Kiểm soát quyền lực ở chính quyền đô thị cần đặt ra khi Đà Nẵng thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường và UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Đại biểu Quốc hội lưu ý điều này khi thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, sáng 23/5, tại Kỳ họp thứ 9.
Tránh “hội chứng xin cơ chế đặc thù”
Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp Thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).
Theo mô hình này thì chính quyền Thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng thể hiện nhiều cơ chế chính sách về điều chỉnh quy hoạch cục bộ, tài chính – ngân sách.
Đại biểu Tạ Văn Hạ
Ủng hộ cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, song đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) đặt vấn đề dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nên chăng cần xem xét bổ sung điều khoản về trách nhiệm của Thành phố Đà Nẵng để sau này tổng kết, đánh giá đặc thù đã mang lại hiệu quả cho Đà Nẵng thế nào, với Nhà nước và khu vực ra sao.
Nhấn mạnh thí điểm nghĩa là có cái mới mà luật chưa quy định hoặc khác với luật hiện hành, phạm vi hẹp, đặc trưng, kết quả có thể thành công và không thành công, ông Tạ Văn Hạ băn khoăn trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì Hà Nội, TPHCM đã có cơ chế đặc thù, Đà Nẵng đang được xem xét, Hải Phòng cũng có sự chuẩn bị, chỉ còn lại Cần Thơ.
“Sao chúng ta không xây dựng luật luôn? Tiến tới các tỉnh, thành khác cũng nghĩ ra đặc thù để đề xuất thì tính sao? Nếu Chính phủ không có đề án, chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm, mạnh ai người ấy xin thì dẫn đến hội chứng “xin cơ chế đặc thù” vì gần đây có hiện tượng như vậy” – ông Tạ Văn Hạ nêu ý kiến.
Ở góc độ khác, tờ trình nói cho cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển mạnh hơn, như về quy hoạch, ngân sách. Đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề phải chăng cái vướng mắc đó chỉ mình Đà Nẵng có mà nơi khác không có? Sao không tháo gỡ luôn để tốt cho tất cả địa phương trong cả nước? Từ đó, vị đại biểu đoàn Bạc Liêu đề nghị không nên “lạm dụng” các nghị quyết về đặc thù.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng vì thực tiễn cho thấy thực hiện chính quyền chung hiện nay còn bộc lộ hạn chế nhất định. Tuy nhiên các mô hình cần nghiên cứu đặt trong kế hoạch tổng thể gắn với một giai đoạn nhất định để có thực tiễn xây dựng chính quyền đô thị với cơ chế chính sách đặc thù chung cho các thành phố.
Theo nữ đại biểu, tôn trọng tính đặc thù để tạo sự linh hoạt trong cơ chế điều hành nhưng cần tránh tình trạng một số địa phương sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành các nghị quyết đặc thù.
Kiểm soát quyền lực phải rõ
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, nhiệm vụ quyền hạn của HĐND thành phố tăng lên nhưng chưa thấy có sự đổi mới về cơ cấu. Đây là vấn đề cần quan tâm bởi khi không tổ chức HĐND ở quận, phường thì HĐND và UBND Đà Nẵng không giống như HĐND và UBND như các nơi khác đang thực hiện.
“Tại sao tăng nhiệm vụ quyền hạn nhưng bộ máy bên trong không quy định rõ? Số lượng đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng có tăng không? Nếu tăng thì tăng như thế nào, căn cứ vào đâu để tăng? Số lượng đại biểu chuyên trách ra sao?” – nữ đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, kiểm soát quyền lực ở chính quyền đô thị khi thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường và UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng cũng cần đặt ra.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu, có quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức HĐND thành phố về số lượng, chất lượng đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quyền hạn như đã nêu trong nghị quyết.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) thì khẳng định dù thí điểm mô hình chính quyền một cấp nhưng cơ chế kiểm soát quyền lực vẫn đảm bảo, trong đó có giám sát của cơ quan dân cử. Chính quyền quận, phường vẫn chịu giám sát của HĐND thành phố, đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, UBND cấp quận, phường còn chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ.
Liên quan đến vai trò giám sát của nhân dân, tờ trình đề cập tăng cường giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên. Nhưng theo ông Tô Văn Tám, cần làm rõ tăng cường như thế nào. Vấn đề này Đà Nẵng nên đặt ra giải pháp, phương pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả giám sát.
Đồng tình nguyên tắc là ở đâu có dân thì ở đó cơ cơ quan dân cử, nhưng đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) lưu ý dân cử mấy cấp sẽ hiệu quả thì cần tính toán.
Việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường không phải người dân ở quận, phường đó không có cơ quan dân cử, vì còn HĐND thành phố, trên nữa là Quốc hội. Điều quan trọng là tổ chức HĐND thành phố như thế nào để người dân yên tâm, ví dụ tăng số lượng đại biểu, tổ chức các điểm tiếp dân, thiết lập cơ chế liên lạc giữa nhân dân với đại biểu phải tổ chức khoa học./.
Nguồn: VOV.vn