Sáng 28/5, ông Phan Hộ – Giám đốc Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết: Trong quá trình trùng tu tại nhóm tháp A các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga – Yoni liền khối còn khá nguyên vẹn, có kích thước 2,24m x 1m68. Bước đầu các chuyên gia nhận định bộ Linga – Yoni liền khối này có từ thế kỷ IX và lớn nhất Việt Nam, tính đến thời điểm này.
Trưởng nhóm công tác bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn ông Jalihal Ranganath khẳng định: Đây là bộ Linga – Yoni liền khối lớn nhất tại khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong điêu khắc Chăm pa. Việc phát hiện này giúp có thêm dữ liệu để khôi phục lại một đài thờ hoàn chỉnh tại tháp A10, thuộc nhóm tháp A đang được trùng tu.
Cùng với việc phát hiện bộ Linga – Yoni liền khối hết sức có giá trị, các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ đã khôi phục hoàn thiện nguyên gốc cho đài thờ và 4 trụ đá trước nhóm tháp A.
Các chuyên gia nhận định với việc phát hiện bộ Linga – Yoni liền khối, đài thờ và 4 trụ đá là dữ liệu đáng tin cậy để khẳng định tháp A10 là nơi thờ thần Shiva.
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết: Việc phát hiện bộ Linga – Yoni liền khối tại tháp A10 cũng như nhiều hiện vật đã tìm thấy trước đây tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho thấy công tác trùng tu của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã mang lại kết quả lớn. Linga – Yoni to lớn, liền khối và chân đài thờ tại tháp A10 được phát hiện đã mở ra nhiều triển vọng mới cho công tác nghiên cứu và bảo tồn các giá trị về văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng tinh xảo của người xưa.
Ngôi đền A10 trong quần thể nhóm tháp A được xây dựng vào thế kỷ IX dưới triều vua Indravarman II, vị vua xây dựng phật viện Đồng Dương nổi tiếng vào năm 875 sau Công nguyên.
Hiện bộ Linga – Yoni to lớn, liền khối đang được bảo quản cẩn thận tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và sẽ sớm được trưng bày phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nguồn: Báo Tin tức