Trang chủ Tin tức Đổi mới hoạt động bảo tàng đáp ứng nhu cầu công chúng

Đổi mới hoạt động bảo tàng đáp ứng nhu cầu công chúng

124
0

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa, nơi lưu giữ, trưng bày giới thiệu đến công chúng những hiện vật, tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa, nghệ thuật hoặc một lĩnh vực chuyên ngành nào đó.

Nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đòi hỏi hoạt động của các bảo tàng cần có sự đổi mới theo hướng linh hoạt, tổ chức trưng bày hấp dẫn, tăng cường hoạt động tương tác, trải nghiệm, tạo cho công chúng được cảm giác được thực sự “nhập cuộc”, sống cùng những ký ức, hiện vật trưng bày tại bảo tàng.

Tăng tính tương tác

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có số lượng bảo tàng nhiều nhất cả nước. Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có 14 bảo tàng (gồm 11 bảo tàng công lập và có 3 bảo tàng ngoài công lập). Một số bảo tàng đã thu hút được lượng lớn công chúng và du khách: Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Áo dài… Trung bình mỗi năm, các bảo tàng ở thành phố tổ chức trên 200 cuộc trưng bày, triển lãm tại chỗ và lưu động, thu hút  khoảng 4 triệu đến 6 triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm.

Đổi mới hoạt động bảo tàng đáp ứng nhu cầu công chúngDu khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Xác định hoạt động bảo tàng phải lấy khách tham quan làm trung tâm, coi mục tiêu phục vụ cộng đồng là trọng yếu, hiện nay, hệ thống bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều bước phát triển đa dạng, đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động.

Các bảo tàng tăng cường sưu tầm bổ sung, trưng bày các hiện vật gốc, áp dụng các công nghệ màn hình cảm ứng, kỹ thuật 3D (hình ảnh được dựng một cách sinh động với sự trợ giúp của các phần mềm đồ họa vi tính) nhằm làm phong phú và hấp dẫn nội dung, hình thức trưng bày, thu hút khách tham quan.

Nhiều bảo tàng đã đổi mới, sáng tạo các hình thức phục vụ công chúng bằng cách xây dựng các chương trình giáo dục dành riêng cho học sinh, sinh viên; triển khai chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường hoặc tại bảo tàng và các di tích.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (địa chỉ 200-202, đường Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3) vừa được UBND Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là điểm du lịch của thành phố. Để bảo tàng là điểm tham quan thu hút công chúng, công tác trưng bày tại bảo tàng được chú ý thực hiện đa dạng nhiều chủ đề, bám sát tên gọi Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Các chuyên đề được chọn trưng bày có nội dung rất ý nghĩa và cũng rất gần gũi với công chúng, đó là: Bác Hồ với phụ nữ miền Nam và phụ nữ miền Nam với Bác Hồ; đấu tranh chính trị của Phụ nữ Sài Gòn – Gia Định từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1975; Phụ nữ Nam Bộ trong chiến dịch Mậu Thân 1968; Tình yêu trong chiến tranh; Đồ dùng trong sinh hoạt của phụ nữ miền Nam; Gian bếp người Việt Nam Bộ…

Với quan điểm bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử của quá khứ mà còn là nơi diễn ra các hoạt động kết nối quá khứ – hiện tại và tương lai, bên cạnh việc tổ chức trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động, nhiều bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn…  đã tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tọa đàm.

Công chúng đến bảo tàng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, khách du lịch được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều nhân chứng lịch sử, từ đó hiểu và cảm nhận sâu hơn về ý nghĩa các hiện vật, tư liệu được trưng bày tại bảo tàng. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức nhiều buổi giao lưu với các nữ chiến sỹ biệt động Sài Gòn, những người từng tham gia hoặc chứng kiến những hoạt động của “ Đội quân tóc dài” ở tỉnh Bến Tre trong phong trào Đồng Khởi – giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ; gặp gỡ các nữ trí thức thành công trong nghiên cứu khoa học; tổ chức cuộc thi đố vui, thuyết trình về gương các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chú trọng các hoạt động mang tính tương tác, trải nghiệm, bên cạnh việc trưng bày các bộ sưu tập áo dài qua các giai đoạn lịch sử, Bảo tàng Áo dài Việt Nam (206/19/30 đường Long Thuận, phường Long Phước, Quận 9) đầu tư tổ chức nhiều hoạt động như hướng dẫn các em thiếu nhi cách chọn vải, cách cắt và may một chiếc áo dài…Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Quản lý Bảo tàng Áo dài, nhiều em nhỏ đến Bảo tàng rất hào hứng khi được nhân viên của Bảo tàng hướng dẫn cách cầm kéo cắt vải, cầm kim may áo.

Được tham quan, tìm hiểu các bộ sưu tập, thư giãn trong không gian bảo tàng và trải nghiệm các công đoạn để có được một chiếc áo dài truyền thống, các em nhỏ sẽ hiểu hơn về một nét văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn phối hợp với một số đơn vị tổ chức không gian giao lưu, biểu diễn nghệ thuật với chủ đề phụ nữ trong không gian di sản dân tộc để vừa làm phong phú thêm các hoạt động trải nghiệm của bảo tàng vừa góp phần bảo tồn, giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống như dân ca quan họ, hát ví giặm, nghệ thuật đờn ca tài tử đến công chúng.

Gắn với phát triển du lịch thông minh

Gắn các hoạt động của bảo tàng với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch thông  minh được coi là giải pháp hiệu quả đề thu hút ngày càng nhiều hơn lượng khách đến tham quan các bảo tàng. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, từ nguồn tài nguyên quý là các di sản văn hóa, trong đó có các di tích, bảo tàng, Thành phố Hồ Chí Minh đã có định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố qua việc phát triển du lịch thông minh, như: Xây dựng phần mềm hướng dẫn tham quan hệ thống di sản của thành phố nói chung và từng bảo tàng, di tích nói riêng nhằm tạo điều kiện cho du khách có thể thoải mái khám phá từng nội dung được trưng bày tại địa điểm di sản đó, đồng thời có thể tìm hiểu cả những dịch vụ bổ trợ, tiện ích ở gần khu di sản mà không mất quá nhiều thời gian. Phần mềm hướng dẫn sẽ giúp du khách có thể khám phá trước nội dung trưng bày tại khu di tích, bảo tàng và có thể tập trung dành nhiều thời gian hơn vào những nội dung tham quan mà họ mong muốn.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá và phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông, sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng của mỗi bảo tàng, di tích và một số dịch vụ phù hợp tại bảo tàng nhằm đảm bảo du khách đến bảo tàng không chỉ tham quan, thưởng ngoạn cổ vật, hiện vật được trưng bày mà còn được đáp ứng các nhu cầu như mua sắm lưu niệm, thưởng thức các giá trị văn hóa tại bảo tàng, di tích.

Theo bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng triển khai ứng dụng giải pháp Smart Museum – giải pháp bảo tàng thông minh, mang đến cho công chúng sự tiếp cận, trải nghiệm đa dạng hơn các dữ liệu, hấp dẫn hơn về hình thức trưng bày, giới thiệu các tư liệu, tài liệu, hiện vật bảo tàng. Cụ thể, với một số chuyên đề trưng bày như chuyên đề “Chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng miền Nam và Thành phố Hồ Chí Minh”, nhờ việc ứng dụng công nghệ mới này, khi muốn tìm hiểu về một nhân vật hay hiện vật, tư liệu tại bảo tàng, công chúng chỉ cần kích hoạt ứng dụng “Smart Museum” là có thể tìm kiếm được nhiều thông tin hơn ngay trên chiếc điện thoại thông minh của mình. “Smart Museum” đóng vai trò như một hướng dẫn viên điện tử với các ngôn ngữ khác nhau, đem lại trải nghiệm thú vị hơn cho du khách trong suốt quá trình tham quan tại bảo tàng.

Đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác chùm tour “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” với nhiều nét độc đáo, hấp dẫn du khách khi tìm hiểu về lịch sử Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hành trình tour này có điểm đến là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ở số 145 đường Trần Quang Khải, Quận 1. Bảo tàng này đã  ứng dụng các công nghệ thông minh, công nghệ thực tế ảo để giúp du khách tìm sinh động, rõ nét hơn về lực lượng Biệt động Sài Gòn. Du khách đến Bảo tàng sẽ được xem những thước phim lịch sử về Biệt động Sài Gòn bằng công nghệ 3D; tương tác bằng các màn hình cảm ứng để tìm các thông tin về các chiến sỹ biệt động trong cuộc kháng chiến năm xưa.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây