Đại sứ quán đang phối hợp với chính quyền thành phố Saint- Petersburg để triển khai việc dựng tượng Bác Hồ tại đây- nơi Người lần đầu đến Nga.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước Nga có vai trò đặc biệt. Chính tại đây, Bác đã được tiếp cận, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin, đường lối của Quốc tế Cộng sản, chính sách, kinh nghiệm của Nhà nước Xô-Viết vào phong trào cách mạng Việt Nam, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam-Liên Xô, nay là Liên bang Nga.
Cho đến hiện nay, nhiều nơi tại Nga còn in đậm dấu ấn của Người qua các kỷ vật được lưu giữ trong bảo tàng, khắc ghi bằng Tượng đài, những tấm biển đánh dấu nơi Người từng làm việc, từng đặt chân đến…
Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên VOV phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh về những tình cảm của cộng đồng người Việt, cũng như bạn bè Nga dành cho Bác và các hoạt động mừng sinh nhật Bác.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh
PV: Thưa Đại sứ, ông có thể cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Nga có niềm vinh dự và tự hào như thế nào khi được sống và học tập, công tác trên đất nước Nga và cộng đồng đang dành cho Bác những tình cảm như thế nào?
Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga rất đông và có lịch sử hình thành rất sớm. Thành phần của cộng đồng rất đa dạng: Có những người đã từng học tập, nghiên cứu từ thời Liên Xô và ở lại, làm ăn sinh sống; có những người mới sang nhưng cũng coi nước Nga là quê hương thứ hai để lập nghiệp.
Bà con của chúng ta có đặc điểm nổi bật là luôn hướng về quê hương đất nước, luôn ghi nhớ tình cảm của các vị lãnh đạo, đặc biệt là của Bác Hồ đối với Liên Xô-đối với nước Nga. Cho nên trong cuộc sống thường nhật cũng như trong công việc, bà con luôn ý thức được mình là người Việt Nam, là con cháu Bác Hồ, được sinh sống, học tập, làm việc ở trên đất nước của Lê-nin, đất nước Nga xinh đẹp.
Bà con tự hào về thành quả quan hệ giữa hai nước, luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh của người Việt Nam và của Bác Hồ trong bạn bè Nga. Chính họ cũng là những người gắn kết, là nhịp cầu kết nối tình cảm giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong các hoạt động của mình. Có rất nhiều hoạt động của bà con nhớ về Bác Hồ, kỷ niệm về Bác Hồ, đấy là những ngày lễ lớn; sinh nhật Bác-bà con thắp hương, đặt hoa tại tượng đài Bác.
Điều đặc biệt hơn nữa là cộng đồng lồng ghép hình ảnh của Bác Hồ, của đất nước trong các sinh hoạt văn nghệ, kỷ niệm các ngày lễ lớn của Việt Nam, cũng như của Liên bang Nga. Nói tóm lại là rất đa dạng.
Đối với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga thì chúng tôi cũng có nhiều hình thức như là học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, cố gắng thực hiện tốt những lời Bác căn dặn đối với cán bộ ngành ngoại giao, đối với quan hệ của hai đất nước và nhất là cố gắng thực hiện tốt những nhiệm vụ để mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga ngày càng phát triển.
PV: Trong quá trình công tác tại đây, Đại sứ có nhiều dịp tiếp xúc với các lãnh đạo, chuyên gia và đông đảo bạn bè Nga. Ông có thể kể về tình cảm mà họ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh? Câu chuyện nào của họ về Bác khiến Đại sứ nhớ nhất?
Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Có rất nhiều bạn bè Nga, các vị lãnh đạo ở Trung ương, ở địa phương, các nhà Việt Nam học rất nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ đến những hình ảnh của đất nước Việt Nam trong kháng chiến và rất trân trọng tình cảm của nhân dân hai nước.
Mọi người đều khẳng định một điều, chính Bác Hồ là người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai đất nước Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay. Và chúng ta có được cơ đồ như ngày nay là nhờ công lao và tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ.
Tôi đã có rất nhiều dịp gặp gỡ các vị lãnh đạo và các bạn bè Nga mà có thể nói là cả cuộc đời gắn với Việt Nam, vì Việt Nam. Đó là ông E.Glazunov-nguyên là Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga-Việt. Ông vừa mất cách đây một năm. Hay ông E.Kobelev- nhà sử học, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam. Ông là một trong số hai sinh viên đến Việt Nam học tiếng Việt vào năm 1958.
Ông Glazunov và ông Kobelev đều là những người trực tiếp làm việc và phục vụ Bác Hồ trong những chuyến công tác, tham gia rất nhiều hoạt động gắn bó với Việt Nam. Họ luôn nhớ lại, Bác Hồ của chúng ta là một vị lãnh tụ nhưng rất khiêm tốn. Bác rất quan tâm phát triển mối quan hệ giữa hai đất nước, chính Bác là hiện thân của mối quan hệ ấy.
Tôi đặc biệt ấn tượng với chuyến thăm đến tỉnh Ulianov và thành phố Ulianovsk vào tháng 10/2018. Tỉnh Ulianov là quê hương của Lê-nin và trên thực tế, tỉnh này đã kết nghĩa với Nghệ An- quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở đây tôi cảm thấy rất nhiều điều như ở Việt Nam, đấy là tình cảm hữu nghị đặc biệt của vị Thống đốc, của các vị lãnh đạo, của tỉnh đối với Bác Hồ, đối với Việt Nam. Ở đây có tượng đài Bác Hồ cao khoảng hơn 5m. Người dân đến đây đặt hoa và coi khu công viên, tượng đài là địa chỉ lịch sử, văn hóa không chỉ của thành phố, mà của hai đất nước.
Tôi đã đến thăm bảo tàng về Việt Nam, về Bác Hồ ở trường trung học phổ thông số 76 của thành phố này. Trường này kết nghĩa với một trường trung học ở thành phố Vinh-Nghệ An. Điều đặc biệt nhất là bảo tàng về Bác Hồ do các em học sinh tổ chức và làm chủ. Các em giới thiệu cho các vị khách từ Việt Nam về Bác Hồ, về lịch sử đất nước Việt Nam, về con người Việt Nam… Rất nhiều tư liệu quý, hình ảnh về Bác Hồ trong các chuyến công tác đến Liên xô, các hiện vật…
Tôi rất xúc động trước tình cảm của các cháu học sinh, của các thầy cô trường trung học số 76 dành cho Bác Hồ. Tôi nghĩ, tình cảm được hun đúc từ các cháu học sinh, những lớp thanh niên rất trẻ thì đấy là nền tảng, điều mà chúng tôi có niềm tin vững chắc rằng, những lớp trẻ như hiện nay kế thừa các lớp đi trước, tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai đất nước.
PV: Nhân kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đang có các hoạt động như thế nào, thưa ông?
Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Ngoài công việc thường xuyên của cơ quan đại diện, bảo hộ công dân trong giai đoạn hết sức khó khăn do đại dịch Covid-19 ở Nga, chúng tôi đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm sinh nhật Bác.
Saint Petersburg được đánh giá là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng và được yêu thích nhất thế giới hiện nay. Cách đây gần 1 thế kỷ, Bác Hồ lần đầu tiên đến với nước Nga, đến với Petrograd- nay là Saint- Petersburg.
Thứ nhất, chúng tôi đang tích cực phối hợp với chính quyền thành phố Saint- Petersburg để triển khai việc dựng tượng Bác tại thành phố này. Đây là một địa chỉ lịch sử, cách đây gần một thế kỷ, Bác Hồ của chúng ta đã lần đầu tiên đến với nước Nga, đến với Petrograd- nay là thành phố Saint- Petersburg.
Tôi đã trực tiếp làm việc với ông Thống đốc và chính quyền thành phố Saint- Petersburg đã có thư chính thức khẳng định việc này. Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan hữu quan của phía bạn đề thu xếp về vấn đề thiết kế tổng thể cũng như chi tiết, mẫu tượng, đảm bảo quy hoạch kiến trúc và các công việc liên quan, nhất là phối hợp với các cơ quan hữu quan trong nước để sớm triển khai.
Thứ hai, ngày 19/5 này, Đại sứ quán cùng với Uỷ ban Đối ngoại của thành phố Saint-Petersburg tổ chức hội thảo trực tuyến kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác. Hội thảo sẽ có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, các vị lãnh đạo của thành phố, đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, chính quyền thành phố sở tại để tập trung bàn thảo về di sản tinh thần của Bác Hồ đối với quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là bàn biện pháp cụ thể để xúc tiến và triển khai đồng bộ các kế hoạch hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Saint-Petersburg nói riêng và giữa thành phố Saint-Petersburg với Việt Nam nói chung.
Tôi nghĩ đây là hoạt động để chúng ta không những là nhớ về Bác, kỷ niệm sinh nhật Bác mà rõ ràng để thiết thực đóng góp cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai đất nước chúng ta, mà chính Bác Hồ đã đặt nền móng cho quan hệ này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.
Nguồn: VOV.vn