Làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, chính sách giảm giá… đang được các doanh nghiệp du lịch giới thiệu để thu hút khách nội địa trong dịp hè này.
Tạo dựng liên kết và sản phẩm đặc trưng
Từ cuối tháng 4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các địa phương đã nhiều lần họp bàn và đưa ra các chương trình liên kết kích cầu du lịch theo từng gói sản phẩm dựa trên liên kết với hàng không đảm bảo giảm giá nhưng không giảm chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng Giám đốc HanoiRedtour cho biết: Mục tiêu kích cầu lúc này tạo dựng tâm lý an tâm khi đi du lịch. Do đó, chương trình kích cầu dựa trên nhóm liên minh đã hình thành từ tháng 3 và nay tiếp tục bán lại sản phẩm tung ra trước đó với các điểm đến Quy Nhơn – Tuy Hòa; Phú Quốc…
Bên cạnh đó, hướng ứng kế hoạch kích cầu du lịch nội địa theo Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, một số địa phương đã lập tức có các chính sách giảm giá, phí dịch vụ tham quan các điểm di tích, danh thắng. Cụ thể, Thừa Thiên Huế sẽ giảm 50% phí tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế từ ngày 8/5 đến 31/7/2020.
Dựa trên hỗ trợ từ hàng không và một số khu nghỉ dưỡng, các điểm đến nên một số đơn vị lữ hành lớn tung ra sản phẩm kích cầu với các gói giảm giá từ 20-50% và khởi hành hàng tuần.
Trong khi đó, một số đơn vị du lịch, khu điểm du lịch chuyển hướng đưa ra chương trình sản phẩm đặc trưng phù hợp với từng nhóm đối tượng thị trường để thu thút du khách. Sau dịch COVID-19, Khu du lịch sinh thái Dũng Tân (Sông Công, Thái Nguyên) mở cửa đón khách trở lại với mô hình du lịch trải nghiệm nghệ thuật sân vườn, bể bơi kết hợp mua sắm các loại hoa cây cảnh, đá cảnh với giá vé vào cửa 80.000 đồng. Cùng với đó, du khách có dịp trải nghiệm các món ăn dân tộc, an toàn nuôi trồng khép kín trong trang trại của khu du lịch.
Còn ông Trần Văn Ngọc, Ủy viên Ban chấp hành CLB lữ hành Unesco Hà Nội, Giám đốc Công ty Phong Hà Transports cho biết: Do vẫn lo ngại về dịch và nhiều doanh nghiệp khó khăn nên năm nay khách đoàn gần như không có, trong khi khách lẻ nhu cầu đi rất lớn với cự ly trung bình. Do đó, đơn vị kết hợp với một số doanh nghiệp du lịch giới thiệu sản phẩm du lịch xe đưa đón định tuyến kèm dịch vụ lưu trú khách sạn (3 ngày 2 đêm) với giá từ 1,2 triệu đồng từ Hà Nội đến Sầm Sơn hoặc Hải Tiến hoặc Cửa Lò.
Trong khi đó, bà Trang Lê, Giám đốc Công ty Haydi Tour cho biết: Nhiều khách quan tâm đến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thung lũng đồng cỏ Đồng Lâm-Hữu Liên (Lạng Sơn). Theo đó, du khách sẽ được trải nghiệm cắm lều trại, đi xe đạp, thả diều, chèo thuyền kayak… Chương trình phục vụ các nhóm bạn trẻ, nhóm gia đình ưa thích gần thiên nhiên, chụp ảnh check-in…
Truyền thông điểm đến du lịch an toàn
Mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Theo đó, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương và các bên liên quan tổ chức phát động Chương trình tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhằm thu hút sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp và các đối tác, thực hiện truyền thông để các bên và du khách có thông tin, tham gia tích cực.
Trao đổi với các doanh nghiệp du lịch, tất cả đều chung nhận định, hình thức đi du lịch năm nay sẽ có nhiều thay đổi. Trong đó, du lịch hướng tới các nhóm nhỏ, gia đình và đi theo tuyến đường bộ. Còn tuyến hàng không chỉ áp dụng kích cầu với một số doanh nghiệp lớn.
Còn chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” thực tế mới chỉ dừng lại ở chương trình truyền thông để tạo dựng lại điểm đến an toàn. Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chưa chính thức công bố hết dịch và vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro với số người đi qua đường mòn biên giới khó kiểm soát nên yếu tố an toàn vẫn đặt lên hàng đầu.
Từ sau kỳ nghỉ 30/4 – 1/5, số người hỏi đi du lịch tăng trở lại cho thấy nhu cầu đi du lịch dịp hè của người Việt Nam là rất lớn. “Lượng khách sẽ có thể tăng khi học sinh kết thúc năm học. Trong đó du lịch đường bộ trong các cự ly ngắn khoảng 300 km đổ lại sẽ hút khách”, bà Cao Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nhận xét.
Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Đây là thời điểm để thúc đẩy du lịch nội địa gắn với sự an toàn. Việc giảm giá các sản phẩm du lịch chưa hẳn đã là tốt mà cần hướng đến sản phẩm mới, chất lượng dịch vụ tốt, có như vậy mới phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Tin tức