Đã hơn 4 năm “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, di sản này đã khẳng định sức sống bền vững, có sức lan tỏa mạnh thông qua nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không tránh khỏi những bất cập khi không ít các thanh đồng, cung văn đang tận dụng tín ngưỡng để thực hiện mục đích cá nhân. Điều này đang đặt ra vấn đề nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và những người tham gia thực hành di sản nhằm bảo tồn ý nghĩa, giá trị tốt đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Còn đó những bất cập
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có hơn 2.000 địa điểm, di tích thờ Mẫu, trong đó có 4 phủ, 210 đền, 892 điện, 33 miếu và số còn lại là điện tư nhân. Đáng nói, số lượng thuộc sở hữu tư nhân tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, nhất là khi Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo nhiều nhà nghiên cứu, người muốn trở thành đồng thầy phải trải qua 12 năm tu dưỡng mới được “đẻ đồng”, nhưng không ít người mới “thử đồng” được 3 năm, thậm chí 1 năm đã tự phong cho mình là đồng thầy. Cũng từ đó, nhiều đồng thầy coi việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu như một nghề, lợi dụng vào lòng tin của mọi người để thu lợi cá nhân. Đó là việc tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan như xem bói, phán truyền, dọa nạt con nhang, đệ tử sắm nhiều lễ vật dâng cúng, rải nhiều tiền để được nhận lộc. Thời xưa, các cụ không phán truyền nhiều, nội dung lời truyền tế nhị hoa mỹ cầu mong quốc thái dân an, nhưng nay một số thanh đồng truyền phán với nội dung dọa nạt, mang tính trần tục quá nhiều làm ảnh hướng tới tâm lý của những người xung quanh.
Nhiều nhà nghiên cứu cho biết: Trước đây, khi nghi lễ này còn “sạch”, lễ vật hầu đồng là tùy tâm, nay tiền sắm lễ vật, tiền phát lộc mỗi giá đồng rất lớn, khiến cho màn phát lộc trở thành tâm điểm của các giá đồng. Người ta chen lấn để giành cho được tiền lộc từ các ông đồng, bà đồng. Trên thực tế, nhiều nghi lễ hầu đồng hiện nay đã biến tướng, thậm chí bị vật chất hóa từ đầu đến cuối. Một căn bệnh khác của các thanh đồng là luôn lấy mình làm tiêu chuẩn soi chiếu, coi mình là nhất, cái “tôi” quá lớn.
Bên cạnh những hiện tượng trên, một số nhà nghiên cứu văn hóa, chỉ ra một thực tế tồn tại lâu nay kể từ khi di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được vinh danh. Đó là tình trạng loạn danh hiệu, loạn hình thức tôn vinh. Nhiều đơn vị không hề có chuyên môn hay hoạt động nghiên cứu liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn tự tổ chức các chương trình vinh danh, liên hoan. Đặc biệt, gây bức xúc trong dư luận xã hội là hiện tượng loạn bằng chứng nhận, loạn nghệ nhân.
Nhà nghiên cứu Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, một phần nguyên nhân là hoạt động thờ Mẫu sau khi được ghi nhận đã phát triển quá nhanh nhưng công tác quản lý chưa có sự chuyển biến kịp thời để thích ứng. Bên cạnh đó, một lý do khác khiến hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu bị biến tướng, sai lệch nằm ở chính ý thức thực hành của các thanh đồng, bản đền, bản phủ. Vì thế, việc chấn chỉnh cách thực hành nghi lễ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm ngăn chặn sự biến tướng trong quá trình thực hành di sản lúc này là vô cùng cần thiết.
Gìn giữ Tín ngưỡng thờ Mẫu
Trước những bất cập trong hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay, hơn lúc nào hết, Hà Nội nói riêng, các địa phương có hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu cần có những giải pháp quản lý di sản tốt hơn. Trên góc độ quản lý nhà nước, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có thể phối hợp cùng các cơ quan liên quan tiến hành nghiên cứu toàn diện về Tín ngưỡng thờ Mẫu, để từ đó có những hướng quản lý hiệu quả. Tiếp đó, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lý nhà nước đối với di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho cán bộ làm văn hóa các cấp trên địa bàn Hà Nội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Yên, Viện nghiên cứu văn hóa, các tổ chức xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò kết nối giữa các bên liên quan, nhà nước và cộng đồng, trong việc giáo dục và truyền dạy, những hoạt động quan trọng để gìn giữ Tín ngưỡng thờ Mẫu; đồng thời, xây dựng các quy ước mang tính chất hướng dẫn thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu như: Quy ước quan hệ giữa các thành viên trong bản hội, quy ước trong nghi lễ, trang phục, đồ lễ và nghi thức hầu đồng, hát văn và quy ước trong văn hóa ứng xử giữa các thanh đồng, bản đền…
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý văn hóa cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các thủ nhang, đồng đền, thanh đồng…, đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu thành phố và các cấp nhằm nêu cao vai trò của cộng đồng đối với hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu. Câu lạc bộ Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu các cấp cần tập hợp được các đồng thầy, chủ đền có uy tín để tạo ảnh hưởng tích cực đến các thanh đồng trong giới thờ Mẫu. Một mặt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu được giá trị tích cực của Tín ngưỡng thờ Mẫu và những hạn chế, để từ đó có ý thức đấu tranh, đẩy lùi hạn chế, phát huy cái tốt…
Di sản văn hóa là một phạm trù lịch sử luôn được bảo tồn và phát triển, trong đó Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng nằm trong quỹ đạo đó. Chính vì vậy, những giá trị truyền thống của Tín ngưỡng thờ Mẫu cần được bảo tồn và những bất cập cần được ngăn chặn để vừa giữ gìn nét đẹp vốn có, vừa phù hợp với đời sống đương đại.
Nguồn: Báo Tin tức