Trang chủ Luận bàn - Phản biện “Vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội“ hay là sự xuyên...

“Vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội“ hay là sự xuyên tạc trắng trợn?

231
0

Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa, Học viện chính trị CAND

Ngày 12-5-2020, tôi đọc bài báo Vụ án Hồ Duy Hải: “Nhiễu thông tin”, “Truyền thông bẩn” đã làm ảnh hưởng đến chính trị và cả nền tư pháp. Bài báo được đăng bởi Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN phiên bản điện tử. Sau khi đọc xong bài báo này, tôi nghĩ ngay đến Văn bản gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, về vụ án Hồ Duy Hải đề ngày 13-5-2020, của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Ai cũng có quyền tự do biểu đạt, nhưng Đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm cao khi sử dụng quyền cơ bản đó. Tuy thế, ngay ở đoạn đầu ông LBN viết: „Đặc biệt, dư luận cho rằng, phán quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội …“. Câu trích dẫn này cho thấy hành động của ông LBN là vô trách nhiệm:

Suy đoán vô tội hay giả định vô tội, là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Nội dung chủ chốt của nguyên tắc này cho rằng mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Các bằng chứng cáo buộc mà bên công tố hoặc viện kiểm sát đưa ra phải đủ khả năng thuyết phục hội đồng xét xử về tính chân thật của cáo buộc. Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Việc tìm bằng chứng đủ khả năng thuyết phục thuộc về bên công tố. Trong tố tụng hình sự nguyên tắc suy đoán vô tội phản ánh ba nội dung căn bản sau:

1. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án kết tội đối với người đó;

2. Nghĩa vụ chứng minh một người có tội thuộc về bên có trách nhiệm buộc tội. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền chứng minh mình vô tội nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình;

3. Khi có những nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ xuất hiện thì những nghi ngờ này phải được hiểu và giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi và bị can, bị cáo.

Trong vụ án hình sự HDH, ở thủ tục xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đã chứng minh được rằng bị cáo là thủ phạm. Trên cơ sở đó, Tòa án có thẩm quyền đã cho ra hình phạt tử hình. Khi có ý kiến phản ánh rằng có một số mâu thuẫn trong thu thập và đánh giá chứng cứ và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị mở thủ tục Giám đốc thẩm. Trong tình huống đó, một cơ quan có thẩm quyền phải quyết định về đề nghị đó. Cơ quan đó chính là Hội đồng thẩm phán TANDTC. Với Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao, một lần nữa xác định HDH là thủ phạm và không thể được coi người vô tội. Vì lẽ đó, quả quyết rằng Hội đồng thẩm phán TANDTC đã „vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội“ là một sự xuyên tạc trắng trợn. Phát biểu hồ đồ này đã phớt lờ những chứng cứ chủ chốt đã được đưa ra trước đó và xem xét kỹ. Một thực tế không thể chối cãi: Bản án đã có hiệu lực pháp lý và HDH đã tự tay viết „Đơn xin tha tội chết“ gửi Chủ tịch nước, HDH đã không xin xử trắng án mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, tức là xin không bị hành hình.

Văn bản của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Cũng cần nói thêm về khái niệm mà ông LBN sử dụng trong văn bản được nêu ở trên là „Dư luận“. Theo các sách khoa học, Dư luận được hiểu là hiện tượng tâm lý bắt nguồn từ một nhóm người, biểu hiện bằng những phán đoán, bình luận, quan điểm về một vấn đề nào đó kèm theo thái độ cảm xúc và sự đánh giá nhất định, được truyền từ người này tới người kia, nhóm này sang nhóm khác. Dư luận có mặt tích cực và tiêu cực, tùy thuộc vào các nguồn tin mà từ đó nó hình thành. Nếu nó hình thành dựa vào nguồn tin xác thực thì sẽ trở thành thông tin hữu ích khi nói lên những gì mà mọi người nghĩ về sự việc đó, còn nếu hình thành khi không có căn cứ hoặc dựa vào nguồn thông tin không rõ ràng cho dù là cố ý hay vô ý, nó có thể tạo tin đồn nhảm và có thể bị sử dụng cho một mục đích nào đó. Theo quan sát của cá nhân tôi, „Dư luận“ mà ông LBN nhắc tới là một bộ phận rất nhỏ ở trong và ngoài nước. Nhiều người trong số họ là những nhân vật chống đối, thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam và nhiều kẻ cơ hội chính trị. Những kẻ to mồm và hung hăng nhất trong việc chỉ trích Hội đồng thẩm phán TANDTC mấy ngày qua là những tên chống cộng có tên tuổi ở hải ngoại, được sự hậu thuẫn của những thành phần bất hảo ở trong nước. Vì nhiều lý do và động cơ khác nhau, họ đang công kích vào hệ thống tư pháp nước nhà với mục tiêu xa hơn là muốn cộng đồng quốc tế lên án Việt Nam. Phương cách hoạt động của họ giống hệt như chiến dịch vận động các nước EU không ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA vì cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Những phát biểu vô trách nhiệm như vậy của ông LBN và một số người khác đã cung cấp cho các trang mạng thù địch với Việt Nam những lý lẽ ngụy biện và bọn chúng đã sử dụng triệt để, làm xấu đi rất nhiều tình hình ở trong nước trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 13. Một bài học xương máu đã cho chúng ta thấy, những phát biểu, hành vi theo chủ nghĩa dân túy của một số người, trong đó có Đại biểu Quốc hội, đã kích động rồi đẩy ông Kình và đồng bọn thành những tên khủng bố nguy hiểm, và họ thực sự đã giết người một cách man rợ.

Xin nói thêm về vấn đề dư luận: Ở CHLB Đức, vào thời điểm đầu năm 2020, 274 thành viên của đảng cực hữu AfD (nhiều người gọi là đảng phát xít) trở thành dân biểu của Quốc hội Đức và dân biểu Quốc hội ở nhiều tiểu bang. Khi vận động tranh cử và tái tranh cử, ứng cử viên của đảng này luôn có những phát biểu và hành vi theo chủ nghĩa dân túy. Những cử tri bỏ phiếu cho họ không nhất thiết là người có tư tưởng phát xít mà là người nhẹ dạ bị hút hồn bởi thủ đoạn mị dân, họ bị dư luận xấu tác động trong cuộc chạy đua vào Quốc hội. Trào lưu của chủ nghĩa dân túy cũng đã tràn lan tới Việt Nam. Sự cảnh giác cao độ, chống lại nó là một việc làm thiết thực và phải thực hiện thường xuyên, ở mọi lĩnh vực của xã hội.
****

Ảnh minh họa số 1: Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa, Học viện chính trị CAND

Nguồn: Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN

https://tapchitoaan.vn/…/vu-an-ho-duy-hai-nhieu-thong-tin-t…

Anh minh họa số 2: Văn bản của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Nguồn: mạng internet và trang FB của ông LBN

Bài và ảnh: Hồ Ngọc Thắng

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây