Trang chủ Luận bàn - Phản biện Sự thật bản “Kết quả kiểm phiếu nhân sự Đại hội XIII”...

Sự thật bản “Kết quả kiểm phiếu nhân sự Đại hội XIII” tại Hội nghị Trung ương 12

218
0

Hội nghị Trung ương 12 vừa kết thúc, một trong những âm hưởng gây chú ý đặc biệt của hội nghị này chính là công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự Bộ Chính trị khóa tới.

Lợi dụng tâm lý dư luận vẫn thường hiếu kỳ tò mò về nhân sự cấp cao của Đảng, ngay khi hội nghị vừa kết thúc, đâu đó trên các trang “thông tấn xã vỉa hè” và nhiều group kín/mở đã liền xì xào ‘mạn đàm bàn tròn’ với hàng loạt những tít bài giật gân như: “Ai sẽ có tên trong tứ trụ khóa 13?”; “Rối ren trước thềm Đại hội XIII”; “Tín hiệu định hướng cho tứ trụ/tam trụ”; “Đại hội 13: Đã đến lúc Việt Nam dám buông mô hình Trung Quốc?”; “Nhân sự Đại hội 13: Bế tắc và khủng hoảng”; “Tranh ghế Đại hội 13 – phe nào thắng nhân dân đều bại”;… Nhiều trang, kênh youtube; FB cá nhân còn mạnh miệng “dự trù”, “xếp ghế” cho các chức danh lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ như: “Đại hội 13 nhân vật giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026” (Six news); “Tứ trụ triều đình sau Đại hội 13 gồm những ai” (Vì Việt Nam thịnh vượng); “Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là Tổng Bí thư khóa 13” (Việt Tân); …

Sự thật bản “Kết quả kiểm phiếu nhân sự Đại hội XIII” tại Hội nghị Trung ương 12Dù thể hiện dưới hình thức nào thì những hành động ấy cũng không che giấu nổi tâm địa xấu xa của những phần tử phản động, những kẻ cơ hội chính trị là nhằm phá hoại công tác chuẩn bị Đại hội

Mới hôm 14/05 vừa rồi, trang Thoibao còn diễn trò “tung hỏa mù” với việc đăng tải cái gọi là “kết quả kiểm phiếu 35 người vào quy hoạch Bộ Chính trị khóa tới”. Làm như người trong cuộc, khi cố tình thòng thêm dòng “Tin nội chính – kết quả Hội nghị Trung ương 12”, để thỏa sức phán xét rằng “Vũ Đức Đam, Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Thành Phong… đều được giới thiệu quy hoạch Bộ chính trị, Ban Bí thư khóa XIII”. Thậm chí, lợi dụng cả sức nóng của những vụ án trọng điểm như vụ Đường Nhuệ, vụ Hồ Duy Hải, một số cá nhân, tổ chức còn cố tình móc nối, gán ghép nhằm tráo đổi “chính trị hóa” những vụ án hình sự này. Thông qua các bài viết như: “Vụ Hồ Duy Hải: Phiên giám đốc thẩm bị chính trị hoá”; “việc xử lý vụ Đường Nhuệ là cuộc chiến tranh giành quyền lực trước Đại hội XIII”;… họ nắn dòng dư luận, rêu rao đó là những cuộc “thanh toán phe phái”, “trả thù cá nhân” giữa người này với người kia, nhóm này với nhóm khác vì “lợi ích nhóm”…Gieo rắc những hoài nghi nhân dân.

Thủ đoạn nhiều, chiêu thức cũng không ít song dù thể hiện dưới hình thức nào thì những hành động ấy cũng không che giấu nổi mưu đồ đen tối của chúng là nhằm phá hoại công tác chuẩn bị Đại hội, phá hoại công tác nhân sự; phá hoại các dự thảo văn kiện; gây mâu thuẫn, chia rẽ, nghi kỵ, mất đoàn kết nội bộ; kích động các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Và những chiêu trò, thủ đoạn “kéo mây đen” về công tác nhân sự đại hội càng không thể “bịp” được, nhất là đối với những ai theo dõi Hội nghị Trung ương 12 đều nhận thấy sự khác biệt và tự bản thân vốn đã có câu trả lời. Bởi đó là Hội nghị mà lần đầu tiên, Đảng công khai hóa các phiên khai mạc và bế mạc một hội nghị Ban Chấp hành trung ương bàn việc chuẩn bị nhân sự cho một đại hội nhiệm kỳ. Trước đây, kết luận bế mạc các hội nghị bàn về nhân sự thường không công khai trên thông tin đại chúng mà chỉ phổ biến trong nội bộ Đảng.

Lần đầu tiên, Đảng công khai những tiêu chuẩn cơ bản nhất để lựa chọn cán bộ tham gia Ban Chấp hành trung ương khóa tới. Các tiêu chuẩn (“3 có 7 không” – 3 tiêu chuẩn cần có và 7 khuyết điểm không được mắc) được Tổng bí thư công bố đều rất cụ thể, chi tiết. Trung ương cũng quy định rõ những trường hợp có sai phạm hoặc bất minh nhất quyết không được đưa vào Ban Chấp hành trung ương, kể cả các trường hợp bị người nhà lợi dụng ảnh hưởng để làm việc bất chính; không chung chung, đại thể như trước đây.

Lần đầu tiên, Đảng gắn trách nhiệm của cá nhân và tổ chức giới thiệu đảng viên tham gia Ban Chấp hành trung ương phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề cử của mình. Và cũng lần đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam gắn công tác nhân sự của một kỳ Đại hội Đảng với công tác nhân sự của một kỳ bầu cử Quốc hội theo nhiệm kỳ để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ.

Hàng loạt những điểm “lần đầu tiên” nêu trên đã minh định rất rõ mong muốn đổi mới về con người, về tư duy, về phương pháp lãnh đạo, việc công khai hóa công tác nhân sự và tiêu chuẩn cán bộ. Hy vọng, với những chuẩn bị sát sao, minh bạch, quyết liệt, sau Đại hội XIII, đất nước ta sẽ có một đội ngũ những người có đủ tài, đức, có trách nhiệm gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó!. Đồng thời, thổi bay, đập tan những luận điệu xuyên tạc, đả phá về công tác nhân sự.

Văn Dân

Nguồn: Ngọn cờ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây