Trang chủ Chính trị Xác định cán bộ kê khai thiếu trung thực: Khó nhưng quyết...

Xác định cán bộ kê khai thiếu trung thực: Khó nhưng quyết tâm làm là được

211
0

Xác định cán bộ kê khai tài sản thiếu trung thực đúng là khó nhưng không phải không làm được, nếu quyết tâm làm…

Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước. Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính …”.

Tuy nhiên trên thực tế đây là một nhiệm vụ rất khó khăn. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, về vấn đề làm thế nào để lựa chọn được những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xác định cán bộ kê khai thiếu trung thực: Khó nhưng quyết tâm làm là được
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

PV: Qua những câu chuyện thực tế và những con số về kê khai tài sản được các ngành chức năng công bố liệu đã phản ánh đúng thực tế, thưa ông?

TS Đinh Văn Minh: Qua những con số, cảm giác chung của tôi là việc chúng ta tiến hành kê khai tài sản rất đầy đủ, nền nếp, đúng thời hạn. Các đối tượng nghiêm túc chấp hành. 

Tuy nhiên, điều tôi quan tâm hơn cả chính là hiệu quả của việc kê khai tài sản đó và phản ánh trên thực tế, số liệu có căn cứ hay không thì nhiều người vẫn không yên tâm bởi chúng ta đều quan sát thấy cũng như trên báo chí, các phương tiện truyền thông, tài sản của cán bộ công chức có vẻ nhiều nhưng kê khai không được bao nhiêu. 

Đặc biệt, việc xác minh, thẩm tra để đi tới kết luận kê khai đúng, trung thực với thực tế hay không thì con số đó tạo cảm giác hơi khó tin. Đây cũng là nhận định chung khi tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Luật phòng chống tham nhũng, việc kê khai tài sản vẫn còn mang nặng tính hình thức là như vậy.

PV: Vậy việc xác định một cán bộ kê khai tài sản trung thực hay không có dễ dàng không, thưa ông?

TS Đinh Văn Minh: Đây là điều không dễ dàng, bởi vấn đề tài sản gắn với cá nhân nên nó cũng có tính bảo mật và chúng ta phải tôn trọng quyền của cá nhân. Nhưng đối với cán bộ công chức có những biểu hiện không bình thường, tôi nghĩ không phải không làm được, bởi Nhà nước có quyền quản lý đối với toàn xã hội, với bất cứ công dân nào trên cơ sở tôn trọng quyền tự do của họ.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt đội ngũ cán bộ đảng viên, còn có những quy định nghiêm để đảm bảo việc thực hiện kê khai trung thực.

Thứ ba, nếu quyết tâm làm chúng ta còn có những cơ chế khác, còn những biện pháp quản lý khác nữa để xác định dấu hiệu kê khai không đầy đủ, không trung thực. Vấn đề là phải quyết tâm làm; bản thân các cơ chế phải đồng bộ, đặc biệt phải xử lý nghiêm minh những trường hợp kê khai không trung thực.

PV: Vậy sở dĩ vẫn tồn tại việc kê khai mang tính hình thức, phải chăng do chế tài xử phạt còn quá nhẹ?

TS Đinh Văn Minh: Chế tài chỉ là một phần, vấn đề là hiện nay công tác quản lý chung, trong đó có quản lý về tài sản còn nhiều chỗ sơ hở. Sơ hở được hiểu trên phương diện cả pháp luật, trình độ năng lực quản lý cũng như cơ sở hạ tầng. Ví dụ, chúng ta quy định phải kê khai tài sản của vợ, chồng hoặc con chưa thành niên, rất có thể người ta có tài sản nhưng đã chuyển tên sang con đã thành niên, mà đối tượng này không phải kê khai tài sản. Rất có thể là tài sản thực chất của họ nhưng họ lấy tên con. Và chúng ta cũng không có cách gì xác định đó chính là tài sản của bố chuyển sang cho con.

Thứ nữa, cơ chế về chi tiêu tiền mặt còn hạn chế. Người ta có thể chuyển cho con một số tiền lớn là tiền mặt, như vậy cũng không ai xác định được tiền đó của ai. Chúng ta đã có những vụ án người ta khai đã gửi tiền cho con, nhưng ở nước ngoài rất khó làm chuyện đó vì người ta chuyển khoản, thông tin đó vẫn còn trên giấy tờ, trên các phần mềm, người ta có thể truy ra ngay.

Thứ ba là chúng ta mới chỉ xử lý về mặt con người, nếu kê khai không trung thực anh có thể bị xử lý kỷ luật nhưng tài sản che giấu dù có bị phát hiện cũng chưa tịch thu được.

PV: Tại Hội nghị Trung ương 12 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh kiên quyết không để lọt vào BCH Trung ương khóa XIII những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thu lợi bất chính… Việc xác định những người kê khai tài sản không trung thực thời điểm hiện nay, theo ông cần tiến hành như thế nào?

TS Đinh Văn Minh: Trong quá trình triển khai Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII, để bầu ra những cơ quan, những vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước, đòi hỏi những người vừa có tâm, vừa có tầm; vừa có trí tuệ, vừa có đạo đức, đủ uy tín để lãnh đạo đất nước. Trong số đó, vấn đề về tài sản cũng có ảnh hưởng rất lớn để có thể xác định đạo đức, phẩm chất của một con người. Rõ ràng trong điều kiện lương bổng như vậy, đời sống kinh tế như vậy, nếu có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất mà không giải thích được, bởi cũng có trường hợp vì nhiều lý do họ cũng có một số tài sản, nhưng Tổng Bí thư dùng khái niệm “giàu nhanh” tức là khi anh giữ vị trí lãnh đạo, tài sản của anh tăng rất nhanh, nhà đất rất nhiều, thực chất cụm từ đó đã nói lên câu chuyện không bình thường, đó cũng là căn cứ để các cơ quan Nhà nước tiến hành kiểm tra, xác minh.

Theo tôi ở đây, ngoài các cơ quan, tổ chức Đảng, cơ quan thanh tra, có sự hỗ trợ vào quá trình lựa chọn cán bộ, đánh giá cán bộ thông qua kê khai tài sản như vậy, một trong những điều rất quan trọng chính là thông tin của xã hội, từ phía người dân, từ phản ánh của báo chí, như Tổng Bí thư đã nói, đại ý cán bộ thế nào cứ hỏi người dân là biết hết. Thực ra có trường hợp giấu được, có trường hợp không giấu được, theo tôi thông tin từ phía xã hội, từ phía người dân, từ các cơ quan báo chí được trân trọng. Tất nhiên cũng phải loại trừ những thông tin độc hại, bịa đặt, như vậy trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trước các loại thông tin phải có một thái độ rõ ràng, cái gì đúng phải xác nhận đúng, cái không đúng thì phải chủ động thông tin, tránh những ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của cán bộ.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây