Trang chủ Chính trị Mở rộng dân chủ trong Đảng

Mở rộng dân chủ trong Đảng

163
0

Sau huyện Gia Lâm, nhiều đảng bộ khác của thành phố Hà Nội cũng sẵn sàng đăng ký tổ chức bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Đây được xem là tín hiệu tích cực góp phần mở rộng dân chủ trong Đảng để lựa chọn được người lãnh đạo có uy tín, năng lực tốt hơn.

Mở rộng dân chủ trong Đảng
Bầu trực tiếp chức danh bí thư tại Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm ngày 26/5. Ảnh: T.Đảng

Trách nhiệm hơn trước đại hội

Cầm tờ nội dung chương trình đại hội trên tay, ông Tạ Đình Tuyến, Chủ tịch UBND xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm), đại biểu dự Đại hội Đảng bộ huyện khai mạc ngày 26/5, thấy có nhiều nội dung khác biệt so với các kỳ họp trước đây. Ông Tuyến nói rằng, bên cạnh ý nghĩa là đại hội điểm đầu tiên của thành phố, trong phần bỏ phiếu bầu nhân sự cho nhiệm kỳ mới có thêm nội dung bầu trực tiếp bí thư tại đại hội và điều này làm cho ông thấy rất vui.

Ông Hoàng Anh Tú, Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lâm, đại biểu dự đại hội, cho biết, nếu tại các kỳ đại hội trước, đại biểu chỉ bầu ra Ban Chấp hành khóa mới, sau đó Ban Chấp hành khóa mới họp để bầu ra chức danh bí thư huyện ủy, thì tại đại hội lần này, đại biểu sẽ bầu hai lần. Lần 1 bầu ra 41 ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới; lần 2, từ 41 ủy viên đã được bầu, đại hội chọn 1 người để bầu trực tiếp chức danh bí thư. Theo ông Tú, nếu chức danh bí thư huyện ủy chỉ bầu ở trong Ban Chấp hành thì uy tín, trách nhiệm của người được bầu chỉ được đánh giá trong 41 ủy viên, nhưng nay để đại hội bầu với sự có mặt 219 đại biểu đại diện cho 51 đơn vị cấp cơ sở thì uy tín, trách nhiệm của người được bầu được trải rộng và đánh giá toàn diện hơn.

Ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (Gia Lâm), cho rằng, hình thức bầu nhân sự bí thư trực tiếp tại đại hội thể hiện mặt được đầu tiên là năng lực, uy tín, trách nhiệm xã hội của nhân sự bầu được đánh giá toàn diện và đại hội sẽ bầu chọn được người có đủ khả năng hơn để đứng vào vị trí cao nhất đảng bộ của huyện; tiếp theo là đại hội cũng thể hiện được sự gần dân, sát dân hơn. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn rủi ro và có thể khiến đại hội phải kéo dài ngoài kế hoạch nếu người được bầu không có đủ số phiếu đồng thuận quá bán.

Ông Lê Anh Quân, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, nói rằng, Trung ương và Thành ủy đã có chỉ đạo, chủ trương từ cấp ủy Đảng đến chính quyền phải sát dân, gần dân hơn nên việc bầu chức danh bí thư để cho “đại cử tri” thay mặt nhân dân bỏ phiếu là hoàn toàn phù hợp xu thế mới. Đề cập cảm xúc cá nhân khi được bầu với hình thức này, ông Quân nói rằng, cũng có những hồi hộp, bất ngờ hơn so với hình thức bầu trong Hội nghị Ban Chấp hành.

Mô hình tốt cần mở rộng

Tại buổi khai mạc đại hội sáng 26/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm nhiệm kỳ 2020 – 2021 có các điểm khác biệt so với các kỳ đại hội trước. “Do vậy, thành công của đại hội, cũng như đại hội thực hiện tốt các nội dung được Thành ủy chọn làm điểm sẽ có đóng góp rất quan trọng vào thành công chung của đại hội Đảng bộ toàn thành phố sắp tới”, ông Huệ nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, cho biết, không chỉ có huyện Gia Lâm, sắp tới sẽ có quận Ba Đình, đảng bộ Tổng Công ty Du lịch và một số đơn vị khác cũng sẵn sàng tổ chức bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Đây là xu hướng tốt cho thấy công tác chuẩn bị đại hội, chuẩn bị nhân sự khá chu đáo và khoa học.

Ông Trần Huy Sáng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, đề nghị cần mở rộng hơn các đơn vị bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. “Cách đây khoảng 10 năm, thành phố đã có một số quận, huyện triển khai bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Tuy nhiên, sau đó xu hướng này lại có dấu hiệu lắng xuống, ít được nhắc tới. Đến nhiệm kỳ này, phương thức bầu trực tiếp được triển khai là tín hiệu tốt. Đây là một cách mở rộng hơn dân chủ trong Đảng, đại biểu dự đại hội được phát huy tối đa quyền của mình trong lựa chọn nhân sự lãnh đạo”, ông Sáng nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu cấp ủy, chính quyền huyện Gia Lâm tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông, giáo dục để Gia Lâm đủ điều kiện trở thành quận trong những năm tới. “Tuy là đô thị đi sau nhưng Gia Lâm đang có nhiều dư địa để về đích trước. Không chỉ là những đường hướng phát triển kéo dài trong quá khứ, mà phải đi tắt đón đầu trên một số lĩnh vực để về đích trước một số quận nội đô lịch sử. Các lĩnh vực mà Gia Lâm có thể đạt được bao gồm quản trị đô thị thông minh bằng công nghệ, kinh tế ngành nghề có có vận dụng thành quả của cuộc cách mạng 4.0…”, ông nói

Trọng Đảng/TP


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây