Trang chủ Chính trị Cán bộ đánh bạc, đừng đổ lỗi cho “thời điểm nhạy cảm“

Cán bộ đánh bạc, đừng đổ lỗi cho “thời điểm nhạy cảm“

1
0

VOV.VN -Không ai phá mình nếu như mình ngay thẳng, sống có trách nhiệm. Cái cây không đợi người phá vẫn tự đổ nếu bên trong sâu mọt và mục ruỗng.

Hai cán bộ bị bắt vì hành vi đánh bạc tại tỉnh Thanh Hóa- thông tin gây ngỡ ngàng dư luận ngay trong ngày đầu tiên của tuần làm việc mới. Một người là Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc và người kia là Trưởng phòng Quản lý công chức – viên chức thuộc Sở Nội vụ Thanh Hóa. Đáng buồn hơn khi ông Phó Chủ tịch huyện Hậu Lộc đã biến trụ sở làm việc thành chiếu bạc để những chiến hữu thoải mái, tự do sát phạt. 

Cán bộ đánh bạc, đừng đổ lỗi cho “thời điểm nhạy cảm“
Cán bộ đánh bạc, đừng đổ lỗi cho “thời điểm nhạy cảm”

Sẽ có người bình luận rằng “thời điểm nhạy cảm” này, tức thời điểm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, cán bộ không biết giữ mình thì rất dễ mất phiếu, mất điểm, thậm chí sa chân vào vòng lao lý. Đó cũng là cách để triệt hạ lẫn nhau mà không ai khác, có thể là đồng chí của mình. Thời điểm khác, chưa chắc họ đã bị phát giác.  

Nhưng nhân dân thì không nghĩ thế. Họ chỉ thấy ở đó những hình ảnh rất xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà lẽ ra phải gương mẫu, phải tận tâm, tận lực cho công việc, nhất là khi đại dịch Covid-19 vừa đi qua, những khó khăn còn ngổn ngang đây đó. Thay vì lo cho dân, sốt ruột với miếng cơm manh áo của dân, thì họ- những công bộc của dân lại rảnh rang, ngang nhiên vi phạm quy định của Đảng, ngang nhiên vi phạm pháp luật.

Chỉ một ngày sau vụ việc trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công văn về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Công văn cũng chỉ ra tình trạng cán bộ sử dụng rượu, bia (sai quy định) và tham gia vào các tệ nạn xã hội đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng, hiệu quả công việc. Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị kiên quyết đưa ra khỏi phương án nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm các qui định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chấn chỉnh công tác cán bộ trước thềm Đại hội nhưng cán bộ vẫn vi phạm. Rồi lại tiếp tục chấn chỉnh khi cán bộ bị cơ quan pháp luật “sờ gáy”. Chắc chắn, các biện pháp tình thế sẽ trở nên vô nghĩa nếu như chúng ta không thực sự có những cán bộ tốt. Không lúc này thì lúc khác, mọi thói hư tật xấu sẽ lòi ra, chẳng cứ “thời điểm nhạy cảm”.

Thực tế thời gian qua, cán bộ đánh bạc không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa và không chỉ cán bộ cấp xã, cấp huyện mà còn có cả cán bộ cấp tỉnh, cán bộ trong các bộ- ngành, thậm chí cả giáo viên… Cơ quan điều tra đã khởi tố hình sự và xử lý nhiều người nhưng hiện tượng này không có chiều hướng thuyên giảm. Biết là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình làm. Đó chỉ có thể là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. 

“Đã làm sư thì đừng ăn thịt chó”, đã khoác áo lãnh đạo thì trên đầu mình có rất nhiều quy định phải thực hiện, chưa kể luật pháp. Cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất, tham nhũng, sa vào tệ nạn xã hội… không chỉ đánh mất mình mà còn đánh mất cả uy tín của tổ chức Đảng. Không ai phá mình nếu như mình ngay thẳng, sống có trách nhiệm và làm gương cho cấp dưới. Cái cây không đợi người phá vẫn tự đổ nếu bên trong nó sâu mọt và mục ruỗng. 

Trong nhiều Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng xuất phát chủ yếu từ sự thiếu gương mẫu trong tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong công tác, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ đảng viên. Từ nhiệm kỳ khóa XI tới nay, Đảng đã ban hành 3 quy định về nêu gương nhưng đáng tiếc, số cán bộ mắc sai phạm bị kỷ luật và vi phạm pháp luật vẫn không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. 

Trở lại với câu chuyện Thanh Hóa, hành vi vi phạm pháp luật chắc chắn không phải diễn ra lần đầu và tổ chức đảng ở đó cũng không thể không biết, không hay dù hành vi diễn ra tại trụ sở hay nhà riêng. Bởi vậy, nếu còn tình trạng nể nang, né tránh, nếu những sai phạm không được ngăn chặn kịp thời thì câu chuyện Thanh Hóa sẽ còn tiếp diễn./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây