc đã hội đủ điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Theo đó, từ năm 2004, Kiên Giang đã có định hướng phát triển đảo Phú Quốc trở thành thành phố, đồng thời hướng xây dựng Phú Quốc trở thành khu hành chính – kinh tế đặc biệt. Và đến cuối năm 2014, Phú Quốc cơ bản đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là đô thị loại 2.

Thời gian qua, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và tốc độ đô thị hóa của Phú Quốc quá nhanh nên đã nảy sinh nhiều vấn đề về: Giáo dục, y tế, thương mại, du lịch, nhân khẩu, an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội… mà chính quyền phải tập trung giải quyết, nhưng với một chính quyền cấp huyện thì nhiều việc đã trở nên quá tải. Vì vậy, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường trực thuộc sẽ tạo điều kiện cho Phú Quốc phát huy tốt hơn tiềm năng và lợi thế sẵn có.

Ngoài ra, việc thành lập TP Phú Quốc còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chính trị, quốc phòng, an ninh nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo, tạo nên vị thế vững chắc của Việt Nam. Mặt khác, việc thành lập thành phố sẽ tạo sức hấp dẫn đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội cho Phú Quốc và cả tỉnh Kiên Giang.

Lấy ý kiến cử tri thành lập Thành phố Phú Quốc
Bãi biển ở trung tâm thị trấn Dương Đông, đảo Phú Quốc – Ảnh: K.NAM

Theo dự thảo Đề án thành lập TP Phú Quốc có diện tích tự nhiên là 575,29 km2, quy mô dân số là 177.540 người (giảm về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Thổ Châu) với tám đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Hai phường (Dương Đông, An Thới) và sáu xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn).

Phân khu đô thị Dương Đông rộng 2.518,9 ha được xác định là đô thị trung tâm của đảo Phú Quốc. Dự kiến, đến năm 2030 đô thị Dương Đông sẽ có dân số 240.000 người, trong đó dân di cư từ đất liền ra khoảng 183.000 người, khách du lịch lưu trú khoảng 12.000 người. Đô thị Dương Đông được quy hoạch phát triển với ý tưởng là đô thị năng động và ấn tượng; là cửa ngõ giao lưu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của toàn đảo.

Toàn bộ đô thị xã Dương Đông sẽ được chia thành sáu phân khu đặc trưng là: Khu vực trung tâm đô thị rộng 467,4 ha, khu vực cửa ngõ ven hồ Dương Đông rộng 387 ha, khu vực ven biển Tây Bắc rộng 522,2 ha, khu vực ven biển Tây Nam rộng 400,1 ha, khu vực ven biển Đông Bắc rộng 513,4 ha và khu vực ven biển Đông Nam rộng 228,8 ha.

Còn phân khu đô thị An Thới rộng 1.022 ha được định hướng trở thành đô thị cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật và trung tâm tiếp vận phi thuế quan, đồng thời là trung tâm thương mại, du lịch; các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hóa, di tích lịch sử gắn với truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Dự báo đến năm 2030, đô thị An Thới sẽ có trên 70 nghìn dân.

Đô thị An Thới cũng được chia thành sáu phân khu chức năng gồm: Cảng hành khách, khu đô thị mới phía nam với nhiều dự án hỗn hợp dọc trục chính nam – bắc đảo, khu đô thị mới phía bắc, khu resort dạng trải nghiệm phức hợp, khu cảng vận tải hàng hóa và khu quy hoạch phát triển hiện hữu.

VIỆT TIẾN/ND


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây