Trang chủ Tin tức Thừa Thiên – Huế, mảnh đất 'nuôi dưỡng' tuổi thơ của Người

Thừa Thiên – Huế, mảnh đất 'nuôi dưỡng' tuổi thơ của Người

136
0

Thừa Thiên- Huế tự hào là mảnh đất đã gắn bó với thời gian niên thiếu của Hồ Chủ tịch trong khoảng 10 năm (1895- 1901 và 1906- 1909), khi Người và gia đình đến sinh sống, lao động, học tập tại Kinh đô Huế. Chính mảnh đất và con người nơi đây đã góp phần hun đúc, hình thành nên tư tưởng yêu nước của Bác, từ đó thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giành lại độc lập và tự do cho dân tộc.

Những năm tháng ở Kinh đô Huế

Thừa Thiên - Huế, mảnh đất 'nuôi dưỡng' tuổi thơ của NgườiNhà lưu niệm Bác Hồ tại số 112 (số mới 158) Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế. 

Ngược dòng thời gian, cách đây khoảng 125 năm, khi đó, cậu bé Nguyễn Sinh Cung mới tròn 5 tuổi đã cùng gia đình từ Nghệ An vào Kinh đô Huế sinh sống. Trong khoảng 6 năm đầu (năm 1895 – 1901), Bác đã cùng gia đình sinh sống tại hai ngôi nhà ở số 112 (số mới 158) đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế và ngôi nhà tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang.

Năm 1895, cha của Bác là ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế dự thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông Nguyễn Sinh Sắc xin vào học ở Trường Quốc Tử Giám và được chấp nhận. Do học bổng của trường quá ít, không đủ điều kiện sinh sống nên ông Nguyễn Sinh Sắc trở về quê bàn với gia đình, đưa vợ là bà Hoàng Thị Loan cùng hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Kinh đô Huế để tiện chăm sóc, động viên và giúp đỡ trong những tháng ngày đèn sách.

Khi gia đình chuyển vào Kinh đô Huế, ông Nguyễn Sinh Sắc thuê nhà tại địa chỉ số 112 (số mới 158) đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế. Trong thời gian sinh sống tại ngôi nhà nhỏ này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã có những năm tháng hạnh phúc bên gia đình, mặc dù cuộc sống khi đó có nhiều khó khăn vất vả, mọi gánh nặng lo toan kinh tế gia đình đều dồn lên vai người mẹ tảo tần, ngày đêm bên khung cửi – đây là gia tài lớn nhất và cũng là phương tiện kiếm sống duy nhất của gia đình.

Thừa Thiên - Huế, mảnh đất 'nuôi dưỡng' tuổi thơ của NgườiHiện vật trưng bày tại Nhà lưu niệm Bác Hồ tại số 112 (số mới 158) Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế. 

Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 khoa Mậu Tuất không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc đưa hai người con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về làng Dương Nỗ ở ngoại thành để dạy học tại nhà ông Nguyễn Sĩ Độ, đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình, có thêm điều kiện tiếp tục theo đuổi con đường thi cử. Lúc này, mẹ của Bác – bà Hoàng Thị Loan vẫn ở lại ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, quay tơ dệt vải để hàng tháng giúp thêm tiền cho chồng con ăn học. Tại đây, hàng ngày, cậu bé Nguyễn Sinh Cung và anh trai thường dậy sớm để ôn bài, quét dọn nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, ngăn nắp. Trong thời gian này, Nguyễn Sinh Cung được anh trai dạy học chữ Hán, góp phần mở ra nhãn quan mới về nhận thức thế giới xung quanh.

Làng Dương Nỗ, một miền quê yên bình đậm chất xứ Huế với những con người bình dị đã chứng kiến những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên của cậu bé Nguyễn Sinh Cung, khi vui chơi nô đùa với bạn bè ở đình làng, ở am Bà, khi vùng vẫy tắm mát trên sông Phổ Lợi … Tất cả bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng trong Người.

Tuy nhiên, những năm tháng tuổi thơ của Bác ở Huế cũng in đậm nỗi đau mất đi người mẹ hiền tần tảo và người em mới chào đời. Cuối năm 1900, bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư đặt tên là Nguyễn Sinh Xin. Nhưng do lao động vất vả, sau khi sinh, bà đã lâm bệnh nặng và qua đời vào tháng 2/1901. Chẳng bao lâu sau, người em mới sinh của Bác cũng mất.

Thừa Thiên - Huế, mảnh đất 'nuôi dưỡng' tuổi thơ của NgườiHiện vật trưng bày tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế. 

Kỳ thi Hội khoa Tân Sửu 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng. Tháng 5/1906, ông vào Kinh đô nhận chức Thừa biện Bộ Lễ, là thuộc quan của triều đình. Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha vào Huế sinh sống và học tập, từ năm 1906 – 1909, khi đó, Bác ở độ tuổi 16 – 19 tuổi. Trong giai đoạn này, Bác Hồ học ở Trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba và là một trong 10 học trò giỏi nhất của trường được thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại Trường Quốc học Huế, niên khóa 1908- 1909.

Những năm tháng Bác học tại Trường Quốc học Huế đã giúp Người thấy được rõ hơn sự mục nát của chế độ phong kiến nhà Nguyễn; hiểu rõ bản chất của bọn thực dân Pháp, ẩn nấp dưới mỹ từ “khai hóa thuộc địa” và nuôi dưỡng khát khao muốn đi tìm đường cứu nước. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã tham gia vào phong trào đấu tranh chống thuế của nhân dân Thừa Thiên – Huế trước Tòa Khâm sứ Trung kỳ, vào năm 1908.

Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, ở con người của Bác vừa có cái chất nghiêm nghị của người dân xứ Nghệ, vừa có cái trầm lắng, nhẹ nhàng, tinh tế của con người xứ Huế. Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên- Huế Lê Thùy Chi cho biết, thời gian ở Huế, Bác Hồ không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương đất nước, văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn được sống trong không khí sôi động của Kinh đô, trước những ảnh hưởng của “Tân thư”, “Tân sách”, các phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi của các sĩ phu… Mười năm so với cuộc đời 79 mùa Xuân của Bác không phải là dài nhưng đây lại là quãng thời gian đặc biệt có ý nghĩa đối với nhận thức khởi đầu của một con người, từ đó, thôi thúc Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi kiếp nô lệ.

Tình cảm sâu nặng dành cho mảnh đất Cố đô

Thừa Thiên - Huế, mảnh đất 'nuôi dưỡng' tuổi thơ của NgườiĐình làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế gắn với năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ. 

Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên – Huế, địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Trong đó, 4 di tích đã được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia gồm Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 (số mới 158) Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ, Trường Quốc học Huế. Hiện nay, đây đều là những “địa chỉ đỏ”, điểm tham quan nổi tiếng, qua đó, giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

Chị Nguyễn Thị Loan Giang, hướng dẫn viên tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ cho biết: Khi trở thành Chủ tịch nước, Bác luôn dành tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên – Huế và mong muốn có dịp trở lại thăm nơi đây khi nước nhà thống nhất. Mỗi lần có đồng chí từ tỉnh ra công tác, Bác luôn ân cần hỏi thăm tình hình địa phương, chia sẻ những câu chuyện mà Bác nhớ được về những năm tháng tuổi thơ cùng với gia đình ở Huế.

Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên- Huế đang lưu giữ và phát huy giá trị gần 20.000 hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến Hồ Chủ tịch, trong đó có nhiều hiện vật quý gắn với những câu chuyện tình cảm của Người dành cho mảnh đất, con người xứ Huế.

Bảo tàng hiện trưng bày một chiếc áo bông bọc lụa màu nâu non. Đó là chiếc áo của Hội Liên hiệp Phụ nữ khu III kính tặng Bác nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59 của Người. Tuy nhiên, tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc diễn ra vào tháng 1/1950, sau khi nghe đồng chí Hoàng Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu IV trực tiếp báo cáo với Bác về phong trào kháng chiến Bình Trị Thiên. Bác rất vui mừng, phấn khởi và cởi chiếc áo bông đang mặc trao cho đồng chí Hoàng Anh làm phần thưởng dành cho đơn vị nào lập được nhiều chiến công nhất. Sau đó, món quà ý nghĩa này đã được trao cho Ban Điệp báo Ty Công an Thừa Thiên.

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn đang lưu giữ chiếc đài (radio) của Bác tặng nữ Anh hùng Hồ Thị Kan Lịch, người con ưu tú của đồng bào Pa Cô ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên- Huế). Đây là chiếc đài được sản xuất tại châu Âu do phái đoàn ngoại giao nước ngoài tặng, Bác vẫn dùng để nghe tin tức trong nước và thế giới hàng ngày. Vào tháng 8/1968, khi nữ Anh hùng Kan Lịch đến chào tạm biệt Bác trở về quê hương để chiến đấu, đã được Bác tặng chiếc radio để thỏa ước nguyện luôn được nghe tiếng nói của Bác. Chiếc đài là một kỷ vật quý thể hiện tình cảm đặc biệt của Người đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cũng như người dân Thừa Thiên- Huế.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên- Huế Lê Thùy Chi, hàng năm có khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan Bảo tàng và các điểm di tích nơi Bác và gia đình từng sinh sống tại Huế. Để phục vụ tốt hơn người dân và du khách đến tham quan, Bảo tàng đã làm tốt công tác phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích, cũng như sưu tầm, đổi mới nội dung trưng bày hiện vật. Những di tích, hiện vật liên quan đến những năm tháng sống trên mảnh đất Cố đô và tình cảm của Người dành cho vùng đất, văn hóa, con người nơi đây sẽ mãi được trân quý giữ gìn, là tài sản vô giá để trao truyền lại cho những thế hệ tương lai.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây