Liên quan tới việc xử lý phần sai phạm trật tự xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực (phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội), sáng 16/5, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã tiếp tục tiến hành phá dỡ giai đoạn 2.
Trước đó, vi phạm trật tự xây dựng tại dự án đầu tư xây dựng công trình tại 8B Lê Trực đã được Thủ tướng Chính phủ và Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu kiên quyết xử lý dứt điểm.
Về phía chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Lê Trực, thành phố chỉ đạo nghiêm túc phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Ba Đình khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc yêu cầu bàn giao hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công công trình, Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thiết kế tòa nhà tham gia lập phương án tháo dỡ.
Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình thực hiện giám sát tháo dỡ. Theo đó, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế phá dỡ giai đoạn 2 công trình sai phạm tại số 8B phố Lê Trực gồm phá dỡ tầng 17 và 18 sai phạm diện tích sàn xây dựng và chiều cao công trình, đồng thời ban hành quyết định thành lập các tổ công tác phục vụ cưỡng chế.
Rõ ràng, những việc làm kiên quyết trên của chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết bởi công trình 8B Lê Trực đã có vi phạm nghiêm trọng về xây dựng, gây bức xúc cho nhân dân nhiều năm nay, ảnh hưởng nhiều đến vấn đề môi trường và an ninh trật tự.
Tuy nhiên, thay vì chấp hành, hợp tác với chính quyền để khắc phục những sai phạm, chủ đầu tư là Công ty May Lê Trực đã nhiều lần gây khó khăn bằng cách gửi đơn kiện cáo, phản đối, không chịu bàn giao mặt bằng và cũng không có mặt chứng kiến khi các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện cưỡng chế.
Trong một diễn biến khác, một số người đã mua nhà tại tầng 17, 18 của Tòa nhà này cũng đến căng băng rôn, khẩu hiệu để phản đối việc phá dỡ phần sai phạm. Có thể nói, hoạt động này vừa gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự, vừa gây nguy hiểm cho chính người dân do công trình đang trong thời điểm tháo dỡ.
Như đã nói ở trên, việc sai phạm là của chủ đầu tư chứ không có sai phạm của người dân và chính quyền. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, việc cưỡng chế của các cơ quan chức năng là hoàn toàn đúng, vì đây là sai phạm, nếu là sai phạm thì phải phá dỡ. Việc sắp xếp, bố trí cho người dân ở đó như thế nào thì chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì họ đã nhận tiền, đương nhiên phải sắp xếp cho người dân. Do đó, những người mua nhà tại 8B Lê Trực cần hợp tác với chính quyền và các cơ chức năng trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Nếu tình trạng ngăn cản đơn vị thị công phá dỡ phần sai phạm vẫn tiếp tục tiếp diễn thì chính lợi ích của người mua nhà càng bị ảnh hưởng, bởi quyết định cưỡng chế là đúng pháp luật và không thể thay đổi.
Theo kết luận kiểm tra của thành phố Hà Nội từ năm 2015, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm. Công trình được cấp phép xây dựng cao 53m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2.
Từ năm 2015 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý vi phạm tại 8B Lê Trực. Tuy nhiên, những vi phạm tại công trình này vẫn tồn tại. Tháng 11/2015, thành phố Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này. Hiện đã xử lý, tháo dỡ xong tầng 19, đang xử lý nốt 2 tầng còn lại là 17, 18./.
Đắc Chí
Nguồn: Việt Nam mới