Bức thư được Nguyễn Thúy Hạnh truyền tải trên Fb cá nhân hôm 6/6 vừa qua.
Lá thư của bà Nghiêm trên Fb của Nguyễn Thuý Hạnh (Nguồn: FB).
Mở đầu bức thư bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ ông Phạm Thành kể khá nhiều tới những điều mà ông nhà văn này đã làm được cho gia đình, người thân từ sau khi ông này “nghỉ hưu bắt buộc”. Xin được trích nguyên để thấy rằng: Bên cạnh con người chống đối có hạng thì với gia đình Phạm Thành – Bà Đầm Xoè là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình: “Em nhớ và thương anh vô cùng!
Nửa tháng nay em suy sụp tinh thần, nhớ đến anh mà nước mắt cứ chảy ra. Nghĩ thương và lo cho sức khỏe của anh rất nhiều.
Cả cuộc đời mình anh chưa bao giờ mua những món đồ đắt tiền, ăn uống ở những nhà hàng sang trọng mà chỉ cố gắng để chăm lo cho vợ con, cho gia đình được đầy đủ. Từ ngày về hưu, anh có thêm niềm vui chăm lo cây cối, vườn tược. Anh bảo, tự trồng rau, trồng cây ra quả để cho gia đình được ăn đồ sạch.
Mọi đồ đạc trong nhà anh đều tỉ mẩn, tìm tòi tự sửa chữa từ cái bóng đèn cho đến cái quạt, cái bàn của con gái… Ở nhà vợ nấu gì ăn nấy, anh chưa bao giờ đòi hỏi phải có món nọ, món kia. Đôi khi chỉ cần hộp lạc rang, đĩa đậu phụ và chén rượu là anh đã thỏa mãn rồi.
Hồi còn ở nhà, ngày nào anh cũng làm việc đến tận trưa muộn, đến tối mịt. Có lần đọc được anh viết rằng: “Ăn cơm của ai? Uống rượu của ai? – Ăn cơm của vợ, uống rượu của vợ, không một đồng nhuận bút, không một đồng tài trợ” mà tôi không cầm được nước mắt”.
Nhưng rồi mọi thứ đã bị xoá nhoà khi bà Nghiêm nhắc đến và cho rằng: “Anh là người yêu nước và thương cho dân tộc. Anh luôn trăn trở, luôn nghĩ phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một người dân Việt Nam. Tôi từng hỏi anh rằng: “Anh chỉ là một người dân chứ có phải lãnh đạo cấp cao đâu mà trăn trở?”. Nhưng anh vẫn thực hiện những gì lương tâm bảo anh phải làm, bởi vì anh luôn mong muốn điều tốt đẹp đến với đất nước này”. Bà này cũng đặt ra câu hỏi: “Cả cuộc đời, anh không tham ô, không trục lợi, không cướp bóc, không chống đối chính quyền. Vì sao anh lại bị bắt, tôi không hiểu?” trong khi vẫn hiểu rằng: “Thương anh lắm, ở tuổi đáng lẽ phải được vui vầy bên gia đình, vợ con thì anh phải chịu khổ. Chỉ mong anh hãy cố gắng, mạnh mẽ và giữ gìn sức khỏe để vượt qua”.
Và không quên bộc bạch lí do có bức thư này: “Tôi viết lên những tâm sự của mình, mong những bạn bè, chiến hữu gần xa, các báo đài trong nước và quốc tế hãy lên tiếng đòi tự do cho chồng tôi sớm trở về với gia đình. Chồng tôi không có tội!”.
Tất cả không hề có một chút dấu diếm gì. Rõ ràng đến từng chi tiết. Nhưng nó khiến cho lá thư, cái cách diễn đạt của bà này không có nhiều chuyện để nói. Bởi lẽ:
– Không hề có người thân nào, nhất là người vợ khi chồng mình vào tù mà không cho rằng, chồng mình có tội. Vấn đề lúc này không còn là nhận thức luận lí tính mà đơn thuần đó là vấn đề tình cảm đạo đức và trách nhiệm. Bà Nghiêm không thể nói khác và chính điều đó khiến nhiều người khi tiếp cận lá thư chỉ nghĩ được rằng, đó đơn thuần là tiếng khóc thương cảm của một người vợ khi chồng mình vướng vào vòng lao lí.
– Bà Nghiêm cũng cho thấy bà không hoàn toàn hiểu hết những chuyện chồng làm nên dẫn đến những tiếng kêu than vô hồn, bà cũng không có lấy bất cứ chứng cứ, tài liệu chứng minh được hành vi của chồng mình là yêu nước chứ không phải là chống đối nhà nước. Với những thông tin bước đầu về vụ việc thì bà Nghiêm đã nói đúng là “cả cuộc đời, anh không tham ô, không trục lợi, không cướp bóc” nhưng “không chống đối chính quyền” thì xem chừng đó là cách nói võ đoán, thiếu thực tế….
P/s: Thông thường, sau mỗi vụ bắt bớ những tiếng nói thế này được dẫn về để phản tính, để tố cáo giới chức nhà nước – thực thi pháp luật. Nhưng với những điều được bà Nghiêm nói ra trong lá thư của mình thì nó cơ bản đã trở nên vô nghĩa và không có nhiều chuyện để nói!
An Chiến
Nguồn: Việt Nam mới