Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có thế mạnh phát triển du lịch sông nước, sinh thái, nông thôn, homestay… hoặc du lịch cộng đồng gắn kết với lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương và du lịch biển đảo.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế du lịch mang tính liên vùng, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng thương hiệu chung, quảng bá và thu hút du khách tới vùng trước, sau đó mới đến từng địa phương.
Xây dựng tuyến, tour đặc thù
Khảo sát trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, khu vực này từng bước đã xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, đầu tư nâng cao giá trị danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa – lịch sử, lễ hội truyền thống, loại hình nghệ thuật… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nuớc. Sự phát triển của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang mang lại sự lựa chọn thú vị cho du khách, góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển du lịch Việt Nam. Vì vậy, không ít doanh nghiệp, công ty lữ hành xác định Đồng bằng sông Cửu Long là thị trường trọng điểm và còn nhiều dư địa để khai thác du lịch.
Dẫn chứng cụ thể, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết, thống kê bình quân hàng năm, Saigontourist đóng góp cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hàng trăm ngàn lượt khách, doanh thu trực tiếp trên 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự tương đồng trong sản phẩm du lịch của từng địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn tồn tại là do vị trí địa lý gần nhau, những thuận lợi về tự nhiên tương đồng trong xây dựng sản phẩm du lịch và lữ hành. Để thay đổi điều này, một số chuyên gia cho rằng, các tỉnh, thành cần tìm ra đâu là nét riêng biệt nhất, phát triển sản phẩm lõi dựa trên lợi thế khác biệt đó.
Ngoài ra, muốn phát huy tối đa tiềm năng du lịch, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải phát triển thêm sản phẩm du lịch nông nghiệp, tham quan những mô hình sản xuất nông nghiệp, hệ thống nhà nghỉ, resort trên sông… Đặc biệt, sản phẩm du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí về đêm tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện gần như không có, nên các địa phương chủ động nghiên cứu xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch về đêm, đa dạng mô hình du lịch, khai thác chi tiêu du khách, giữ du khách ở lại lâu hơn.
Ghi nhận ý kiến, nhiều du khách, nhất là khách quốc tế khi đến Thành phố Hồ Chí Minh đều muốn đi tiếp hành trình khám phá vùng đất “chín Rồng”, nhưng do sản phẩm trùng lắp, đơn điệu, chất lượng dịch vụ du lịch… trong vùng chưa đủ sức hấp dẫn để níu chân du khách. Điều này cho thấy vấn đề cấp thiết là các tỉnh, thành cần xây dựng đầu mối với Thành phố Hồ Chí Minh làm điểm tiếp nhận và phân phối trung chuyển khách đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Một số doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cũng đề xuất quy hoạch lại du lịch Đồng bằng sông Cửu Long theo đường Bắc – Nam, thay vì phân chia theo cụm phía Đông và cụm phía Tây như hiện tại. Việc phân chia cụm du lịch theo hướng Bắc – Nam sẽ tạo cơ hội để các tỉnh phía Bắc, phía Nam và ở trung tâm phát triển được các thế mạnh riêng về văn hóa khi giảm số lượng các tỉnh ở mỗi vùng.
Đồng thời, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long sớm có giải pháp tổ chức vận chuyển hành khách cũng thuận tiện hơn dựa vào lợi thế kết nối hàng ngang thông qua hệ thống nội thủy, giảm áp lực lên hệ thống đường bộ. Các địa phương cần đánh giá hiệu quả quy hoạch, phát triển kết nối địa phương trên những trục tuyến sản phẩm du lịch phụ thuộc phần lớn vào cơ sở hạ tầng giao thông.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng sẽ được triển khai tập trung nâng cao trình độ quản lý các cơ sở du lịch thông qua hợp tác đào tạo trong và ngoài nước. Điển hình, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ký hợp tác với các đối tác uy tín của Úc để đánh giá trình độ quản lý cho cơ sở du lịch, cơ sở ăn uống và lưu trú; xây dựng chương trình đào tạo nâng cao cho đội ngũ quản lý tại cơ sở này theo chuẩn quốc tế.
Từ giai đoạn năm 2021 – 2022, các cơ sở đào tạo du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức đánh giá trình độ quản lý của cơ sở du lịch, cơ sở ăn uống và lưu trú địa phương. Tiếp theo đó, các tỉnh, thành phối hợp tổ chức khoá đào tạo nâng cao năng lực nhà quản lý doanh nghiệp du lịch của 13 địa phương theo chuẩn quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Úc.
Về phía địa phương, đại diện tỉnh Bến Tre cho hay, ở lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, tỉnh đang phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức những lớp đào tạo bồi dưỡng dành cho cán bộ quản lý du lịch. Ngành Du lịch Bến Tre ưu tiên phân bổ nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre tham gia lớp đào tạo bồi dưỡng dành cho đối tượng hướng dẫn viên du lịch, quản lý khách sạn – nhà hàng và quản lý khu điểm du lịch của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bến Tre không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch…
Với việc xác định khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là thị trường lớn, tuyến điểm hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đã tổ chức chuyên gia giỏi tư vấn kỹ thuật cùng ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nâng cấp sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng mới sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt phù hợp với từng phân khúc thị trường khách và theo xu hướng đi du lịch của thế giới. Đặc biệt, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành tạo điều kiện cho các địa phương cử nhân sự thực tập, nghiên cứu việc điều hành, quản lý, phục vụ tại những khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, công ty lữ hành, khu vui chơi giải trí…
Cụ thể, đối với đào tạo nguồn nhân lực, Trường Trung cấp Du lịch – Khách sạn Saigontourist đang đào tạo trên 10 chuyên ngành liên quan lĩnh vực quản lý điểm đến, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, giải trí, tiếp thị du lịch… và là một trong những cơ sở đào tạo du lịch uy tín nhất khu vực phía Nam. Nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên gửi học viên tham gia khóa đào tạo tại Trường hoặc mời các giảng viên của Trường tham gia khóa đào tạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm chủ động thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp và tính cạnh tranh trong phát triển du lịch khu vực.
Để ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thu hút hàng triệu du khách, xây dựng thương hiệu, bảo tồn giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra quốc tế, các chuyên gia cũng cho rằng, cần kịp thời xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải được xác định là yếu tố sống còn của “ngành công nghiệp không khói” này. Trong đó, các địa phương phải khắc phục những hạn chế như so với yêu cầu phát triển ngành, lực lượng lao động vừa yếu vừa thiếu ở các khâu then chốt, nhiều lĩnh lực có liên quan đến du lịch chưa xem trọng phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu công việc…
Nguồn: Báo Tin tức